Nghệ thuật hiện đại của Ba Lan là một bức tranh sôi động với hàng loạt những tên tuổi nổi tiếng thế giới trải rộng trên nhiều thể loại. Xét về nghệ thuật tạo hình, những cái tên 'sừng sỏ' ở Ba Lan phải kể đến Zdzisław Beksiński, Magdalena Abakanowicz hay Igor Mitoraj. Tuy nhiên, khác với lối tạo hình kỳ quái và có phần 'rợn tóc gáy' của ba đồng nghiệp này, danh họa Edward Dwurnik tạo cho mình một chỗ đứng với phong cách rất khác biệt.
Tranh của Dwurnik không thiên về những gam màu trầm cổ quái mà ưa chuộng những sắc độ tươi sáng. Đối tượng được khắc họa trong tranh ông không kỳ vĩ mà được thu nhỏ và chi tiết cực độ. Thông qua nét vẽ của Edward Dwurnik, Ba Lan mang một vẻ đẹp rực rỡ mà thoáng chút vị lai.
Edward Dwurnik là một trong những nghệ sĩ Ba Lan thời kỳ hiện đại nổi tiếng nhất. Các tác phẩm của ông có sức ảnh hưởng lớn và có mặt ở hầu khắp những gallery uy tín tại Ba Lan. Ông sinh ngày 19 tháng 4 năm 1943 tại Radzymin, gần thủ đô Warszawa. Giai đoạn từ năm 1963 đến 1970, ông chuyên tâm theo học hội họa, đồ họa và điêu khắc tại Học viện Mỹ thuật Warszawa. Dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Eugeniusz Eibisch, chàng sinh viên trẻ dần củng cố nền tảng nghệ thuật của mình.
Năm 1965, khi vẫn còn là một sinh viên mỹ thuật, Edward Dwurnik đã tham dự một cuộc triển lãm của họa sĩ Nikifor Krynicki. Kể từ đó, Dwurnik đã chịu ảnh hưởng nhưng không bó buộc bản thân trong việc sao chép phong cách của tiền bối. Từ nguồn cảm hứng mang tên Krynicki, ông đã cho phái sinh và phát triển một phong cách hội họa mới mà sau này sẽ làm nên tên tuổi của bản thân.
Trong suốt sự nghiệp hội họa, Edward Dwurnik đã tạo nên một kho tàng nghệ thuật khổng lồ. Năng lực sáng tác của ông có thể nói là khó tin với hơn 13,000 bức tranh. Đó là chưa kể tranh của ông mang phong cách lột tả cực kỳ chi tiết chứ không hề đại khái hay nhanh chóng chạy theo số lượng. Lối sử dụng những mảng màu đối chọi và nhấn mạnh đường viền khiến cho tranh Dwurnik như những lát cắt phim hoạt họa.
Sự chi tiết và khả năng khai thác không gian khiến cho tranh của Dwurnik trở nên có chiều sâu mà không cần vờn sáng tối quá nhiều. Những đường nét chằng chịt mang đến cảm giác như mỗi tác phẩm như nằm giữa ranh giới của phác họa và họa phẩm hoàn chỉnh. Điều kỳ lạ là trong một số họa phẩm về thành phố có xuất hiện những sinh vật kỳ lạ và cả…khủng long (?!)
Các tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của ông được công chúng biết tới được ra mắt từ giữa thập niên 1960s mang tên Podróże autostopem với concept chủ đạo là quang cảnh thành thị. Thời kỳ đầu sự nghiệp, những họa phẩm của Dwurnik thường ám gam màu gạch đỏ. Càng về cuối đời, vẫn cùng chủ đề thành thị, ông lại chuộng gam màu xanh lam. Giai đoạn 1980s, tranh của Dwurnik trở nên biểu cảm, kịch tính và mang đậm màu sắc chính trị.
Hai loạt tranh đáng chú ý trong thời kỳ này là Sportowcy châm biếm xã hội Ba Lan trước cách mạng 1989 và Robotnicy mô tả quá trình đấu tranh của người Ba Lan để tiến tới nền dân chủ. Từ cuối những năm 1980s cho đến giữa 1990s, Edward Dwurnik vẫn tập trung khai thác chủ đề chính trị nhưng mang nhiều sự đồng cảm hơn. Ông tưởng niệm những nạn nhân của Stalin và thời kỳ thiết quân luật của Ba Lan lần lượt trong các loạt tranh Droga na wschód (1989-1991) và Od grudnia do czerwca (1990-1994).
Sau hơn một thập niên tập trung vào đề tài chính trị, Dwurnik đã trở lại với niềm cảm hứng ban đầu của mình: vẻ đẹp của thành phố. Ông tiếp nối tinh thần của Podróże autostopem với hai loạt tranh đình đám là Niebieskie miasta (Thành phố xanh) và Diagonale (Đường chéo) bên cạnh những loạt tác phẩm độc lập khác như Błękitne (Xanh lam), Niech żyje wojna! (Chiến tranh muôn năm!), Và Wyliczanka (Đếm ngược).
Từ giữa những năm 2000, Edward Dwurnik bắt đầu thể nghiêm loại hình trừu tượng với Dwudzesty Piąty (Hai mươi lăm) – loạt tranh mà ông tiếp tục sáng tác song song với những series khác cho đến những năm tháng cuối sự nghiệp. Cuối đời, Dwurnik sáng tác nhiều họa phẩm với những chi tiết tái hiện liên tục. Nổi bật trong số đó là loạt tranh nhạc công contrabass và hoa tulip gợi sự liên tưởng về sinh thực khí nữ.
Edward Dwurnik qua đời ngày 28 tháng 10 năm 2018 tại Warszawa. Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật, ông đã tham gia nhiều triển lãm có uy tín và đạt được các giải thưởng quan trọng như Giải thưởng phê bình nghệ thuật Cyprian Kamil Norwid (1981), giải thưởng của Ủy ban Văn hóa Độc lập "Đoàn kết" (1983), giải thưởng của Quỹ Nghệ thuật Đương đại Coutts (1992).
Các tác phẩm của ông có thể được tìm thấy trong nhiều bộ sưu tập của các bảo tàng và phòng tranh uy tín như Bảo tàng Ludwig ở Cologne, Staatliche Kunstsammlungen Dresden ở Dresden, Schaulager ở Basel, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Zachęta ở Warszawa, Bảo tàng Quốc gia Warszawa - Krakow và Poznań…
Mời quý độc giả của OH! Ba Lan thưởng thức thêm một số tác phẩm đáng chú ý khác của Edward Dwurnik. (Ảnh sưu tầm từ Personalart Galeria)
Có thể bạn cần!