Những ngày này, thế giới nín thở dõi theo diễn biến căng thẳng giữa Ukraine và Nga. 21-2-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố công nhận cái gọi là "nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk" và "nước Cộng hòa Nhân dân Luhansk" vùng Donbas. Việc ủng hộ hai thực thể này ly khai khỏi Ukraine gây tranh cãi dữ dội. Sự kiện cũng trở thành ngòi nổ cho một loạt đụng độ quân sự giữa hai quốc gia.
Căng thẳng trên quy mô quốc tế
Ukraine đã tuyên bố tình trạng chiến tranh và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Tình hình căng thẳng leo thang đến mức nhiều quốc gia khác cũng lên tiếng. Anh, Ba Lan, Thụy Điển, Séc,…gay gắt đáp trả Nga và có động thái kiên quyết ủng hộ Ukraine. Ngược lại, ở phía bên kia chiến tuyến, Belarus về phê với Nga. Hai nước tuyên bố sẵn sàng nghênh chiến bất kỳ quốc gia nào gây hấn với chính quyền Moscow.
Khủng hoảng quan hệ ngoại giao Nga-Ukraine chủ yếu xuất phát từ vấn đề các vùng ly khai. Vai trò của Ukraine trong châu Âu và việc nước này có thể gia nhập NATO cũng khiến Nga 'nóng mắt'. Theo Moscow, nếu Ukraine thành đồng minh của Hoa Kỳ thì sẽ "đe dọa an ninh quốc gia Nga".
24-2-2022, sau bài phát biểu của Putin, quân Nga đã tấn công Ukraine trên diện rộng. Nhiều vụ nổ gần các thành phố lớn được ghi nhận. Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine năm 2014. Cho đến những động thái gần đây, Nga đã bị rất nhiều quốc gia chỉ trích. Điện Kremli có vẻ như đang chủ trương "xâu xé" Ukraine dần dần. Nga đã tiến hành xâm lược nước khác theo đúng nghĩa đen ngay trong thời hiện đại.
Những diễn biến chính từ 2008
Năm 2008: Ukraine bắt đầu hướng tới việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc này dựa trên cơ sở các mối quan hệ ngoại giao xây dựng từ năm 1992. Đó là năm sau khi Ukraine tuyên bố hoàn toàn độc lập khỏi Nga.
Tháng 1/2010: Ông Victor Yanukovych trở thành Tổng thống Ukraine. Hậu quả là kế hoạch gia nhập NATO bị bãi bỏ. Mặt khác, ông Yanukovych ký kết thỏa thuận khí đốt với Tổng thống Putin. Đổi lại, Yanukovych cho Nga sử dụng một căn cứ hải quân ở Cảng Biển Đen của Ukraine.
Tháng 11/2013: Các cuộc biểu tình Euromaidan nổ ra ở thủ đô Kyiv của Ukraine. Nguyên do là Tổng thống Yanukovych trì hoãn thỏa thuận thương mại tự do với EU. Đồng thời ông Yanukovych cũng củng cố quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
Tháng 2/2014: Làn sóng phản đối tiếp tục lan rộng trên khắp Ukraine. Việc cảnh sát bắn đạn thật vào người biểu tình đã khiến bạo loạn nổ ra khắp nơi. Quốc hội Ukraine bỏ phiếu luận tội cựu Tổng thống Yanukovych. Chính phủ lâm thời đã ra lệnh bắt giữ ông này. Yanukovych sau đó đào tẩu đến Nga, tuyên bố việc loại bỏ ông là một "cuộc đảo chính". Nga cũng không công nhận chính quyền mới của Ukraine. Sự kiện này được gọi là cuộc Cách mạng Nhân phẩm bởi nhân dân Ukraine.
Sự kiện Crimea - Nga chính thức lộ dã tâm xâm lược
Tháng 3/2014: Quân đội Nga tiếp quản bán đảo Crimea của Ukraine. Nga cũng chiếm giữ các tòa nhà Quốc hội và chính phủ tại đây. Hai tuần sau, Quốc hội khu vực tổ chức trưng cầu dân ý. Hơn 95% (chủ yếu là người gốc Nga) bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga. Nga ký hiệp ước với giới lãnh đạo Crimea, chính thức hóa việc sáp nhập. Đáp lại, Nhóm G8 (hiện được gọi là G7) khai trừ Nga ra khỏi khối. Cuộc sáp nhập chỉ được 11 nước công nhận và bị LHQ coi là bất hợp pháp.
Tháng 4/2014: Các tay súng ly khai giành quyền kiểm soát Donbas, miền đông Ukraine. Lực lượng nổi dậy này được cho là do chính phủ Nga hỗ trợ. Nhưng Moscow phủ nhận có liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột.
Những thỏa thuận đi vào ngõ cụt
Từ tháng 3/2014 đến nay: Canada không ngừng áp dụng các lệnh trừng phạt lên Nga. Quốc gia này đồng thời tích cực hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự và kinh tế.
Tháng 9/2014: Thỏa thuận Minsk lần I về việc ngừng bắn được Ukraine và phe ly khai ký. Các điều khoản gồm trao đổi tù nhân, cung cấp viện trợ nhân đạo và rút vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên, cả hai bên đều đã vi phạm thỏa thuận.
Tháng 2/2015: Thỏa thuận Minsk lần II được ký kết bởi nhiều bên. Tham gia có Nga, Ukraine, lực lượng thân Nga, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).
Tháng 5/2015: Ukraine đình chỉ thỏa thuận hợp tác quân sự đã có từ năm 2003 với Nga. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước tiếp tục đi theo chiều hướng xấu. Các lệnh trừng phạt, cấm vận và đóng cửa không phận được ban bố.
Ukraine chính thức quay mặt với Nga, hướng về phương Tây
Tháng 1/2016: Ukraine ký thỏa thuận thương mại với EU. Chính quyền khuyến cáo người dân không đến Nga, cấm sách nhập khẩu từ Nga. Hệ thống giáo dục loại bỏ tiếng Nga ra khỏi hầu hết chương trình học.
Tháng 11/2018: Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine, tống giam 24 thủy thủ. Sự việc đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình. Lệnh thiết quân luật cũng được ban bố ở Ukraine.
Tháng 7/2019: Ông Volodymyr Zelensky được bầu làm Tổng thống Ukraine. Sự kiện khiến quan hệ Ukraine-Nga càng không thể cứu vãn.
Đầu năm 2021: Giao tranh leo thang ở khu vực Donbas. Nga bắt đầu tăng cường sự hiện diện quân sự tại biên giới Ukraine.
Tháng 4/2021: Ông Zelensky đề nghị Tổng thống Mỹ Joe Biden đẩy gấp tiến trình Ukraine gia nhập NATO. Trong khi đó Nga tiếp tục đe dọa biên giới phía Đông Ukraine.
Tháng 11/2021: Hình ảnh vệ tinh cho thấy sự hiện diện của quân đội Nga cùng với vũ khí hạng nặng ở biên giới Ukraine, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xâm lược.
Những động thái từ phía Hoa Kỳ
Tháng 12/2021: Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc đàm thoại với người đồng cấp Nga. Ông Biden đe dọa trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nếu Nga tiến hành xâm lược láng giềng. Ông Putin hứa hẹn chấm dứt việc gây sức ép lên bờ Đông Ukraine.
Tháng 1/2022: Mỹ có cuộc gọi với Tổng thống Ukraine để đưa ra một số cam kết. Hoa Kỳ và đồng minh sẽ "hành động dứt khoát" nếu Nga tấn công Ukraine. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng tuyên bố kéo dài chiến dịch quân sự UNIFIER. Việc này nhằm hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Đồng thời, Canada áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Ngày 2/2/2022: Hoa Kỳ thông báo triển khai 3.000 quân đến Ba Lan, Đức và Romania. Động thái này vấp phải sự phản đối từ phía Nga.
Xung đột quân sự leo thang
Ngày 13/2/2022: Hơn 130.000 quân Nga tập trung gần biên giới Đông Ukraine. Dù hôm trước đó, Mỹ đã cảnh báo Nga trong một cuộc điện đàm. Nội dung là xâm lược Ukraine sẽ gây ra "đau khổ cho người dân trên diện rộng."
Ngày 14/2/2022: Canada công bố một gói cho vay 500 triệu USD cho Ukraine. Cùng với đó là kho vũ khí sát thương trị giá 7,8 triệu USD được viện trợ.
Ngày 15/2/2022: Nga thông báo rút quân một phần khỏi các cuộc tập trận gần Ukraine. Tuy nhiên, tính chính xác của thông báo này đã sớm bị Hoa Kỳ bác bỏ. Phía Nhà Trắng cho biết, trên thực tế, Moscow không hề rút bớt quân. Nga thậm chí còn bổ sung thêm 7.000 quân tại biên giới.
Ngày 17/2/2022: Đạn bắn trúng một trường mẫu giáo ở vùng Donbas của Ukraine. Nơi này khi đó do phe ly khai thân Nga kiểm soát.
Ngày 19/2/2022: Lực lượng hạt nhân chiến lược Nga tổ chức tập trận do Putin giám sát.
Chiến tranh xâm lược giữa thế kỷ 21
Ngày 21/2/2022: Trong một bài phát biểu, Putin chỉ trích Ukraine và phương Tây. Putin đã ký sắc lệnh công nhận hai thể chế ly khai. Chúng tạm gọi là “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Luhansk”. Hai tỉnh vốn thuộc miền Đông Ukraine với phiến quân ly khai thân Nga. Đáp lại, Hoa Kỳ tuyên bố trừng phạt kinh tế đối với Nga cũng hai vùng ly khai.
Ngày 22/2/2022: Thực thể Donetsk và Luhansk (miền Đông Ukraine) ký hiệp ước với Nga. Hạ viện Nga đã phê chuẩn thỏa thuận.
Ngày 23/2/2022: Putin mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Chính quyền Nga kêu gọi tất cả công dân trở về nước.
Ngày 24/2/2022: Quân Nga chính thức tràn vào lãnh thổ Ukraine từ phía Đông, Nam và Bắc. Moscow tuyên bố sẽ chỉ đánh vào các căn cứ quân sự chứ không tấn công thành phố. Nhưng đã có thương vong về dân thường dù chưa có con số thống kê cụ thể. Chính quyền Ba Lan khẩn cấp mở biên giới cho người tị nạn từ Ukraine. Nga đã mở cuộc tấn công vào châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ Thế chiến II. Ukraine tuyên bố chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Tổng thống Zelensky ban bố tình trạng chiến tranh trên toàn quốc.