Trưa ngày 10.04.2022, lễ giỗ tổ Hùng Vương do Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan cùng Hội người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức đã diễn ra long trọng và đầy ý nghĩa. Tiếp nối truyền thống đoàn kết dân tộc, uống nước nhớ nguồn, đông đảo bà con người Việt đã đến dự lễ tại chùa Nhân Hòa (số 21A phố Przyszłości, Lesznowola, ngoại ô Warszawa). Ngoài cộng đồng Việt, một số bạn bè quốc tế cũng đã có mặt để trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Đây là một dịp đáng quý để các thế hệ con lạc cháu hồng cùng gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc.
Cộng đồng người Việt tại Ba Lan dự giỗ tổ Hùng Vương tại chùa Nhân Hòa. (Ảnh: Tác giả)
Yếu tố sùng bái con người và sùng bái thiên nhiên
Một khía cạnh không thể tách rời trong văn hóa Việt Nam cũng như văn hóa bản địa nhiều quốc gia trên thế giới là tục thờ cúng những yếu tố siêu nhiên. Các yếu tố này có thể xuất phát từ quan niệm về tự nhiên hoặc sự thần thánh hóa con người. Người Việt Nam không còn xa lạ với tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên, thành hoàng, đức thánh, quan hoàng, thánh mẫu,… Nhiều sử gia cho rằng các vua Hùng và cả Thái Tổ Lạc Long Quân thực chất là những vị tù trưởng có thật trong lịch sử, có công thống nhất các bộ lạc người Việt. Qua thời gian, các bậc quốc Tổ được tôn lên thành bậc thánh nhân, gắn liền với nhiều truyền thuyết, huyền sử dân tộc Việt. Quốc Tổ Hùng Vương được thờ cúng rộng rãi trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc dù đất nước đã kinh qua nhiều biến cố thể chế. Từ 2001, ngày giỗ tổ Hùng Vương trở thành sự kiện quốc giỗ, ngày lễ chính thức của quốc gia. Kiều bào ở nước ngoài, trong đó có Ba Lan, cũng nô nức hướng về nguồn cội mỗi dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch.
Biểu diễn văn hóa, nghệ thuật trong ngày giỗ tổ (Ảnh: Võ Văn Long)
Về tục sùng bái thiên nhiên, người Việt từ ngàn đời vẫn mang danh xưng con Rồng cháu Tiên. Rồng và Tiên trong khuôn khổ sử Việt thời kỳ Văn Lang và tiền Văn Lang không liên quan đến bát bộ chúng (8 loài hữu linh) trong Phật giáo. Trước khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, do trình độ hiểu biết sơ khai, không giải thích được các hiện tượng tự nhiên, người Việt cổ đã sùng bái các vị nhiên thần trong đó Rồng và Tiên, gắn hình ảnh của hai thế lực này với truyền thuyết Lạc Long Quân (Rồng) và Âu Cơ (Tiên) thân sinh ra Quốc Tổ Hùng Vương thứ I.
Tín ngưỡng phồn thực
Trong dịp giỗ tổ Hùng Vương tại chùa Nhân Hòa, khách ghé thăm ai nấy đều vô cùng hào hứng với màn giã bánh giầy độc đáo. Từng nhịp chày lên xuống nhịp nhàng cùng bàn tay người gom bột thoắn thoắt đã chiếm chọn sự chú ý của những người đến dự. Nhiều người sẽ hiểu ngay rằng đây là một hoạt động mang tính gợi nhớ sự tích bánh chưng bánh giầy lấy bối cảnh thời Hùng Vương. Cách hiểu này không hề sai nhưng đã bỏ sót một khía cạnh là tín ngưỡng phồn thực.
Màn giã bánh giầy thu hút sự chú ý của các quan khách. (Ảnh: Võ Văn Long)
Tín ngưỡng phồn thực (thờ sinh thực khí hay cơ quan sinh sản và hoạt động giao hợp) là một yếu tố rất quan trọng trong văn hóa và tín ngưỡng bản địa Việt Nam nhưng ít khi được ý thức rõ bởi chính người Việt. Những hoạt động truyền thống như giã bánh, giã gạo, giã cối đón dâu, hội đánh đu, hội linh tinh tình phộc, thờ tượng linga,…đều thuộc tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa Việt Nam bản địa.
Tính tổng hợp và linh hoạt trong văn hóa
Không ít người thắc mắc tại sao có khái niệm "mười tám đời vua Hùng" nhưng mỗi dịp quốc giỗ ở trong hay ngoài nước, trên ban thờ thường chỉ có một vị vua. Điều này có liên quan đến yếu tố tổng hợp trong văn hóa Việt Nam. Trong số "mười tám đời vua Hùng", phần lớn các vị không được sử sách ghi chép rõ ràng về sự nghiệp mà chỉ có tên hiệu. Ngoài ra, còn có nghi vấn về sự hiện diện của các vị vua Hùng vì nếu chiếu theo dòng thời gian từ thời Thượng Tổ Kinh Dương Vương trị vì (2879 TCN) cho đến lúc kết thúc nước Văn Lang (258 TCN) thì tính bình quân mỗi vị vua thọ đến trên trăm tuổi. Giải đáp điều này, nhiều sử gia cho rằng mỗi tên hiệu vua Hùng không hẳn là đại diện cho một vị vua, mà cho một chi, mỗi chi lại có nhiều vị vua nối tiếp nhau trị vì. Tính tổng hợp trong văn hóa Việt đã tựu chung rất nhiều (có thể lên đến hàng trăm) vị vua Hùng thành một hình tượng đại diện tiêu biểu.
Ban thờ vua Hùng tại chùa Nhân Hòa, Ba Lan (Ảnh: Võ Văn Long)
Một quan điểm gây nhiều tranh cãi của học giả Liam C. Kelley cho rằng "vua Hùng không có thật mà là do người Việt dựa trên những tư liệu cổ xưa của Trung Hoa" để lấy làm khởi nguồn cho dân tộc. Qua nhiều thời kỳ, cùng sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc, dần dần hình tượng Hùng Vương trở thành một trong những yếu tố cấu thành của riêng lịch sử Việt Nam. Quan điểm của Kelley chưa rõ hoàn toàn đúng sai nhưng cũng không hẳn là trái với thuộc tính linh hoạt của văn hóa Việt. Người Việt Nam rất linh hoạt trong việc du nhập các giá trị từ bên ngoài nhưng không bị thay đổi bản chất dân tộc, mà ngược lại, người Việt biến đổi các giá trị đó để sao cho phù hợp với mình. Điều này có thể thấy rất rõ trong việc du nhập các tôn giáo vào Việt Nam. Người Việt biến đổi rất hài hòa, tránh cho dân tộc khỏi tình trạng xung đột tôn giáo hay tín ngưỡng như nhiều quốc gia khác.
Triết lí âm dương, ngũ hành
Khác với tín ngưỡng phồn thực kể trên, triết lí âm dương là điều mà hầu hết người Việt Nam đều hiểu khá rõ. Những khái niệm âm dương ngũ hành, âm dương hòa hợp, trong âm có dương – trong dương có âm, cái gì cũng phải có đôi có cặp hẳn không còn xa lạ gì với người Việt. Yếu tố âm dương ngũ hành cũng không hề bị thiếu sót trong dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương tại Ba Lan.
Bàn sản vật dâng lên các vua Hùng (Ảnh: Tác giả)
Trên ban thờ vua Hùng, bánh chưng tượng trưng cho đất và mang hình vuông có tính tĩnh (âm), bánh giầy tượng trưng cho trời và mang hình tròn có tính động (dương). Bản thân mỗi chiếc bánh chưng dù là âm nhưng cũng mang yếu tố dương khi có dùng thịt động vật và hạt tiêu là gia vị nóng. Xôi ngũ sắc trên ban thờ Hùng Vương dù không tuân chính xác theo màu biểu nhưng cũng gợi đến yếu tố ngũ hành trong triết học phương Đông.
Văn hóa làng xã, cộng đồng
Phần dâng lễ là điểm nhấn lớn nhất trong dịp giỗ Tổ tại chùa Nhân Hòa. Những hội đồng hương tại Ba Lan tề tựu trong dịp lễ trọng đại, cùng dâng sản vật tưởng nhớ công ơn lập nước và giữ nước của các vua Hùng. Đặc biệt, sự kiện còn có sự góp mặt của cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine. Tạm lánh xa bom đạn, quây quần cùng bà con ở Ba Lan, hội người Việt tại Ukraine đã đến dâng hương tỏ lòng thành kính, hướng về nguồn cội, về cộng đồng, về một dòng máu lạc hồng chảy chung trong huyết quản. Đã có cả những giọt nước mắt đong đầy cảm xúc khi được quây quần cùng đồng bào trên đất Ba Lan và có lẽ cũng xót thương cho quê hương thứ hai Ukraine đang chịu cảnh đạn bom tang tóc.
Hội người Việt Nam tại Ukraine đến dâng hương tại chùa Nhân Hòa, Ba Lan. (Ảnh: Tác giả)
Người Việt Nam, có thể không là ruột thịt, nhưng cứ đến từ cùng một miền đất quê cha, thậm chí chỉ cần cùng là người Việt là đã thấy ấm lòng. Người Việt Nam là vậy, dù đi đâu về đâu vẫn gọi nhau hai tiếng "đồng hương" vừa thân thuộc, khăng khít vừa thiêng liêng biết nhường nào!
Có thể bạn cần!