Đảng Pháp luật & Công lý (PiS) với đại diện là đương kim Tổng thống Andrzej Duda vốn 'khét tiếng' với những động thái chính trị bị cho là đi ngược lại tinh thần dân chủ tự do. Chính vì lẽ đó, người dân Ba Lan từ nhiều tháng nay như 'ngồi trên đống lửa' vì đoán chắc PiS sẽ làm mọi cách để thông qua dự luật truyền thông hà khắc nhắm thẳng đến đài truyền hình tư nhân lớn nhất cả nước là TVN, đe dọa trực tiếp đến quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận của nước này. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Duda đã bất ngờ tuyên bố phủ quyết dự luật lex-TVN. Rõ ràng, những cuộc biểu tình rầm rộ của người Ba Lan suốt từ tháng 8/2021 đã bắt đầu mang lại kết quả khả quan.
Động thái mới nhất của ông Andrzej Duda nhận được sự ủng hộ lớn. (Ảnh: Gala)
Vào ngày 27/12/2021, đương kim Tổng thống Andrzej Duda ra thông cáo phủ quyết cái gọi là "lex-TVN". Quyết định này nhanh chóng nhận được nhiều bình luận, đa phần là tích cực, từ người dân cũng như các chính trị gia đối lập. Nhiều ý kiến cho rằng các áp lực xã hội đã có tác động nhất định đến ông Duda. Trong số đó phải kể đến những cuộc biểu tình liên tiếp thể hiện rõ thái độ bất bình của người dân và hơn 2.5 triệu chữ ký ủng hộ tự do truyền thông do chính đài TVN thu thập được. Mặt khác, lại có người tỏ ra nghi ngại động thái bỗng-dưng-tử-tế của Tổng thống, vì phủ quyết lex-TVN không khác nào hất cho Jarosław Kaczyński – chủ tịch đảng PiS – một gáo nước lạnh.
Trên thực tế, việc Tổng thống Duda từ chối thông qua lex-TVN không phải là không có lý do. Dù bị nhiều nguồn tin đồn thổi rằng không có thực quyền mà chỉ biết răm rắp ký theo những 'sắc lệnh' của chủ tịch đảng là Jarosław Kaczyński, ông Andrzej Duda vẫn được biết tới với tư tưởng thân Mỹ-chống Nga công khai. Nếu lex-TVN được thông qua, các thực thể nằm ngoài Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) chỉ có thể kiểm soát tối đa 49% cổ phần của một đơn vị truyền thông tiếng Ba Lan, tức là, công ty Discovery của Mỹ sẽ phải bán ít nhất 51% cổ phần của họ trong TVN.
Tự do truyền thông ở Ba Lan bước đầu được bảo vệ trước nguy cơ bị những tư tưởng độc tài kìm kẹp, công lớn nhất thuộc về những người dân đứng lên đấu tranh. (Ảnh: Wiadomosci)
Về mặt đối ngoại, Tổng thống Andrzej Duda có thể ngó lơ nhiều khía cạnh dân chủ khi đưa ra các quyết sách, nhưng ông chắc chắc không dễ dàng tháo bỏ những cái bắt tay từ phía Hoa Kỳ. Chưa kể, nếu thông qua lex-TVN, Ba Lan sẽ càng khiến cho các đồng minh của Hoa Kỳ trong khối EU quan ngại và làm lung lay thêm tư cách thành viên của quốc gia Trung Âu. Nằm ngay cạnh 'gã khổng lồ nguy hiểm' là Nga, cùng với một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào Liên minh, Ba Lan thừa hiểu rằng quay lưng với EU lẫn Hoa Kỳ không phải việc làm sáng suốt. Ngay khi lex-TVN được đề cập, giới quan sát cho rằng dự luật này nếu không làm sứt mẻ mối giao hảo của Warszawa và Washington D.C thì cũng truyền tải thông điệp gây hiểu lầm giữa hai chính quyền, đe dọa tự do truyền thông ở Ba Lan.
Lex-TVN có thể gây ra những hiểu lầm không đáng có giữa Ba Lan với Hoa Kỳ và EU. (Ảnh: Emerging Europe)
Về đối nội, các cuộc biểu tình liên tiếp cùng thái độ gay gắt từ phía người dân đã khiến giới chức Ba Lan phải dè chừng. Ông Donald Tusk, cựu Thủ tướng Ba Lan kiêm chủ tịch Đảng Cương lĩnh Công dân (PO) nhận định rằng những áp lực xã hội đã có hiệu quả. Ngoài ra, việc thông qua lex-TVN còn có nguy cơ đào sâu thêm mâu thuẫn nội bộ của Ba Lan. Đây là điều chính Tổng thống Duda đã phải thẳng thắn thừa nhận. Giải thích cho việc phủ quyết lex-TVN, ông phát biểu: "Những người yêu nước, những người dân của chúng ta không muốn có thêm bất kỳ tranh chấp nào nữa!"
Chủ tịch Đảng PiS Jarosław Kaczyński chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về hành động của Tổng thống. Mặc dù vậy, không có gì ngạc nhiên khi phe cực hữu đã lên tiếng đả kích. Phát ngôn viên của PiS, bà Anita Czerwińska, nói rằng đảng cầm quyền "rất thất vọng" trước quyết định của ông Duda. Phó Chủ tịch Hạ viện Sejm, ông Janusz Kowalski thuộc Đảng Ba Lan Thống nhất phát biểu: "Tổng thống đã thực hiện đặc quyền hiến pháp của mình nhưng ông ấy sẽ phải thanh minh trước Chúa, lịch sử và đất nước Ba Lan".
Việc phủ quyết lex-TVN là một trong những điểm sáng trong sự nghiệp chính trị gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Andrzej Duda. (Ảnh: Onet)
Trong khi đó, đa số người dân và các chính trị gia đối lập dành lời tán thưởng cho Tổng thống Duda vì quyết định sáng suốt lần này. Cựu Thủ tướng Donald Tusk, chủ tịch Đảng Cương lĩnh Công dân nhận định rằng các luồng áp lực từ xã hội Ba Lan đã mang lại hiệu quả. Nghị sĩ Robert Biedroń gọi động thái của ông Duda là "điều bất ngờ đáng mừng" và là một dấu hiệu cho thấy "phía Tổng thống đã có biến chuyển". Thành viên Nghị viện Châu Âu, cựu Nghị sĩ Elżbieta Łukacijewska không loại trừ khả năng "chính Tổng thống Duda cuối cùng cũng nhận ra những tội lỗi lớn gây ra bởi giới cầm quyền Ba Lan hiện nay". Các tờ báo quốc tế cũng đã đưa tin về sự kiện này. Trang The Wall Street Journal gọi đây là một "tin vui từ Ba Lan". Trong khi đó, Discovery - chủ sở hữu TVN gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Duda vì đã có hành động đúng đắn và gọi đây là một thắng lợi của toàn người dân Ba Lan.
Có thể bạn cần!
- Liên minh EU và người dân Ba Lan quan ngại trước dự luật hạn chế truyền thông tự do (lex-TVN)
- Những viễn cảnh 'lâm ly bi đát' nào chực chờ Ba Lan nếu rời EU?
- Rafał Trzaskowski: chân dung chính trị, tinh thần EU và quan điểm Ba Lan cởi mở
- Một số lưu ý khi làm thẻ cư trú (karta pobytu) cho du học sinh (phần 1)
- Một số lưu ý khi làm thẻ cư trú (karta pobytu) cho du học sinh (phần 2)