Hiếm có quyển tự truyện nào mà mình đọc đến 3 lần như quyển tự truyện “Khi hơi thở hóa thinh không” của tác giả Paul Kalanithi (1977-2015), một bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh người Mỹ gốc Ấn. Quyển sách "When breath becomes air" được viết trong giai đoạn tác giả đang đấu tranh giành giật lại sự sống từ căn bệnh ung thư phổi cùng với những trăn trở, băn khoăn giữa sự sống và cái chết, những tâm sự về nghề y, những ngả rẽ, những lựa chọn trong cuộc đời cùng với tình yêu và khát vọng.
Ở tuổi 35, khi đang hoàn thành chương trình năm cuối của bác sĩ nội trú, khi là một bác sĩ xuất sắc với nhiều lời đề nghị về sự nghiệp hấp dẫn, Paul đã phát hiện ra mình bị ung thư phổi. Paul cũng đau đớn nhận ra sự hoán đổi vai trò của mình từ một bác sĩ thành một bệnh nhân ung thư và cái khao khát được biết liệu mình được sống bao lâu nữa, liệu mình có bao nhiêu thời gian để hoàn thành những ước nguyện còn dang dở. Quyển sách bắt đầu bằng quãng thời gian Paul bắt đầu phát hiện ra bệnh của mình, cách anh đối mặt với cảm xúc, xen lẫn với sự lo lắng, đau khổ, một chút hy vọng nhỏ nhoi dành cho sự sống; cùng với những thay đồi về việc chấp nhận sự thật và sống cùng nó. Anh đã chiến đấu một cách ngoan cường khi trải qua các đợt hóa trị; để có thể sống thêm được 2 năm, để từ bệnh nhân ung thư quay trở lại làm việc trong phòng mổ với các ca phẫu thuật thần kinh phức tạp, để được làm chồng, làm cha và cuối cùng là một nhà văn viết nên cuốn tự truyện về cuộc đời mình... cho đến “khi hơi thở hóa thinh không”.
Sách hiện đang có sẵn tại Vbooks, và được giao hàng khắp Châu Âu.
Với mình, quyển sách này thực sự chạm đến từng tầng cảm xúc của con người. Qua những con chữ của Paul, mình cảm nhận được những nỗi đau và sự lạc quan mà anh đã trải qua, để cuối cùng thực sự yêu mến và trân quý con người này. Gấp trang sách lại, có 3 điều luôn khiến mình suy nghĩ và cảm phục:
1. Sống hết mình trong hiện tại, theo đuổi tận cùng những đam mê
Tuy trưởng thành trong gia đình có truyền thống về y khoa, chịu ảnh hưởng từ những quyển sách mình đã được đọc từ thuở bé, Paul đã chọn Văn Học Anh là chuyên ngành của mình vì “văn học là công cụ biểu đạt tốt nhất về đời sống của một tâm hồn”.Tuy nhiên, từ một quyển sách được đọc, anh cảm thấy thực bị cuốn hút bởi ý tưởng “tâm trí chỉ là một thao tác của não bộ” . “Văn học đã mang tới một câu chuyện phong phú của ý nghĩa con người; bộ não phải là thứ cho phép điều đó, giống như ma thuật vậy”. Và như thế, anh tốt nghiệp đại học Standford với tấm bằng cử nhân và thạc sĩ về văn học Anh và một bằng cử nhân về sinh học người.
Tuy là con người hết mình vì học tập, anh cũng sống những phút giây hết mình với tuổi trẻ. Khi thay vì chọn một kỳ thực tập khoa học, anh đã chọn làm đầu bếp dự bị tại trại hè Sierra, hòa mình vào vẻ đẹp của thiên nhiên, của những đêm tụ tập cùng bạn bè tâm sự và uống chút rượu whisky. Đến lúc hoàn thành chương trình thạc sĩ Văn Học Anh tại Standford, anh vẫn còn mang trong mình câu hỏi:”văn học, sinh học, triết học và đạo đức giao nhau ở đâu?” và sau đó anh đã thực hiện tiếng nói mách bảo trong đầu mình “dẹp đống sách đó và học Y đi”. Để học Y anh phải học thêm rất nhiều kiến thức nền cùng với thời gian đăng kí là 18 tháng. Anh phải sống “chui” trong kí túc xá vì anh không muốn tốn thời gian cho một công việc bán thời gian vì nó sẽ làm chậm việc học mà anh lại không đủ tiền để thuê một căn hộ. Những quyết định, những ngã rẽ của Paul dẫn anh đến những ngành học có vẻ không liên quan; nhưng tất cả thực ra đều để trả lời cho câu hỏi vẫn luôn tồn tại trong anh về cuộc sống. Ở bất cứ giai đoạn nào, ta đều có thể thấy Paul sống hết mình với lựa chọn của mình. Anh quyết liệt ngay cả khi anh nằm trên giường bệnh và quay trở về với việc viết lách, cái đam mê đầu tiên và mãi mãi trong anh.
2. Làm việc một cách cần mẫn và trách nhiệm hết sức có thể trên nền tảng đạo đức
Đọc sách mình càng hiểu và cảm phục những con người đang theo đuổi ngành y, hiểu thêm những khó khăn trong việc phấn đấu không ngừng nghỉ để trau đồi kiến thức, kỹ năng và cả y đức. Paul đã tâm sự: “Học được cách cân nhắc cuộc đời nào có thể cứu, cuộc đời nào không thể cứu, cuộc đời nào không và cuộc đời nào không nên làm như vậy đòi hỏi một khả năng tiên lượng phi phàm. Tôi đã phạm phải nhiều sai lầm”.Chính áp lực khi sự sống và cái chết đặt trên đôi tay người bác sĩ, anh đã phải luôn tâm niệm “Nỗi đau thất bại đã khiến tôi hiểu được rằng sự xuất sắc về mặt kỹ thuật là một đòi hỏi về mặt đạo đức. Thành ý tốt là chưa đủ, đặc biệt khi quá nhiều thứ phụ thuộc vào kỹ năng của tôi, khi sự khác biệt giữa thảm kịch và chiến thắng được định hình chỉ bởi một hay hai milimet”. Paul luôn cố gắng xuất sắc nhất có thể, kể cả khi anh trở lại làm việc sau đợt điều trị ung thư bởi anh biết trên vai anh là sự sống và cái chết của bệnh nhân.
3. Tình yêu luôn đóng một vai trò to lớn và tuyệt diệu trong cuộc sống
Xuyên suốt câu chuyện, từ những năm tháng tuổi trẻ ở trường Y cho đến việc chống chọi với căn bệnh ung thư về sau, luôn có hình dáng của Lucy (vợ anh) được miêu tả qua từng câu chữ của Paul. Dường như mỗi phút giây anh nghĩ về sự tồn tại của mình, Lucy đều xuất hiện. Họ đã cùng nhau đi qua những tháng năm sinh viên, cùng nhau đối diện với bệnh tật, cùng nhau lên kế hoạch về tương lai, về một đứa con. Những dự định, những trăn trở, xót xa của anh đều vương vấn tình cảm sâu nặng dành cho vợ anh.
Khép lại chương cuối của cuốn sách, chương được viết bởi Lucy khi Paul không thể hoàn thành, việc anh không thể đến để dự lễ tốt nghiệp chương trình nội trú. Đến đây, mình cảm nhận được Lucy đã hiểu Paul như thế nào, khiến mình cũng bật khóc vì cảm động: “Bạn không bao giờ có thể đạt được sự hoàn hảo, nhưng bạn có thể tin vào đường tiệm cận của những gì mình không ngừng hướng tới. Đó là một công việc đầy gian khổ cùng với những tổn thương nhưng Paul chưa từng dao động. Đây là cuộc sống anh được ban tặng, và đây là những gì anh tạo ra. Khi hơi thở hóa thinh không đã hoàn thành theo cách của chính nó”. “Phần lớn cuộc đời mình, Paul băn khoăn về cái chết-và liệu anh có thể đối mặt với nó một cách trọn vẹn tâm hồn mình hay không. Kết thúc, câu trả lời là “Có”. Tôi là vợ anh và là một nhân chứng”
Review này từ mình không thể nào diễn tả được tất cả những tâm tư, suy nghĩ của tác giả và cái hay trong từng câu chữ. Hãy đọc và cùng suy ngẫm tự truyện này, mình tin là bạn sẽ thực sự bị thu hút và cảm động bởi tác giả.
Bài viết được chắp bút từ chia sẻ cá nhân của chị Trương Nguyễn Thảo Phương.