Với mình đây thực sự là quyển sách thay đổi cách mình giao tiếp với con và cả với chính bản thân mình.
Não bộ của chúng ra rất thần kì và hay ho, mỗi phần của bộ não lại có một chức năng khác nhau, ảnh hưởng đến cách chúng ta học tập, làm việc và cử xử trong cuộc sống hằng ngày. Đây là điều ai cũng biết. Tuy nhiên, có bao giờ bạn tò mò là não bộ của con mình phát triển ra sao? Nó có ảnh hưởng lên cách hành xử của con bạn - những hành vi mà đôi lúc làm bạn phát điên lên - như thế nào không?
Quyển sách “The Whole Brain Child” sẽ góp phần trả lời cho bạn câu hỏi đó. Đây là quyển sách được viết bởi bác sĩ thần kinh học Daniel J. Siegel và chuyên gia nuôi dạy con cái Tina Payne Bryson với 12 chiến lược để giúp bạn có thể hiểu con hơn, giúp con biết cách liên kết các bộ phận của não bộ một cách linh hoạt hơn để có thể có cách xử lý đa chiều và trưởng thành hơn trong cuộc sống và công việc.
Não bộ ngang - dọc
Nói một xíu cho đơn giản hơn, bộ não của chúng ta cần được liên kết ngang và dọc để có thể đưa ra những quyết định, hành vi sáng suốt. Liên kết ngang là liên kết giữa bán cầu não trái và bán cầu não phải, liên kết dọc là liên kết giữa phần não trên và phần não dưới. Tuy nhiên các liên kết này không phải bao giờ cũng hoạt động và nhiệm vụ của bố mẹ là hiểu được khi nào suy nghĩ và hành động của con đang được điều khiển bởi phần não nào và giúp con kết nối với phần não còn lại để dần lấy lại cân bằng. Sách cũng phân tích sự phát triển não bộ của bé qua các giai đoạn khác nhau từ đó giúp bố mẹ có thể định hình được những hành vi/suy nghĩ nào của trẻ sẽ xuất hiện ở những độ tuổi nhất định và có cách xử lý hợp lý.
Một ví dụ khá dễ hiểu đó là việc giúp kết nối giữa não trái và não phải. Lưu ý rằng não trái sẽ bắt đầu phát triển mạnh khi trẻ từ 3 tuổi trở lên nên những cảm xúc của trẻ dưới 3 tuổi phần lớn sẽ bị chi phối bởi não phải. Não trái liên quan đến các vấn đề logic, trật tự còn não phải lại chịu trách nhiệm xử lý các phần cảm xúc. Khi con sợ hãi, giận dữ, buồn bã... các hành động, lời nói, suy nghĩ của con sẽ được chịu sự chi phối của não phải. Lúc này nếu bạn dùng lí lẽ, logic để tranh luận với con, điều này hoàn toàn không hiệu quả.
Hiểu cách hoạt động của não bộ giúp ta thấu hiểu con hơn
Để giúp con, thay vì đưa ra suy nghĩ logic của bạn hãy kết nối với cảm xúc của con và dần giúp con kết nối trở lại với não trái để con có thể trở về trạng thái cân bằng.
Ví dụ: Con trai 7 tuổi của Tina vào phòng cô và bảo rằng cậu không thể ngủ và cậu giận cô không để lại lời nhắn cho cậu trước khi ngủ. Cậu bảo mẹ chưa bao giờ làm điều gì tốt đẹp cho cậu cả, cậu ghét làm bài tập về nhà,...
Nếu bạn là Tina bạn sẽ làm gì lúc này? Có thể bán sẽ bị sốc vì bạn đã chăm sóc, lo lắng cho con như thế nào mà giờ đây cậu bé lại nói bạn lại không làm gì tốt đẹp cho con? Bạn sẽ tranh luận là bạn đã làm rất nhiều điều cho con, bảo con trở về phòng ngủ và mình sẽ nói chuyện vào ngày mai hay bạn sẽ ngồi nói chuyện và chia sẻ cảm xúc với con. Nếu bạn dùng cách 1, bạn đang cố dùng suy nghĩ, lý luận để nói chuyện với não trái của con (cái mà đang tạm thời bị lấn át) thay vì kết nối với phần não phải đang chi phối suy nghĩ của con.
Vậy Tina đã làm gì? Cô ấy đã ôm con và bảo cô ấy cũng cảm thấy lo lắng vì đã không làm như vậy. Cô chia sẻ cảm xúc con đang trải qua hay nói một cách khá cô đang dùng não phải để kết nối và giao tiếp với não phải của con. Đây gọi là “Connect to the right”. Sau đó cô áp dụng “Redirect to the left” bằng cách cố gắng kết nỗi với phần não trái của con bằng cách giải thích về việc hôm nay cô ấy đã bận rộn thế nào, cô ấy sẽ để lại lời nhắn khi con đi ngủ và vài ý tưởng làm sao cho bài tập về nhà trở nên thú vị. Những gợi ý này sẽ giúp não trái suy nghĩ vận động và giúp làm dịu đi những làn song cảm xúc từ não phải. Con sẽ dần trở lại cân bằng và chia sẻ lý do thực sự và tìm hướng giải quyết cùng bố mẹ.
Name it to Tame It: Telling stories to calm big emotions
Một cách kết nối não trái và não phải tiếp theo được gợi ý, đặc biệt là khi con bạn đang có cảm xúc nào đó quá dữ dội (sợ hãi, lo lắng, giận dữ..) đó là áp dụng chiến thuật kể chuyện để làm dịu dần cảm xúc: “Name it to Tame It: Telling stories to calm big emotions”. Tại sao kể chuyển lại hiệu quả? Bởi vì khi gợi ý cho con kể chuyện, bạn đang giúp con kết nối những cảm xúc con có ở não phải với những sự vật hiện tượng đã xảy ra. Lúc kể lại chuyện là lúc con kết nối với não trái để sắp xếp sự việc theo thứ tự và những việc đã xảy ra thành lời và sau đó đem chúng vào trong não phải để xem xét lại những cảm xúc. Điều này giúp con “đặt tên” được cảm xúc và dần học cách chế ngự nó.
Xuyên suốt quyển sách, từng chức năng của não bộ, các chiến lược kết nối giữ bố mẹ và trẻ, các chiến lược để giúp trẻ tự kết nối các phần của não bộ được phân tích dưới góc nhìn của thần kinh học và tâm lý học sẽ giúp bố mẹ hiểu con mình hơn. Đọc xong sách, ngoài việc hiểu mình nên làm gì trong một số tình huống, có lẽ bạn cũng sẽ như mình, sẽ cảm thấy thông cảm và yêu con hơn. Đừng kỳ vọng con nhiều quá, hãy cho con thời gian để lớn, hãy cho thời gian để não con hoàn thiện, hãy cho con thời gian để hiểu về con và lớn cùng con. Có lẽ đó mới là hành trình hạnh phúc nhất của những người làm bố mẹ.
Bài viết được chắp bút từ chia sẻ cá nhân của chị Trương Nguyễn Thảo Phương.