Kỳ 2: Thử thách tinh thần thép trên bàn ăn
Ở kỳ 1, chúng ta đã làm quen 'sương sương' với một số món nội tạng trong căn bếp của người Ba Lan. Giờ là lúc để khám phá một tầng cao hơn, thử thách cam go hơn rồi! Kỳ này chống chỉ định cho những 'ai yêu màu tím, thích màu hường và ghét sự giả dối', nói chung là thần kinh yếu và tinh thần dễ bị dòng đời lay động. Quý bạn đọc nào chẳng may lỡ ấn mở kỳ 2 này trước, tác giả khuyến cáo nên quay lại 'luyện' từ kỳ 1 để tránh 'tẩu hỏa nhập ma'. (Chèn link kỳ 1)
6. Bycze jądra – tinh hoàn bò
Nguyên liệu màu vàng óng ả trông có vẻ 'chanh sả' kia thực chất là…tinh hoàn bò! (Nguồn: magicznyskladnik.pl)
Người Ba Lan gần như ăn uống cái gì cũng phải to hơn, phải nặng đô hơn khẩu phần của người Việt. Việt Nam ta có món ngọc kê, ngọc dương tưởng đã đủ sốc-độc-lạ thì Ba Lan còn bá đạo hơn khi chén cả 'viên đá quý' của bò hoặc heo to đùng ngã ngửa. Người ta rửa sạch, lột bỏ lớp màng ngoài, thái tinh hoàn bò thành những lát vừa ăn, rồi rắc gia vị để tẩm ướp. Tinh hoàn sau đó được áo qua một lớp bột, một lớp trứng rồi chiên ngập dầu đến khi vàng giòn bên ngoài.
Phiên bản sang chảnh của món tinh hoàn bò trông khá 'healthy' và 'balanced'. (Nguồn: magicznyskladnik.pl)
Ngày nay, bycze jądra không còn phổ biến như xưa, nhưng nó vẫn chiệm chệ trên menu của một số nhà hàng, khách sạn sang trọng ở Ba Lan. Rào cản tâm lý chính là trở lại duy nhất khi ăn thử món này. Bỏ qua nguyên liệu có phần 'đỏ mặt', nhiều người phải thừa nhận jądra là một món ăn thực sự đặc sắc.
7. Kiszka ziemniaczana (dồi khoai tây)
Ngon xuất sắc nhưng trông cứ sao sao ấy! (Nguồn: mojegotowanie.pl)
Là 'anh em' với món dồi máu kaszanka, dồi khoai tây kiszka ziemniaczana từ miền Đông Ba Lan có hình thức khiến thực khách phải e dè, ăn trong thấp thỏm, sợ sệt. Nhưng thử rồi mới thấy đây là một món rất 'bánh cuốn'. Hình thù có phần đáng sợ hơn cả kaszanka, nhưng dồi khoai tây lại ít 'máu me' hơn nhiều. Nguyên liệu chính để làm kiszka ziemniaczana là khoai tây nghiền và xúc xích nhồi trong khúc ruột heo, rồi đem chiên cho đến khi vàng đều, tỏa mùi thơm 'xốn xang' thực khách (với điều kiện là không zoom cận cảnh!)
8. Wodzionka (súp tỏi mỡ heo)
Một tô súp wodzionka sóng sánh mỡ heo, bánh mỳ và tỏi. (Nguồn: belekaj.eu)
Mỡ và bì không hẳn là lục phủ ngũ tạng nhưng vẫn được xếp vào danh mục nội tạng (offal) trong ẩm thực phương Tây. Việc ăn các món nhiều mỡ không phải điều gì quá xa lạ đối với người dân xứ lạnh. Nước Nga cũng rất nổi tiếng với món mỡ muối salo. Người Việt thì rất khoái ăn tóp mỡ, thịt đông và giò mỡ. Nếu có dịp đến Ba Lan, bạn đừng quên thử một tô súp mỡ wodzionka ăn chơi xem sao. Dù có thành phần là mỡ heo, wodzionka không quá ngấy như tưởng tượng do được cân bằng bởi tỏi, tiêu đen và muối, chưa kể bánh mỳ ăn kèm đưa đẩy. Biết đâu món súp này bạn lại khiến bạn 'mê tơi'?
9. Smażony móżdżek (pa-tê óc heo)
Óc cán ra để làm pa-tê!!! Người Ba Lan chia 2 phe: mê mẩn và rùng mình. (Nguồn: mecooks.pl)
Óc heo là một món khá khó ăn với nhiều người Việt Nam. Người Ba Lan cũng chẳng thích món này hơn là mấy vì nó khá tanh, béo, lại nhiều cholesterol. Tuy vậy, cũng không ít người mê mẩn món pa-tê óc heo chiên hành (smażony móżdżek) từ gian bếp truyền thống của đất nước Đông Âu. Cách làm món này cực kỳ đơn giản: óc heo (chủ yếu lấy phần tiểu não) băm nhỏ, trộn cùng hành tây, gia giảm gia vị tùy theo sở thích, rồi đem chiên đến khi nghe thơm lừng là được. Smażony móżdżek thường được phết lên như pa-tê và thưởng thức cùng vài lát bánh mỳ. Lưu ý là óc heo, bò, cần phải được làm thật sạch để khử mùi tanh trước khi đem chế biến.
10. Ozóry (lưỡi bò sốt cải ngựa)
Hỏi người Ba Lan món lưỡi bò là tìm đúng địa chỉ rồi! (Nguồn: delikatesybaccara.pl)
Nếu như người Việt Nam chúng ta thích món lưỡi heo luộc chấm mắm thì người Ba Lan lại rất khoái lưỡi bò kèm sốt. Đôi khi, người ta cũng có thể dùng lưỡi heo thay thế. Chế biến món lưỡi kiểu Ba Lan (ozóry) không quá cầu kỳ. Lưỡi được làm sạch, luộc chín, ăn kèm sốt cùng rau thơm. Các loại sốt cho món này tùy thuộc vào sở thích của người ăn, nhưng loại thường được sử dụng là sốt cải ngựa. Lưu ý là khi sơ chế lưỡi, các tuyến và màng trắng phải được loại bỏ hoàn toàn để đảm bảo vệ sinh.
11. Flaki wołowe (súp dạ dày bò)
Súp dạ dày bò còn có một phiên bản khác làm từ…tinh hoàn heo! (Nguồn: haps.pl)
Việt Nam và Ba Lan rất hay 'chí lớn gặp nhau' trong ẩm thực. Việt Nam tưởng giấu được bài món sách bò xào khoái khẩu, thì Ba Lan cũng 'ăn khôn' không kém với món súp tổ ong bò. Cả 'sách' và 'tổ ong' là hai trong bốn ngăn dạ dày của trâu bò. Người Ba Lan nấu dạ tổ ong bò (đôi khi dùng cả dạ lá sách) thành dạng súp và được coi như một món ăn nhẹ cực kỳ phổ biến. Ngoài thành phần chính là dạ dày bò và cà rốt, món súp flaki wołowe sử dụng rất nhiều gia vị như: gừng, nhục đậu khấu, hành, tỏi, tiêu đen, lá nguyệt quế, v.v… Người Ba Lan có thể dễ dàng mua được dạ dày bò ở các siêu thị, nhưng dạ lá sách hiếm thấy bày bán hơn dạ tổ ong. Một thông tin hơi sốc đó là súp flaki hoặc flaczki còn có một phiên bản khác làm từ…tinh hoàn heo!
12. Cật sốt hành tây
Bạn chọn cái nào? Cật bê tinh tế hay cật heo đậm đà? (Nguồn: garnek.pl)
Cật hay thận là một nguyên liệu khá quen thuộc nhưng cũng hơi mạo hiểm khi làm thành món ăn. Trong khi sơ chế, nếu không bỏ hết gân trắng thì cật sẽ cực kỳ hôi và khó ăn. Món cật sốt hành tây (cynaderki) của người Ba Lan thường dùng cật heo, nhưng cật bê được cho là có hương vị tinh tế hơn. Cật thái lát, kết hợp với hành tây và hạt cải dầu áp chảo, hòa cùng nước dùng là phương pháp chế biến thường thấy của món ăn đặc sắc này.
Có thể bạn cần!