Cách đây 20 năm, khán giả và giới phê bình xôn xao khi kiệt tác điện ảnh The Pianist (2002) ra mắt. Gọi là kiệt tác vì bộ phim này không chỉ thành công lớn về mặt nghệ thuật, thương mại, mà còn mang giá trị lịch sử to lớn. Phim khắc họa một Ba Lan lầm lũi, tang tóc khi cơn bão phát xít tràn vào tàn phá. Nhưng chính trong hoàn cảnh đầy khói bụi, máu và mồ hôi đó, Ba Lan đã kinh qua để rồi gượng dậy từ đống tro tàn. Từ đó, nghệ thuật Ba Lan hồi sinh như cách mà dân tộc Ba Lan đã hồi sinh.
Ảnh: DVD Planet Store
The Pianist kể câu chuyện có thật về Władysław Szpilman – một nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ dương cầm người Ba Lan gốc Do Thái. Phim dựa trên cuốn hồi ký của chính Szpilman xuất bản năm 1946. Theo đó, chuyến hành trình sinh tử vượt qua bom đạn và cuộc diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã trong Thế chiến II hiện lên bi tráng. Ban đầu, Szpilman có một cuộc sống yên ấm bên gia đình cùng một sự nghiệp âm nhạc đáng ngưỡng mộ.
Thế nhưng, dòng xoáy nghiệt ngã của lịch sử đã đẩy đất nước Ba Lan thanh bình chìm trong khói lửa. Như thể nhiêu đó vẫn là chưa đủ, quân phát xít còn đày đọa những người Do Thái nơi đây khiến cuộc sống của họ còn khốn khổ hơn địa ngục. Nước mất nhà tan, hình ảnh Szpilman mếu máo, thất thểu đi trên đường phố hoang tàn đã ám ảnh nhiều khán giả xem phim.
Ảnh: Chordify
Những tưởng tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm và bay bổng sẽ không thể nào trụ vững trước thực tại đen tối, nhưng Szpilman vẫn sống. Đôi tay thanh thoát từng múa trên phím đàn giờ phải làm những công việc khổ ải. Cuộc sống ấm êm ngày nào giờ đổi lại là những tháng ngày đói khổ, bệnh tật, trốn chui lủi, nhặt nhạnh đồ ăn người ta bỏ lại trong mấy căn nhà đổ nát.
Không biết ngày mai sống chết ra sao nhưng Szpilman vẫn đấu tranh đến cùng, chờ được đến ngày hòa bình ló rạng trên đất nước Ba Lan. Cuối phim, người nghệ sĩ trở lại khân khấu trước công chúng, đàn những tiếng thống thiết cho quê hương, cho những người thân yêu đã nằm xuống và cho chính mình.
Ảnh: Grand Action
Có một điều chắc chắn là nếu không có sự che chở của những người như cặp vợ chồng nhà Bogucki thì Szpilman khó lòng sống sót. Bạn bè trong trại lao động khổ sai giúp sức cũng chính là lý do Szpilman có thể đứng lên phản kháng lại bọn phát xít bóc lột. Xuyên suốt bộ phim, cứ mỗi khi số phận của Szpilman tưởng như đã chấm hết thì anh lại nhận được sự giúp đỡ từ chính đồng bào.
Người Ba Lan khi ấy cũng chẳng sung sướng gì. Từ những thị dân Warszawa sang trọng, họ phải bán đi cả chiếc đồng hồ đeo tay để có tiền ăn, dè sẻn từng ổ bánh mỳ nhưng khi gặp hoàn cảnh đáng thương hơn, họ vẫn chìa tay cứu giúp dù sau đó có bị liên lụy đến cả tính mạng. Rất nhiều người Ba Lan lương thiện, hào phóng đã hy sinh không hẳn chỉ để Szpilman được sống, mà họ hy sinh vì chính nghĩa.
Ảnh: Evan E. Richards
Nếu như đạo đức và lý tưởng Ba Lan được thể hiện qua các tuyến nhân vật phụ thì sức sống mãnh liệt của người Ba Lan lại được truyền tải qua nhân vật chính Władysław Szpilman và âm nhạc. Thực ra, tài năng âm nhạc đóng vai trò rất lớn trong việc cứu sống Szpilman khỏi những hoàn cảnh nguy nan.
Nhờ âm nhạc mà anh vẫn có thể biểu diễn ngay trong khu tập trung, kiếm chút thù lao dù ít ỏi nhưng vẫn tốt hơn so với những người khốn khổ đến mức phải ăn trộm bánh mỳ hay vét chút cháo đổ vương vãi trên đất. Nhờ âm nhạc mà anh kết giao được với những người mến mộ, họ đã trở thành ân nhân che chở tranh trong cảnh bị truy lùng. Nhờ âm nhạc mà ngay cả gã cảnh sát tay sai của phát xít đã kéo anh ra khỏi đoàn người Do Thái bị áp giải về trại Auschwitz.
Ảnh: Unifrance
Không ai từng xem The Pianist mà quên được cú twist gần cuối phim: nhờ âm nhạc mà Szpilman đã lay động được cả tay sĩ quan người Đức, khiến y không những che giấu nơi trú ẩn của anh mà còn tiếp tế lương thực, đồ dùng mong giúp anh trụ cho qua chiến tranh. Nhờ âm nhạc mà một tình bạn kỳ lạ đã nảy sinh giữa hai con người lẽ ra đã phải là kẻ thù - Władysław Szpilman và gã sĩ quan Đức.
Đó hẳn phải là tình bạn chứ không chỉ đơn thuần là sự giúp đỡ, vì gã sĩ quan thậm chí còn hứa sẽ nghe Szpilman chơi đàn trên radio và tặng anh tấm áo khoác đẹp đẽ của gã. Nhờ âm nhạc mà Władysław Szpilman cuối cùng đã cất lên những tiếng bi tráng bên cây dương cầm, tri ân đất nước và con người Ba Lan.
Điều này gợi nhớ lại việc Arthur Rubinstein cũng dùng âm nhạc để xướng lên quốc ca Ba Lan khi thấy lá cờ Tổ quốc vắng bóng tại Liên Hợp Quốc. Âm nhạc như con thuyền Noah che chắn cho dân tộc Ba Lan vượt qua bao trận đại hồng thủy của lịch sử để cập bến tự do.
Ảnh: Listal
The Pianist khi ra mắt công chúng đã gây tiếng vang lớn. Phim giành được 3 giải Oscars và 4 đề cử. Thành công của The Pianist có dấu lớn rất lớn của đạo diễn người Pháp gốc Ba Lan Roman Polański. Dù không thể có mặt tại lễ trao giải Oscars vì lý do hình sự, Roman Polański có lẽ vẫn cảm thấy hài lòng phần nào khi tác phẩm vinh danh quê hương Ba Lan đại thắng các lễ trao giải điện ảnh lớn năm 2002.
Có thể bạn cần!