Từ thuở sơ khai, loài người đã phải chung sống với các hiện tượng thiên nhiên – thời tiết cực đoan gây thiệt hại cả về người và của. Năm 1997, khu vực Trung Âu bao gồm cả Ba Lan đã chứng kiến một trong những trận lũ lụt kinh hoàng nhất lịch sử. Mặc dù mỗi nguồn tin lại đưa ra những sai số nhất định về mức độ tàn phá khủng khiếp do cơn hồng thủy gây ra, nhưng các cơ quan thông tấn đều xác định rằng đây là trận lũ lớn nhất từng được ghi nhận trên lưu vực sông Odra. Cho đến tận ngày hôm nay, báo chí Ba Lan vẫn đôi khi phải nhắc lại và nhiều nơi trên khắp đất nước vẫn còn những dấu tích gợi nhớ sự kiện hãi hùng này.
Ảnh: MENWAY
Trận lụt đổ bộ vào Ba Lan vào tháng 7 năm 1997. Các nguồn tin cho biết nguồn cơn bắt đầu từ Công hòa Séc, nơi có lượng mưa cao gấp nhiều lần Ba Lan. Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 5 tháng 7, khi một khối áp thấp di chuyển từ Italia đến Cộng hòa Séc, gây ra những đợt mưa dữ dội rơi xuống vùng Moravia, cũng là thượng nguồn sông Odra. Đêm mùng 5 đến rạng sáng mùng 6 tháng 7, người ta ước tính rằng cứ 6 giờ đồng hồ lại có 60 lít nước đổ xuống mỗi mét vuông trên khu vực này.
Từ ngày 6 tháng 7 cho đến sáng ngày 7 tháng 7, vùng mưa lớn dịch chuyển xa hơn về phía đông lãnh thổ Cộng hòa Séc, và sau đó đổ xuống miền nam Ba Lan với lượng mưa trung bình lên tới 200mm. Chỉ tính riêng lượng mưa ngày 5 và 6 tháng 7 đã đủ phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Nhiều đồng hồ đo nước đã ghi lại những thông số chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử thủy văn quốc gia. Vào ngày 8 tháng 7, khi nước lớn đã gây ngập gần như tất cả các thành phố bên bờ sông Odra, vùng mưa lớn đã di chuyển sang các khu vực phía đông của Ba Lan rồi suy yếu.
Ảnh: Newsweek Polska
Để đánh giá khách quan về trận lũ này, người ta đã phải đo đạc, xử lý số liệu quan trắc, lập hồ sơ thống kê thiệt hại,... Các thông số đối chiếu và so sánh đều cho thấy đây là cơn lũ lớn nhất trên lưu vực sông Odra. Mực nước sông đã tăng không kiểm soát do mưa dữ dội những ngày đầu tháng 7 bao phủ toàn bộ đất nước, đỉnh điểm là hơn 200mm ở khu vực phía Tây Nam. Mưa lớn cũng xảy ra ở Cộng hòa Séc, thượng nguồn sông Odra và ở Áo. Từ biên giới Ba Lan đến Wrocław, các thông số kỷ lục được lưu giữ trong 200 năm đều bị phá vỡ. Trong sử sách quốc gia cũng không thấy ghi lại trận thiên tai nào có quy mô như vậy. Dọc chiều dài con sông, các mức độ khẩn cấp đều bị vượt ngưỡng. Thậm chí mức lũ ở Ślęza, Bystrzyca và Kaczawa còn lên tới mốc báo động thảm khốc. Đợt mưa lớn thứ hai kéo dài từ ngày 18 đến 20 tháng 7 càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiên tai. Hiện tượng sóng lũ đã được ghi nhận trên sông Odra và Bóbr, Nysa Łużycka.
Ảnh: Newsweek Polska
Wisła là hệ thống sông chính của Ba Lan thậm chí cũng chưa bao giờ ghi nhận trận lụt có quy mô lớn đến như vậy. Ở thượng lưu sông Wisła, trận lũ lụt vào tháng 7 năm 1997 nhìn chung không vượt quá mức kỷ lục từng ghi nhận trong lịch sử thủy văn dù mực nước có tăng nhanh từ ngày 8 tháng 7. Tại khu vực trung lưu Wisła, mực nước thấp hơn nhiều so với mức cao nhất từng quan sát được, nhưng vẫn vượt quá mức báo động, ngoại trừ quãng chảy qua thủ đô Warszawa.
Ảnh: Business Insider
Trận lũ lụt đã gây ra những thiệt hại không thể tưởng tượng được về vật chất và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Theo số liệu được cung cấp, nửa triệu người Ba Lan bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn hồng thủy, trong đó có 56 người thiệt mạng và 7.000 người mất nhà cửa và khoảng 40.000 người mất trắng tài sản. 9.000 cơ sở kinh doanh bị phá hủy. 680.000 chung cư, 843 trường học bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 100 trường học bị phá hủy hoàn toàn. 4.000 cây cầu bị ảnh hưởng, trong đó có 45 cây bị hư hại hoàn toàn. 14.400 km đường bộ, 2.000km đường sắt, 613km kè chống lũ và 665.835ha đất (chiếm 2% diện tích cả nước) bị tàn phá nặng nề. Tổng thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 12 tỷ zloty. Hầu hết tất cả các vùng ven sông Odra đều bị ngập lụt nghiêm trọng bao gồm Racibórz, Opole và Wrocław.
Có thể bạn cần!