Mỗi dịp 1/8 hàng năm, người dân Ba Lan, đặc biệt là ở Warszawa lại chìm trong không khí trang nghiêm và xúc động để tưởng nhớ những người con của đất nước đã ngã xuống vì tinh thần độc lập bất diệt của thủ đô. Thế chiến thứ II đã qua đi gần 8 thập kỷ. Đau thương dần lùi vào dĩ vãng. Những trang sử của Ba Lan thấm đầy mồ hôi, máu và nước mắt, nhưng Ba Lan vẫn vượt sóng gió, người Ba Lan vẫn đạp lên bùn đen và súng đạn để gìn giữ độc lập. Nếu bạn có dịp ghé thăm đất nước Đông Âu trùng dịp kỷ niệm cuộc nổi dậy Warszawa, thời gian như đứng lại, hãy cùng người dân nơi đây dành 1 phút mặc niệm cho máu xương của bao con người đã ngã xuống để những thế hệ sau được hưởng hòa bình, cho cây cối, cỏ hoa phủ xanh một màu hy vọng trên mảnh đất anh hùng.
17:00 chiều 1/8 hàng năm là một thời khắc thiêng liêng của người dân thủ đô Warszawa. (Nguồn: Daily Mail)
Cuối tháng 7 năm 1944, quyết định tiến hành một cuộc nổi dậy chống lại lực lượng Đức Quốc Xã đang chiếm đóng Warszawa đã được đưa ra. Trước đó, một số chỉ huy của Quân đội Ba Lan không có ý định hành động quân sự với mong muốn tránh được những thiệt hại cho thành phố và quan trọng nhất là bảo vệ tính mạng cho người dân. Lý do là bởi các cấp chỉ huy của Ba Lan đã tự lường được sức mạnh lực lượng của phe nhà rất khó có thể tự giành lại các thành phố lớn khỏi tay Phát-xít. Theo kế hoạch, các đơn vị Ba Lan phải tập trung bên ngoài thủ đô và chỉ tiến quân sau khi quân Đức đã rút lui. Trong trường hợp bất khả kháng buộc phải hành động, kế hoạch tác chiến sẽ là tổ chức một cuộc tấn công cùng với sự hiệp trợ của Hồng quân Liên Xô, lực lượng mà Ba Lan lúc đó coi là đồng minh đáng tin cậy.
Tượng đài tưởng niệm cuộc nổi dậy Warszawa khánh thành năm 1989. (Nguồn: Pixels)
Tuy nhiên, sau khi giúp Ba Lan giải phóng hai trung tâm chính của biên giới phía Đông là Vilnius và Lwówl, phía Liên Xô liền trở mặt và chính điều này đã góp phần gây ra những hệ lụy đau thương cho Ba Lan về sau. Các sĩ quan Quân đội Ba Lan bị bắt giữ bởi Liên Xô, trong khi quân đội bị tước vũ khí và hợp nhất vào quân đội của Tướng Berling do những người cộng sản Ba Lan ở Liên Xô thành lập nên. Đến cuối tháng 7/1944, Bộ chỉ huy Quân đội vẫn tiếp tục gửi các chuyến vận chuyển vũ khí đến miền đông Ba Lan, làm giảm số lượng khí tài quân sự sẵn có của thủ đô.
Chính phủ Ba Lan ở London chỉ được thông báo về kế hoạch nổi dậy đúng 1 tuần trước khi cuộc nổi dậy chính thức nổ ra. Hơn nữa, bộ chỉ huy Quân đội ở Warszawa cũng không liên lạc với phía Liên Xô cũng như không biết về kế hoạch chi tiết của 'đồng minh'. Một trong những mục đích của cuộc nổi dậy cũng là nhằm chống lại Liên Xô và Stalin. Lý do là bởi, sau những động thái của Liên Xô, hầu hết lực lượng Ba Lan tại Warszawa đều cho rằng Hồng quân sẽ hất cẳng Đức chỉ để chiếm thành phố.
Trong cuộc họp tham mưu vào lúc 10 giờ sáng ngày 31 tháng 7, ý kiến giữa các sĩ quan Ba Lan đã bị chia rẽ. Sau khi tham vấn với tổng tham mưu trưởng của mình, Tướng Pełczyński, chỉ huy chiến dịch, Tướng Okulicki, Tổng chỉ huy quận, Tướng Chruściel và một đại biểu chính phủ của Ba Lan, Jan Jankowski, Tướng Bór-Komorowski đã đưa ra quyết định bắt đầu cuộc nổi dậy ở Warsaw lúc 5 giờ chiều ngày hôm sau, 1 tháng 8 năm 1944.
Tướng Bór-Komorowski đã khá tỉnh táo khi ước tính về cơ hội thành công rất thấp của Quân đội Ba Lan khi trực tiếp giao chiến với Wehrmacht. Quân Đức vốn dĩ không thể dễ dàng bị đánh bật khỏi Warszawa. Thêm vào đó, quân đội Ba Lan bị khan hiếm vũ khí trầm trọng khi chỉ có khoảng 20% vũ khí sử dụng được. Tuy nhiên, có vẻ sức ép của một số thành viên ban tham mưu quân sự đã buộc Bór-Komorowski phải ra quân. Khó khăn chồng chất khó khăn khi Liên Xô phớt lờ lực lượng nổi dậy và không có bất kỳ động thái nào nhằm cản đường quân Phát-xít oanh tạc thành phố và tàn sát người vô tội.
Những thiệt hại về người và của sau sự kiện 1/8 là không kể xiết. (Nguồn: Vintage Everyday)
Cuộc nổi dậy ở Warszawa là nỗ lực quân sự lớn nhất từng được thực hiện bởi bất kỳ phong trào kháng chiến châu Âu nào trong Thế chiến II. Trên thực tế, quân Ba Lan đã thành công trong việc giành quyền kiểm soát một số khu vực quan trọng của thành phố, nhưng phần lớn các mục tiêu chiến lược như doanh trại, cầu, đường sắt, khu chính quyền, trục đường Aleje Jerozolimskie vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Đức Quốc Xã. Bất chấp chủ nghĩa anh hùng cao cả của quân đội Ba Lan (phần lớn là những thanh niên tuổi đời chưa đến 20), các mục tiêu chính trị đặt ra cho cuộc nổi dậy đã thất bại nặng nề. Người ta ước tính rằng khoảng 16.000 thành viên của lực lượng kháng chiến Ba Lan đã thiệt mạng, khoảng 6.000 người bị thương nặng. Ít nhất 150.000 đến 200.000 dân thường Ba Lan đã chết, hầu hết là do các vụ hành quyết hàng loạt, chưa kể, gần 1 triệu người Ba Lan bị trục xuất khỏi thành phố của chính họ.
Ngày nay, cứ mỗi dịp 1/8 vào lúc 5 giờ chiều, còi báo động ở Warszawa và các thành phố sẽ vang lên, giao thông ngừng hoạt động và người dân sẽ dành một phút im lặng mặc niệm những đồng bào đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Đường phố tràn ngập sắc đỏ trắng của lá cờ Ba Lan. Một số người đốt pháo sáng tôn vinh những người hùng đã ngã xuống.
Người dân thủ đô tưởng niệm sự kiện 1/8. (Nguồn: Polish News)
Chị Aleksandra Rogowska, nhân viên văn phòng ở Warszawa, chia sẻ: "Kỷ niệm cuộc nổi dậy Warszawa là một thời khắc cực kỳ xúc động đối với tôi. Tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng đối với những người đã thiệt mạng trong sự kiện đau thương này."
Anh Daniel Lamek, lập trình viên, trải lòng cùng OH! Ba Lan: "Phút mặc niệm luôn làm tôi phải rơi nước mắt...kể cả khi tôi đang ở cùng bạn tại Sopot vào năm ngoái. Tín hiệu lúc 17:00 ngày 1/8 khiến tôi vô cùng tự hào về người Ba Lan. Tôi rất tiếc về những mất mát mà chúng tôi đã phải hứng chịu khi quân Phát-xít tàn sát người Ba Lan ở khắp mọi nơi, phá hủy thành phố xinh đẹp. Quá khứ ấy khiến trái tim tôi tan nát, nhưng đồng thời cũng khiến tôi mạnh mẽ hơn. Tôi hy vọng rằng những chuyện tương tự sẽ không bao giờ xảy ra nữa, không chỉ với người dân Ba Lan mà còn bất kỳ ai trên khắp thế giới!"
Có thể bạn cần!