Kỳ 2: LOUIS ĐẠI ĐẾ - MỘT TAY KHÔNG CHE NỔI TRỜI
Lịch sử nhà nước phong kiến Ba Lan khá thú vị khi thời sơ kỳ Vương quốc (triều đại Piast) chỉ được cai trị bởi những Hoàng tử hoặc Công tước. Ngay cả trong thời kỳ Liên bang Ba Lan-Litva hùng mạnh, quốc gia này cũng là nơi diễn ra những trò chơi vương quyền rối rắm mà nhiều người tranh cử ngôi báu lại hoàn toàn không mang trong mình dòng máu Slavic do sự chi phối từ những cường quốc khác lúc bấy giờ. Trong đó, phải kể tới Louis XIV (Louis Đại đế) của Pháp. Trong 72 năm cầm quyền, ông vua nổi tiếng thế giới này đã không chỉ một lần cố gắng 'cài người' vào vương thất Ba Lan ngay trên ngai vị!
4. James II của Anh (James VII của Scotland)
Lịch sử đã tạo nên một mối liên hệ rất đặc biệt giữa Ba Lan và Scotland. Lằn ranh của 2 nền văn hóa này đã từng rất mờ nhạt, và Ba Lan có lẽ đã bị 'đồng hóa' hoàn toàn nếu như Vua James II và VII của Anh, Ireland và Scotland không từ chối khi được đề nghị bước lên ngai vàng của Liên bang Ba Lan-Litva năm 1696.
Vua James II của Anh phải bỏ ngôi trong cuộc Cách mạng Vinh quang. (Nguồn: Famous People)
Năm 1688 là cột mốc đánh dấu cuộc Cách mạng Vinh quang ở Anh với sự trỗi dậy của phong trào Kháng Cách tôn giáo. James II vì là một vị Vua Công giáo và chủ trương thân Pháp đã bị phế truất khỏi vương vị. Khi sống lưu vong tại Pháp, do mối giao hảo trước đó, ông được chào đón bởi Vua Louis XIV.
Cũng chính Louis Đại đế vào năm 1696 đã đề nghị James lên ngôi vua khi đó đang bỏ trống của Ba Lan. Khi đó, Vua Jan III Sobieski của Ba Lan mới băng hà, dẫn đến tình thế cấp bách phải tìm ra một người kế vị.
Louis XIV muốn 'đền bù' cho James II bằng ngôi vua Ba Lan, nhưng James II một mực chỉ muốn giành lại ngai vàng Anh quốc. (Nguồn: Pinterest)
Hẳn nhiều người sẽ thắc mắc, một ông vua Pháp làm sao có thể can thiệp được vào 'trò chơi vương quyền' của Ba Lan. Thực ra, từ thế kỷ 16, Pháp và Ba Lan đã hình thành một mối quan hệ cực kỳ khăng khít, đặc biệt là giữa triều đình phong kiến của 2 nước này. Ngoài ra, Pháp cũng rất quan ngại sức ảnh hưởng của Nga, nên việc người Pháp tranh cử đến ngai vàng của Ba Lan cũng rất được ủng hộ.
Dù được Louis XIV hứa hẹn rất nhiều lợi ích chính trị nếu đồng ý bước lên ngôi báu, James vẫn khước từ do những lo ngại nhất định. Lý do chính vẫn là James cho rằng trở thành Vua Ba Lan-Litva đồng nghĩa với việc từ bỏ hoàn toàn vương vị trị vì 3 vương quốc Anh-Ireland-Scotland, điều mà ông luôn khao khát giành lại.
5. Hoàng tử George của Đan Mạch, Vương tế Liên hiệp Anh
Trước khi đề cử James II của Anh, Louis XIV của Pháp cũng từng có ý định can thiệp vào vương vị của Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva nhưng không thành công. Ứng cử viên khi đó mà Louis Đại đế chọn cũng 'dây mơ rễ má' với James II, đó là Hoàng tử George của Đan Mạch, đồng thời là phu quân Anne (sau này là Nữ vương Liên hiệp Anh), con gái của James II.
Không chịu cải đạo là lý do lớn khiến hoàng tử George của Đan Mạch bỏ lỡ ngôi vua Ba Lan. (Nguồn: Magnolia Box)
Trong cuộc tuyển chọn cho vương vị Liên bang Ba Lan-Litva năm 1674 sau khi Vua Michał Korybut Wiśniowiecki băng hà năm 1673, Hoàng tử George của Đan Mạch là một ứng cử viên sáng giá và toàn diện khi ông có hiểu biết chính trị sâu sắc trong các vấn đề về châu Âu, chưa kể sự hậu thuẫn rất lớn từ Louis XIV của Pháp.
Tuy vậy, tôn giáo chính là rào cản lớn khiến George không thể trở thành vua của Ba Lan. Ông đã từ chối chuyển từ đạo Tin lành sang Công giáo, đây là điều mà Giáo hội ở Ba Lan khi đó không thể chấp nhận. Cuối cùng ngai vàng đã thuộc về Jan III Sobieski.
Tuyển Hầu tước Philip William
Năm 1668, Vua Ba Lan Jan II Kazimierz Waza thoái vị, để lại ngai vàng giữa cuộc tranh giành quyền lực giữa 3 đế chế Pháp, Áo và Nga. Trong tình thế không bên nào chịu lùi bước, một quyết định thỏa hiệp tạm thời đã được đưa ra với sự ứng cử của Tuyển Hầu tước Philip William.
Nhân vật 'sừng sỏ' này sở hữu đủ mối quan hệ (trong đó phải kể tới sự ủng hộ của Vua Louis XIV), đủ danh tiếng, đủ quyền lực, xuất thân cao quý và theo Công giáo. Do vậy, ông được coi là một sự lựa chọn an toàn vừa giúp đảm bảo sự phát triển thịnh vượng của Ba Lan-Litva, vừa tránh được tối đa những xung đột đáng tiếc giữa Pháp, Áo và Nga.
Tuy thất cử, Tuyển Hầu tước Philip William cũng để lại cho vua Michał Korybut Wiśniowiecki một triều đại đầy sóng gió. (Nguồn: Museum Boijmans)
Sự ủng hộ dành cho Philip William lớn đến mức người ta đã xuất bản một cuốn sách dày khoảng 360 trang phân tích cặn kẽ tình hình kinh tế-xã hội Ba Lan thời bấy giờ và chứng minh rằng chỉ có vị Tuyển Hầu tước này là sự lựa chọn hoàn hảo nhất cho ngôi vua Ba Lan. Trong khi đó, dòng dõi triều đại Piast bị cho là hoàn toàn không phù hợp cho ngôi báu. Nhưng người tính không bằng trời tính! Mặc cho những nỗ lực của những quý tộc, bác học và thương nhân ủng hộ, Philip William vẫn để lọt vương miện trị vì Liên bang Ba Lan-Litva vào tay Michał Korybut Wiśniowiecki.
Có thể bạn cần!