-Phần cuối-
Những năm tháng u ám cuối đời
***Mời quý độc giả ghé đọc các lá thư của danh họa Vincent van Gogh (các phần 1 và phần 2). Quý độc giả lưu ý, để đảm bảo truyền tải nội dung bao quát, OH! Ba Lan có biên tập và lược bớt một số đoạn trong các bức thư sưu tầm được.
Arles, năm 1888 (bức thư 602)
Theo yêu quý,
Cảm ơn em rất nhiều vì đã viết thư cho anh, lại còn gửi kèm 50 franc trong đó nữa. Dù tương lai không đến mức mịt mù, nhưng anh thấy nó sẽ đầy rẫy khó khăn. Đôi khi anh tự hỏi liệu mình có đủ mạnh mẽ vượt qua không. Tâm trạng này đặc biệt hay xảy ra vào những lúc anh bị suy nhược cơ thể. Tuần trước, anh bị một cơn đau răng hành hạ, và nó làm tốn rất nhiều thời gian của anh.
Tuy nhiên, anh vừa gửi cho em một cuộn gồm hàng tá các bức vẽ. Bằng cách đó, em sẽ thấy rằng anh vẫn làm việc không ngừng. Trong số các bức đó, có một bản phác thảo vội. Anh vẽ một bãi cỏ trong khu vườn công cộng ở lối vào thị trấn, với hậu cảnh là một ngôi nhà ít nhiều giống như ngôi nhà anh đang ở. Em sẽ sớm nhận được một bức tranh anh vẽ vào đầu tháng 5.
Nếu cần, anh có thể sống tại studio mới với người khác. Mà anh cũng rất muốn vậy. Có thể Paul Gauguin sẽ đến miền Nam này. Anh chắc phải thỏa thuận với Macknight để anh và Gauguin có thể nấu ăn ở nhà.
Mãi là anh trai của em,
Vincent
Arles, năm 1888 (bức thư 660)
Em trai thân yêu,
Anh phải viết thư cho Gauguin ngay ngày hôm nay để hỏi xem anh ấy trả công cho người mẫu thế nào, và anh cũng đang cần tìm người làm mẫu để vẽ nữa.
Khi ta già đi, điều quan trọng là phải tránh những thứ ảo ảnh và biết suy tính trước khi lao đầu làm điều gì. Khi còn trẻ, ta tin rằng siêng năng làm việc có thể giúp đáp ứng những nhu cầu của bản thân. Bây giờ thì anh càng lúc càng nghi ngờ điều này. Anh cũng đã nói với Gauguin điều tương tự trong lá thư gần đây nhất.
Anh bảo Gauguin rằng nếu bọn anh vẽ như Bouguereau thì có hy vọng kiếm được tiền. Công chúng chẳng bao giờ thay đổi mà chỉ thích những thứ mềm mại, mượt mà. Gauguin và anh phải chấp nhận nghèo đói và sự cô lập xã hội như một điều kiện trước tiên. Và để bắt đầu, bọn anh phải tự giảm chi phí sinh hoạt đến mức thấp nhất. Nếu một ngày kia bọn anh thành công, nếu một ngày kia bọn anh trở nên khá giả hơn thì thật tốt biết bao.
Bắt tay em,
Vincent
Arles, ngày 2.1.1889 (bức thư 728)
Em trai của anh,
Anh sẽ ở lại bệnh viện vài ngày nữa. Anh muốn em đừng có lo về anh, vì điều đó cũng sẽ khiến anh phải lo lắng nhiều đấy.
Bây giờ, hãy nói về người bạn Gauguin của chúng ta. Anh có làm anh ấy sợ không nhỉ? Tóm lại, tại sao Gauguin lại lặn mất tăm luôn thế? Anh ấy chắc đã rời đi cùng với em rồi.
Ngoài ra, Gauguin cần trở lại Paris. Có lẽ ở đó, anh ấy sẽ cảm thấy thân thuộc hơn là ở đây. Phiền em nhắn Gauguin viết thư cho anh và bảo rằng vẫn nghĩ về anh bạn này nhé!
Anh của em,
Vincent
Saint-Rémy-de-Provence, năm 1889 (bức thư 865)
Em trai thân yêu,
Hôm nay, khi ông Peyron về, anh đã đọc được những lá thư chân thành của em, rồi cả những bức thư gửi từ nhà nữa. Điều này đã khiến anh tràn đầy năng lượng trở lại, hay đúng hơn là hồi sinh từ trạng thái chán nản bấy lâu. Anh cảm ơn em rất nhiều vì những hình khắc. Em đã chọn được một số hình khắc mà anh vốn rất yêu thích.
Có một điều đáng buồn là người dân ở đây quá tò mò, nhàn rỗi nhưng chẳng đoái hoài gì đến hội họa nên anh không thể hành nghề. Đây là điều ai cũng thấy được, rằng anh em mình đã cố gắng ở đây như một số người khác - những người không được thấu hiểu, và bị hoàn cảnh làm cho đau buồn một cách cay đắng.
Nếu em từng đến Montpellier, em sẽ thấy những gì anh nói chẳng sai một li. Bây giờ, em đề nghị anh quay trở lại phía Bắc nhỉ? Anh đồng ý.
Cuộc sống của anh đã quá khó khăn rồi. Sự cực khổ đã đạp đổ tất cả, khiến anh mất đi khả năng làm việc. Có thể anh sẽ cố gắng làm việc lại. Trước hết, anh có ý tưởng vẽ người đàn ông đang cầu nguyện, dùng dải màu từ vàng tươi đến tím.
À, nếu không bị căn bệnh tồi tệ này, anh sẽ có thể làm được nhiều điều, tách biệt với thế giới loài người để đi theo những gì mà đất đai mách bảo. Nhưng mà cuộc hành trình đó đã kết thúc rồi, thật đấy! Dù sao thì, điều an ủi rất lớn đối với anh là anh vẫn còn mong ngóng được gặp lại em, em dâu và cháu của anh. Anh còn muốn gặp rất nhiều bạn bè, những người nhớ đến nỗi bất hạnh của anh cũng giống như anh chưa bao giờ thôi nghĩ về họ.
Ở miền Bắc, anh gần như chắc chắn rằng mình sẽ sớm khỏi bệnh thôi, ít nhất là trong một thời gian khá dài. Anh có lo sợ bệnh tái phát trong một vài năm tới nhưng không đến nỗi bị trong nay mai. Đó là những gì anh mường tượng sau khi quan sát những bệnh nhân khác ở đây.
May mắn thay những bức thư từ mẹ và em gái của chúng ta rất từ tốn. Em gái mình viết hay đấy. Nó mô tả phong cảnh hoặc một khía cạnh của thị trấn cứ như thể đang viết một trang tiểu thuyết. Anh luôn dặn con bé nên tập trung vào gia đình thay vì nghệ thuật. Con bé vốn đã quá nhạy cảm, mà ở độ tuổi này, nó sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm con đường phát triển nghệ thuật. Anh rất sợ rằng con bé cũng sẽ bị cản trở bởi ý chí nghệ thuật. Nhưng cô em gái của chúng ta luôn tràn đầy năng lượng, nên nó sẽ xoay sở được thôi.
Anh còn nói chuyện với ông Peyron rằng anh không thể cứ chịu bó buộc số phận của mình ở đây được. Có lẽ anh nên về phương Bắc. Khi ra ngoài công viên một chút, anh lấy lại được toàn bộ sự minh mẫn dành cho công việc. Anh có nhiều ý tưởng trong đầu hơn những gì anh có thể thực hiện, nhưng điều này không làm anh bị ngợp. Nét vẽ cứ đi như một cái máy. Dựa trên điều đó, anh dám tin rằng ở miền bắc, anh sẽ tìm lại được sự tự tin của mình khi thoát ra khỏi môi trường xung quanh và cái hoàn cảnh hiện tại mà anh không sao hiểu nổi và cũng không muốn hiểu.
Ông Peyron thật tử tế khi viết thư cho em. Hôm nay ông ấy lại viết nữa. Thật là đáng tiếc khi bọn anh phải từ biệt nhau. Anh muốn bắt tay em và em dâu. Anh cảm ơn em dâu rất nhiều về lá thư gửi cho anh.
Anh của em,
Vincent
Có thể bạn cần!