Stanislaw Ignacy Witkiewicz (nghệ danh Witkacy) là một tên tuổi rất lớn của hội họa Ba Lan. Tài năng, hóm hỉnh, đàng điếm, nghiện ngập là cách mà người ta mô tả về nghệ sĩ này. Tin đồn Witkacy tự sát khi Liên Xô xâm lược Ba Lan trong Thế chiến II vẫn là một bí ẩn. Cho đến nay, ông vẫn là người tiên phong, là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ. Các tác phẩm sáng tác cả trăm năm trước của Witkacy vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn. Tranh Witkacy trưng bày tại những bảo tàng uy tín nhất Ba Lan, thu hút đông đảo công chúng.
Có thể bạn cần: Học tiếng Ba Lan giao tiếp - chứng chỉ B1 cùng giáo viên bản ngữ
Kompozycja fantastyczna, 1920 (Ảnh: Ownetic)
Thời niên thiếu của Witkacy
Stanislaw Ignacy Witkiewicz sinh ngày 24 tháng 2 năm 1885 tại Warszawa, Ba Lan. Ông lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Cha của ông, Stanislaw Witkiewicz, là một họa sĩ, nhà phê bình nghệ thuật. Ông cũng là người sáng tạo ra phong cách kiến trúc Zakopane. Thấy con trai thông minh khác thường, ông hướng cậu theo học khoa học xã hội nhân văn. Ngay ở độ tuổi thiếu niên, Witkacy đã viết kịch cùng các luận thuyết triết học sâu sắc.
Fantazja – Bajka, 1922 (Ảnh: Muzeum Narodowe w Warszawie)
Có thể bạn cần: Dịch vụ giấy tờ cư trú Ba Lan rẻ nhất - nhanh chóng - hiệu quả
Tuy vậy, với chất nghệ sĩ chảy sẵn trong máu, Witkacy cuối cùng đã làm ngược lại mong muốn của cha. Năm 1905, chàng trai trẻ theo học ngành hội họa Học viện Mỹ thuật Kraków. Witkacy được cho là chưa bao giờ tốt nghiệp. Thời sinh viên của ông tràn ngập những chuyến du lịch nước ngoài và những cuộc triển lãm. Thời gian này, ông còn sáng tác tiểu thuyết và kịch.
Tworzenie świata, 1921-1922 (Ảnh: Muzeum Sztuki w Łodzi)
Biến cố cuộc đời
Sau những ngày tháng yên bình, năm 1914, bi kịch ập đến với Witkacy. Đầu năm đó, hôn thê của ông, Jadwiga Janczewska tự sát. Witkacy rơi vào trầm cảm và đã chuyển đến Úc theo lời khuyên của cha và bạn bè.
Cùng năm đó, Chiến tranh Thế giới I nổ ra, ông đến St.Petersburg để gia nhập quân đội. Từ đầu cuộc chiến cho đến khi kết thúc, Witkacy ở lại Nga, nơi ông đã sáng tác rất nhiều tranh. Nhưng cũng chính tại đây, ông bắt đầu sa vào nghiện rượu và ma túy.
Miền đất lành Zakopane
Autoportret, 1922–1924 (Ảnh: Muzeum Regionalne w Stalowej Woli)
Sau khi quay trở lại Ba Lan vào năm 1918, Witkacy tiếp tục tập trung vào hội họa và viết lách. Ông chuyển đến Zakopane và gia nhập cùng những người theo chủ nghĩa Biểu hiện Ba Lan (Formism).
Ở đó, ông còn tham gia giảng dạy và mở nhà hát bên cạnh công việc sáng tác. Zakopane là nơi sự nghiệp của Witkacy phát triển nhất và vì lý do đó, tình yêu của ông dành cho thị trấn và dãy núi Tatra luôn trọn vẹn đến cuối đời.
Szukanie Nowej Gwiazdy, 1922 (Ảnh: Muzeum Narodowe w Warszawie)
Danh họa lắm...scandal
Tuy thế, cũng tại Zakopane, đời sống riêng tư của Witkacy ngày càng trở nên phức tạp. Với tính cách kỳ lạ của mình, ông kết giao nhiều nhưng sau đó lại để mất nhiều bạn.
Ông kết hôn với Jadwiga Unrug nhưng lại ngoại tình với vợ của một thợ cắt tóc. Chuyện 'chim chuột' này đã dẫn đến một vụ đánh ghen cực kỳ drama. Người thợ cắt tóc bị cắm sừng, tay lăm lăm con dao cạo, đã rượt đuổi Witkacy khắp thị trấn!
Kompozycja – Kuszenie Adama, 1920 (Ảnh: Muzeum Narodowe w Warszawie)
Witkacy còn là một tài năng về triết học đúng như những gì mà cha của ông nghĩ. Ông chưa từng được đào tạo phương pháp luận nào về triết học nhưng vẫn giải quyết được các vấn đề của tư tưởng hiện đại và đưa ra nhiều luận thuyết khác nhau. Trong số đó có cuốn Giới thiệu lý thuyết về hình thức thuần túy là một thành tựu lớn thuộc lĩnh vực triết học của Witkacy.
Tuy vậy, Witkacy cũng bị cho là có những vấn đề về tâm thần dai dẳng. Ông bắt đầu các thử nghiệm có kiểm soát với vodka và ma túy.
Các loại chất gây nghiện và liều lượng (nicotin, rượu, cocaine,…) mà Witkacy đã dùng trong khi sáng tác cũng được ghi cụ thể lên từng tác phẩm chân dung.
Portret Leona Reynela, 1926 (Ảnh: Muzeum Narodowe w Warszawie)
Dấu ấn lớn trong sự nghiệp nghệ thuật
Chủ đề về ngày tận thế luôn ám ảnh Witkacy. Nó thể hiện rõ qua các sáng tác của ông. Năm 1925, Witkacy từ bỏ vẽ tranh sơn dầu vì ông nghĩ rằng nó không thể đại diện cho chủ nghĩa Hình thức Thuần túy.
Cũng từ đây, nghệ danh Witkacy chính thức được sử dụng. Ông quyết định mở xưởng vẽ chân dung tại Zakopane, tập trung sáng tác hàng trăm tác phẩm. Witkacy thường chia các bức chân dung thành các loại (từ A đến E).
Portret Zofii Szumanowej, 1929 (Ảnh: Muzeum Narodowe w Poznaniu)
Những năm cuối đời, Witkacy lại càng đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp. Ông dành phần lớn thời gian của mình cho triết học, giảng dạy, viết báo, phê bình văn học và sáng tác kịch. Năm 1934, sau 7 năm chắp bút, Witkacy hoàn thành xong một trong những vở kịch hay nhất của mình, Szewcy. Vở kịch sau đó được chính thức xuất bản vào năm 1948 và dựng trên khấu từ năm 1957.
Cuối đời và 'cái chết' bí ẩn
Portret Neny Stachurskiej, 1929 (Ảnh: Muzeum Narodowe w Poznaniu)
Một tháng trước Thế chiến II, Witkacy chuyển đến Warsaw cùng vợ. Khi chiến tranh nổ ra, Witkacy đăng ký nhập ngũ để bảo vệ đất nước nhưng bị loại vì tuổi tác và sức khỏe không đảm bảo.
Ông đành cùng gia đình di tản về phía đông Ba Lan để lánh nạn phát-xít Đức tấn công từ phía tây. Tuy nhiên, miền đông Ba Lan đã bị quân Liên Xô ngang nhiên xâm lược vào ngày 17 tháng 9 năm 1939. Trước thực tế tàn khốc của đất nước, thất vọng vì Liên Xô mà ông từng bảo vệ thì nay xâm lược quê hương mình, Witkacy đã quẫn trí tự sát.
Włodzimierz Nawrocki, 1926 (Ảnh: Muzeum Narodowe w Warszawie)
Năm 1968, thi hài của người nghệ sĩ được đưa trở lại Ba Lan. Tuy nhiên, trong quá trình khai quật, người ta phát hiện ra hài cốt có bộ răng thật khá hoàn chỉnh. Điều này là không bình thường vì Witkacy phải đeo răng giả khi còn sống. Hóa ra, đó là một phụ nữ Ukraine đã được chôn cất thay Witkacy.
Một số nguồn tin cho rằng trong những năm sau đó, bạn bè của Witkacy đã nhận được thư từ chính nghệ sĩ và các tác phẩm không tên của ông tiếp tục xuất hiện. Điều này khiến nhiều người cho rằng ông đã sống sót sau chiến tranh và việc tự tử là một trò đùa cuối cùng của Witkacy.
Mời bạn đọc thêm!
- Danh họa Ba Lan Edward Dwurnik – phù thủy sắc màu
- Zdzisław Beksiński và những bức tranh bị nguyền rủa
- Trò chuyện với họa sĩ Krzysztof Chrzanowski