Kỳ 2: PHO MÁT LÚC NHÚC…GIÒI CỦA Ý
Nhắc đến những nền ẩm thực đặc sắc trên thế giới, Ý luôn chắc suất trong top đầu. Ẩm thực Ý nổi tiếng thanh nhã, sang chảnh và đi kèm những tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe. Ấy thế mà đâu đó trong kinh đô ẩm thực lấp lánh miền Địa Trung Hải lại có một món ăn mà nghe thôi cũng khiến nhiều người dựng tóc gáy: pho mát giòi! Bạn không đọc nhầm đâu! Không có gì là nói quá hay nghĩa bóng ở đây cả! Chính xác là người ta ăn những tảng pho mát bốc mùi và lúc nhúc những con giòi bên trong.
Pho mát giòi (casu marzu) là món ăn khá khó cảm của Sardinia, Ý. (Ảnh: Ento Eat)
Món ăn mà chúng ta nói đến ở đây chính là casu marzu, 'đặc sản' của những người dân vùng đảo Sardinia, Ý. Cách gọi casu marzu thực ra không phải là một danh từ riêng, tiếng địa phương có nghĩa là pho mát thối rữa. Thật vậy, mỗi bánh casu marzu chứa hàng ngàn con giòi ngoe nguẩy, bật tach tách, bốc mùi rất khó chịu. Không chỉ có mùi vị và hình thức đáng sợ, casu marzu còn bị cho là tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, gây hại cho sức khỏe con người. Do đó, món ăn này bị coi là bất hợp pháp ở châu Âu. Tuy vậy, người dân đảo Sardinia cho rằng những lo ngại trên là thiếu cơ sở. Họ vẫn tiếp tục truyền thống làm và thưởng thức casu marzu, thậm chí buôn bán loại pho mát kỳ dị này ở chợ đen.
Mở những tảng pho mát 'im ỉm' kia ra, bạn sẽ thấy bên trong thực sự rất…sôi động. (Ảnh: Love Food)
Để làm được casu marzu, người ta đun sữa cừu, ép trong khuôn trong 3 tuần để định hình. Lúc này, sản phẩm trông không khác gì những bánh pho mát thông thường khác và có thể ăn ngay được. Nhưng người Sardinia không thích thế! Họ khoét lớp vỏ ngoài để những con ruồi pho mát (thuộc họ Piophilidae) tự do bay đến, đậu và đẻ trứng. Sau đó, quá trình ủ pho mát kéo dài trong khoảng 40 ngày, đủ để cho trứng ruồi nở thành giòi. Những con giòi ăn pho mát và tiết ra một loại enzyme khiến pho mát biến chất, trở nên mềm và có vị rất nồng. Casu marzu chỉ được coi là 'chín' khi bên trong bắt đầu xuất hiện chất dịch nhão nhoét gọi là lagrima. Trông khá hãi hùng nhưng theo những người sành ăn, nếu không có thứ dịch đó thì…mất cả ngon!
Casu marzu rất khó tiếp nhận từ hình thức cho đến mùi vị. (Ảnh: Forbes)
Kinh nghiệm khi ăn casu marzu là phải chọn những bánh pho mát có giòi còn sống. Nếu xuất hiện giòi chết thì miếng pho mát đó đã nhiễm độc, không thể ăn được nữa. Để tránh ngộ độc, bạn cũng phải nhai thật kỹ những con giòi. Nếu ai không thích ăn cả giòi thì có thể buộc vào trong túi kín và chờ những sinh vật ngo ngoe đó nhảy hết ra khỏi miếng pho mát. Những người 'nghiện' casu marzu cho rằng ăn như vậy thì mất hết cái chất riêng của món này. Theo họ, đã chấp nhận ăn casu marzu thì phải có dũng khí nuốt cả giòi, như thế mới ngon. Tuy nhiên, để tránh phiền toái, bạn phải mắt chặt mắt khi đưa miếng pho mát lên miệng vì những con giòi có thể oằn mình nhảy xa đến 15cm! Hương vị của casu marzu cũng bị cho là quá mạnh để nhấm nháp riêng. Thay vào đó, người dân địa phương thích nghiền mịn pho mát rồi phết lên bánh mì dẹt, uống kèm vang đỏ.
Thưởng thức casu marzu đúng kiểu là phải nhai cả…giòi! (Ảnh: Blogspot)
Loại pho mát độc nhất vô nhị này đã ở đó hàng trăm năm, khởi nguồn từ tình trạng túng thiếu trong quá khứ. Khi đó, người dân nghèo không còn cách nào khác ngoài việc phải tận dụng cả thực phẩm hư hỏng. Và chính vì lẽ đó, họ tình cờ phát hiện ra casu marzu và trót 'ghiền' món pho mát này qua nhiều thế hệ. Casu marzu được mô tả là có vỏ ngoài hơi cứng, còn bên trong thì mềm như kem. Nó có vị cay rất kỳ lạ, vướng vất nơi đầu lưỡi đến hàng giờ đồng hồ. Ngoài hương vị, pho mát giòi còn được cho là có khả năng cải thiện khả năng 'giường chiếu'.
Thực sự khâm phục người đầu tiên 'phát minh' ra và dám thưởng thức món pho mát nhung nhúc này! (Ảnh: Cheese Connoisseur)
Khi được hỏi về nguy cơ lĩnh án phạt lên tới €50,000 cho việc cố ý buôn bán pho mát casu marzu, người dân Sardinia hầu như chỉ phẩy tay cười xòa. Khác với khi mua phải các loại thực phẩm không an toàn khác, người tiêu thụ casu marzu biết rõ họ đang mua cái gì và ăn cái gì. Thêm vào đó, với người dân Sardinia, casu marzu đã là một phần không thể tách rời của văn hóa địa phương và chẳng ai có quyền cấm họ mua bán, thưởng thức món ăn mà mình yêu thích. Còn bạn? Nếu có dịp ghé thăm đảo Sardinia, bạn có dám nếm thử món pho mát 'sống động' này không?
Có thể bạn cần!