Kỳ 1: TRÂM ANH THẾ PHIỆT NGOẠI BANG
Ở bất kỳ triều đại phong kiến nào, khi nói đến các bậc đế vương, người ta thường nghĩ đến uy quyền, đến biểu tượng quốc gia. Có một điều lệ thường thấy nhất là vị 'thiên tử' đó phải có xuất thân cao quý và mang thuần dòng máu cuả dân tộc mà ngài trị vì. Tuy vậy, trong lịch sử phong kiến của Ba Lan, đã có những người mang xuất thân cực kỳ…không liên quan, nhưng chỉ cách ngai vàng trị vì xứ sở Đông Âu trong gang tấc.
Nhà thơ Philip Sidney
Philip Sidney là một nhà thơ, học giả và chính khách nổi tiếng của Anh dưới thời Nữ vương Elizabeth I. Nhân vật quan trọng này rất quan tâm các vấn đề về Đông Âu, và được cho là đã nhận được sự ủng hộ lớn, chạm một tay vào chiếc vương miện cao quý vào khoảng thế kỷ 16 trong bối cảnh tranh giành quyền lực tại Liên bang Ba Lan-Litva lúc bây giờ.
Nhà thơ, học giả, chính khách Philip Sidney (1554-1586). (Nguồn: Art UK)
Tuy hội tụ những yếu tố cần thiết để lên ngôi, Sidney vẫn gặp phải một số cản trở khiến ông lỡ mất cơ hội trở thành người cầm quyền của Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva. Một trong số những trở ngại đó đến từ chính Nữ vương Elizabeth I của Anh khi đó đang tại vị. Sinh thời, Philip Sidney vốn là một cận thần thân tín của Elizabeth I. Ông cũng là một nhà thơ, một học giả lỗi lạc thời bấy giờ, và Nữ vương Anh được cho là không muốn mất đi một cánh tay đắc lực của mình. Những tưởng người trị vì Anh quốc sẽ là thế lực hậu thuẫn vững chắc cho con đường đến ngôi vua Ba Lan của Philip Sidney, thì chính vị nữ quân chủ này lại góp phần khiến Ngài Sydney chỉ mãi là một chính khách dưới quyền bà.
Hoàng tử George – Công tước xứ Kent
Vị hoàng tử nổi tiếng này không chỉ tốn bao giấy mực báo chí về đời tư mà còn có tầm ảnh hưởng chính trị lớn. Hoàng tử George là anh em với Edward VIII và George VI, hai vị vua Anh trong thời kỳ hiện đại. Ông là một trường hợp vô cùng 'táo bạo' khi người ta đã có những động thái nhằm...hồi sinh chế độ quân chủ của Ba Lan trong thế kỷ 20 sau hai thế kỷ lụi tàn.
Nếu không qua đời quá sớm và thực sự lên ngôi quốc vương Liên bang Ba Lan-Tiệp Khắc, hoàng tử George hẳn sẽ khiến hậu thế phải nhắc đến mình nhiều hơn nữa. (Nguồn: National Portrait Gallery)
Mối giao hảo của George với người Ba Lan được cho là lý do khiến những người ửng hộ chế độ quân chủ tại Ba Lan nhắm ông cho ngôi vua để khôi phục chế độ quân chủ của Ba Lan. Vào những năm 1930s, Hoàng tử George cùng với một Hoàng tử khác của Bỉ được coi là ứng cử viên lý tưởng cho ngai vàng bởi những người theo chủ nghĩa quân chủ Ba Lan. Một số nguồn tin khác cũng cho rằng trong Thế chiến thứ II, Thủ tướng Chính phủ Ba Lan lưu vong tại London, Tướng Władysław Sikorski, được cho là đã đề xuất ý tưởng thành lập nhà nước Liên bang Ba Lan-Tiệp Khắc với Quốc vương chính là Hoàng tử George. Thực hư câu chuyện này chưa rõ ra sao và việc George qua đời khá sớm khiến mọi chuyện dần chìm vào quên lãng. Tuy vậy, nhiều người vẫn không khỏi thắc mắc về mối quan hệ trên mức hữu nghị giữa ông và chính phủ Ba Lan lúc bấy giờ cũng các lực lượng vũ trang nước này.
Công tước Livio Odescalchi
Livio Odescalchi là một nhà quý tộc Ý, Công tước của Bracciano, Ceri và Sirmium. Xuất thân trâm anh thế phiệt của ông là điều không phải bàn cãi khi là cháu của Giáo hoàng Innocent XI. Livio Odescalni đã từng tham gia tranh ngai vàng của Ba Lan-Litva cuối thế kỷ 17, cùng thời điểm Vua James II của Anh được giao vai trò này. Trên thực tế, Livion Odescalchi là một trong số những người nổi tiếng từng tham gia tranh ngai vàng của Ba Lan, nhưng lịch sử cũng chứng kiến sự chia rẽ khá gay gắt giữa phe ủng hộ và phản đối ông.
Nhà quý tộc Ý từng khiến chính trường 'dậy sóng' khi tham gia tranh ngôi vua Liên bang Ba Lan-Litva. (Nguồn: Pinterest)
Trong một ấn phẩm phát hành tại Luân Đôn năm 1697, những người ủng hộ Odescalchi ở Ba Lan đã lập luận về các đề xuất của ông nếu giành được ngai vàng. Theo đó, nếu Odescalchi thành công "ông sẽ sẵn sàng phục sự người dân và tất cả những gì mà ông có vì lợi ích của một nền cộng hòa thanh bình nhất." Tuy cuối cùng vẫn bỏ lỡ cơ duyên, nhờ xuất thân danh giá, quyền lực và sức ảnh hưởng lớn, cùng với tâm thế của một người tranh ngôi thực sự thay vì được trải thảm đỏ, Công tước xứ Odescalchi được cho là đã bước rất gần đến ngai vàng của Ba Lan dẫu cho không nhận được sự hậu thuẫn từ Vua Pháp Louis XIV như đối thủ James II của Anh.
(còn tiếp)
Có thể bạn cần!