"Chiến Binh Cầu Vồng" thực sự là quyển truyện để lại ấn tượng thực sự sâu sắc trong mình. Sâu sắc đến mức khi đọc xong mình không dám review ngay mà phải đợi hơn 1 tháng sau, khi cảm xúc của mình lắng xuống mình mới có thể ngồi viết những dòng này. Đây cũng là quyển sách truyện đầu tiên mình đọc lại sau một thơi gian khá dài mải mê với các thể loại khác.
Lấy bối cảnh Indonesia những năm 80 và câu chuyện những cô cậu học trò nghèo tại hòn đảo Belitong, "Chiến binh cầu vồng" đã khắc hoạ lại một cuộc đấu tranh rất thực của những người dân gần như dưới đáy xã hội với cái nghèo đói, lạc hậu và một khát khao thay đổi tương lai. Các cô bé, cậu bé ấy học trong một môi trường xập xệ nằm trong danh sách cần giải tán của sở giáo dục, nơi mà một cơn gió thổi qua tưởng chừng cũng có thể thổi tung mọi thứ - ngôi trường Muhammadiyah. Ngôi trường được dẫn dắt bởi thầy Hafran và cô Mus, những con người chấp nhận từ bỏ những công việc tốt khác để dạy không công cho đám học trò nghèo và còn phải vất vả mưu sinh cho cuộc sống của chính mình và trang trải chi phí của trường. Lũ học trò nghèo ấy, đứa thì xuất thân từ con của ngư dân trong một gia đình 14 miệng ăn phải đạp xe 40 cây số nỗi ngày để đến trường; đứa thì xuất thân từ gia đình cu li, hay như Harun lại có vấn đề về phát triển trí tuệ. 10 đứa trẻ ấy mỗi khi trời tạnh mưa lại ngồi vắt vẻo trên cây filicium sau trường, mỗi đứa chiếm lĩnh một nhánh riêng cùng ngắm cầu vồng, ánh mắt sáng lấp lánh niềm tin như những chiến binh.
Cái nghèo khổ của những người dân nơi hòn đảo Belitong - mỏ thiếc lớn trù phú - lại càng được khắc hoạ rõ nét hơn qua cuộc sống vương giả của những người thuộc giới cầm quyền, chủ khu khai thác và ngôi trường PN chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu. Đó là đối lập rõ ràng như sự đối lập hoàn toàn giữa bóng tối và ánh sáng. Vậy mà cùng với những người thầy cô hết mực tận tâm, các chiến binh nhỏ với thần đồng toán học Lintang và tài năng nghệ thuật Mahar, ngôi trường nhỏ bé ấy cũng dần dần vượt qua mặc cảm nghèo đói và bị lãng quên của mình.
"Chiến binh cầu vồng" không phải là một bản khải hoàn ca. Nó thực như việc cái nghèo đói lẩn quẩn vẫn ở đâu đó trong thực tế sẵn sàng quật ngã hy vọng của bất cứ đứa trẻ nào. Mình đã rơi nước mắt khi đọc đến chương cuối của truyện - hơi buồn nhưng mình hiểu đó là sự thật của cuộc sống. Thật như chính việc đám trẻ quê mình thời đó sẽ chỉ một số đứa hoàn thành được việc học, một số đứa ở lại quê và làm các công việc khác nhau, một số đứa lưu lạc đi nơi khác và có cả một đứa bạn đi tìm chân trời mới ở châu Phi xa xôi.
Nhưng câu chuyện ấy vẫn lấp lánh cầu vồng, lấp lánh tiếng cười hồn nhiên với các trò chơi kéo lá, tắm mưa của tụi nhỏ. Câu chuyện ấy lấp lánh như cô bạn ngày xưa của mình vẫn dậy 4-5h sáng để đi bộ đến lớp cho kịp giờ, có hôm phải lên rẫy gánh chuối và đưa ra chợ bán xong mới vội vã đến trường. Vậy mà trong mắt cô bạn ấy, mình chưa bao giờ thấy niềm tin vụt tắt.
Khép trang sách lại, những ký ức về các bạn học cấp 1, cấp 2 ùa về. Ký ức của một đám trẻ miền núi nghèo với ngồi trường nằm cạnh cái cầu xiêu vẹo sắp gãy nhưng lại lấy làm vui vì mùa lũ sẽ được nghỉ học. Lũ trẻ mà lúc mới bước chân ra làm gì, đi đâu cũng lạ lẫm và sợ sệt pha chút tự ti nhưng chưa bao giờ ngừng nuôi một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống.
Bài viết được chắp bút từ chia sẻ cá nhân của chị Trương Nguyễn Thảo Phương.