Lễ Phục sinh là dịp trọng đại trong năm của các tín đồ Thiên chúa. Dịp lễ này lớn đến mức ngay cả những người không theo đạo cũng từng nghe qua. Tuy vậy, những người ngoại đạo lại ít khi biết đến một dịp rất đặc biệt, diễn ra đúng một tuần trước lễ Phục sinh, đó là ngày Chúa nhật Lễ Lá. Dù không thực sự được nhắc đến nhiều, đây vẫn là một nét văn hóa đặc sắc rất đáng để tìm hiểu, nhất là khi đặt chân tới một đất nước Công giáo như Ba Lan.
Nguồn ảnh: Blogspot
Lễ Lá là gì?
Chúa nhật Lễ Lá còn được gọi bằng nhiều tên khác như: Chúa nhật Thương khó, Chúa nhật Đũa phép, Chúa nhật cây liễu hay Chúa nhật hoa. Giống như một số ngày lễ khác của đạo Cơ đốc, nó thực chất có nguồn gốc ngoại giáo. Lễ Lá rơi vào ngày Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Chay, là khởi đầu của Tuần Thánh - thời kỳ quan trọng và trang trọng nhất trong năm phụng vụ.
Điển tích và nguồn gốc
Chúa nhật Lễ Lá tôn vinh sự kiện Đấng Jesus Christ tiến vào thành Jerusalem. Tương truyền rằng Ngài đã xuất hiện vô cùng khiêm tốn, chỉ cưỡi trên lưng lừa thay vì một cỗ xe uy nghi. Ngài làm vậy để cho mọi người thấy rằng Ngài không hạ thế để làm bề trên hay để cảm thấy mình quan trọng hơn người khác, mà chỉ đến để làm những việc mà đức Cha Thiên Thượng sai bảo. Giản dị đi vào thành, Ngài vẫn được dân chúng hoan nghênh như một vị vua. Theo Kinh thánh, đoàn người đến nghênh đón Chúa đều cầm trên tay những cành cọ và cành ô-liu. Họ hô vang "Hosanna!" (thán từ ca tụng, thể hiện niềm vui mừng và cầu xin sự giúp đỡ) khi thấy Chúa.
Nguồn ảnh: Tygodnik Ostrołęcki
Ở Ba Lan, Chúa nhật Lễ Lá là một dịp lễ chính thức của Nhà thờ kể từ thời Trung cổ. Theo nhiều nguồn tài liệu, Lễ Lá được cử hành lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 4 tại đất thánh Jerusalem. Dần dần, phong tục này lan sang các nước Công giáo khác ở châu Âu. Như đã nói ở trên, Lễ Lá và một số dịp lễ khác của Công giáo vốn có nguồn gốc ngoại đạo. Truyền thống cử hành Lễ Lá được cho là một sự thay thế cho tập tục nguyên thủy ca ngợi mùa xuân. Trong nhiều thế kỷ, có những hoạt động tín ngưỡng sơ khai liên quan đến việc sùng bái "cây sự sống" - một cành non xanh tốt biểu tượng cho sự hồi sinh thiên nhiên, sự thay da đổi thịt của đất trời sau mùa đông.
Tại sao lại là cành cọ?
Đối với những tín đồ Công giáo, cây cọ mang rất nhiều ý nghĩa cao đẹp, nhiệm màu. Nhiều người quan niệm cây cọ là biểu tượng cho sự hồi sinh, bảo vệ gia đình khỏi bệnh tật và tai ương. Người ta còn đánh nhẹ những cành cọ vào bàn tay hoặc xông khói đốt cành cọ với niềm tin rằng sức sống từ cành cọ sẽ truyền sang cơ thể, mang lại sức khỏe và hạnh phúc.
Nguồn ảnh: RTA24
Đặc biệt, nhiều người có niềm tin rằng nuốt một nhánh liễu trên cây cọ được trang trí và ban phước sẽ giúp tránh được các bệnh về cổ họng. Nếu đặt cành cọ ở cửa sổ, chủ nhà sẽ yên tâm rằng ngôi nhà không bị giông bão tàn phá. Việc đặt một cây cọ trên mái nhà cũng được cho là có tác dụng bảo vệ động vật trong trang trại khỏi bệnh tật. Vẽ một cây thánh giá bằng cây cọ Phục sinh trên cánh đồng được coi như biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở.
Lễ Lá ở Ba Lan
Theo truyền thống dân gian ở Ba Lan, Lễ Lá từng được gọi là Kwietna hoặc Wierzbna. Ban đầu, các linh mục tham gia dịp trọng đại này mặc lễ phục tím, nhưng ngày nay lễ phục mang màu đỏ. Các tín hữu sẽ tập trung trước nhà thờ, nơi có những cây cọ được ban phước và cùng xướng Tin Mừng việc Chúa Jesus Christ vào thành Jerusalem. Đoàn rước đến nhà thờ cũng là một nghi thức long trọng của dịp Chúa nhật Lễ Lá.
Nguồn ảnh: JAW
Trên thực tế, những 'cây cọ' ở Ba Lan có hình dạng rất khác so với nhiều người mường tượng. Chúng không hẳn là cọ đơn thuần (dù những cành cọ thật vẫn được sử dụng tương đối phổ biến) mà là những cây phước lành được dựng lên và trang trí hết sức cầu kỳ và bắt mắt. Tùy theo từng vùng mà cây cọ có sự khác biệt về hình dáng cũng như kỹ thuật trang trí.
Nguồn ảnh: Mazury PTTK
Nhìn chung, cây cọ Phục sinh truyền thống được bện từ những cành liễu, mà theo quan niệm của Nhà thờ là biểu tượng cho sự phục sinh và bất diệt của linh hồn. Ngoài cây liễu, các nhánh cây mâm xôi, cây lý chua, hoàng dương, việt quất, thủy tùng, hoa giấy và ruy băng nhiều màu cũng được sử dụng. Ở hai vùng Kurpie và Podkarpacie trên đất nước Ba Lan, truyền thống dựng cọ Phục sinh được bảo tồn đặc biệt và phát huy. Hàng năm, người dân ở những vùng này còn tổ chức các cuộc thi nhằm chọn ra cây cọ dài nhất, đẹp nhất. Một điều lưu ý là các cây cọ Phục sinh được ban phước không được phép đem vứt bỏ mà phải được đốt cháy.
Nguồn ảnh: Onet
Đối với mỗi người tham gia đoàn rước Lễ Lá, việc mang theo cả một cây cọ lớn là điều khó khăn. Vì vậy, người ta có những phiên bản cành cọ nhỏ cầm tay, không hề kém cạnh về mặt thẩm mỹ nhưng tương đối khác về kỹ thuật trang trí. Nguyên liệu chính làm nên những cành cọ cầm tay là các loại hoa và cỏ khô được nhuộm màu sắc rực rỡ. Kích cỡ và màu sắc của những cành cọ này ngoài phục vụ cho dịp Chúa nhật Lễ Lá thì còn là món quà lưu niệm không nên bỏ qua khi ghé thăm Ba Lan. Ở một số nơi, những cành cọ thật trông khá đơn giản được sử dụng cho dịp lễ. Tuy nhiên, việc sử dụng 'cành cọ' được trang trí bắt mắt khiến ngày Chúa nhật Lễ Lá ở Ba Lan trở thành một nét văn vô cùng hóa đặc sắc, rực rỡ muôn màu.
Có thể bạn cần!