Bạn thường bắt gặp hình ảnh chú lùn ở đâu? Ở trong các câu chuyện cổ tích như là Bạch Tuyết và 7 Chú Lùn. Hay ở trong các khu vườn với các bức tượng chú lùn đang canh gác. Hay ở xưởng của Ông Già Noel. Và chắc chắn phải ở Wroclaw với hơn 400 bức tượng chú lùn “lẩn trốn” khắp ngóc ngách của thành phố.
Không biết tự khi nào mà hình ảnh “chú lùn” đã trở thành biểu tượng đặc trưng khi ta nhắc về thành phố Wrocław, cũng chính là thủ đô của vùng Lower Silesia, nằm phía tây nam của Ba Lan. Những “cư dân nhỏ” này trong tiếng Ba Lan được gọi thân thương là “krasnale”. Hiện tại có hơn 400 bức tượng chú lùn nằm len lỏi khắp thành phố. Đôi khi chúng sẽ được bắt gặp trên vỉa hè, cột đèn, bức tường hoặc trước cửa ra vào. Và có khi người ta đùa vui rằng: nếu dành chút thời gian đi dạo trong phố cổ của Wrocław, thì cứ mỗi 200m sẽ có một chú lùn “diện kiến” bạn.
Gia phả của CHÚ LÙN
Bức tượng chú lùn đầu tiên xuất hiện trong thành phố Wrocław là vào năm 2001, với tên gọi là Papa Krasnal, nhằm mục đích ghi nhớ phong trào Cam Thay Thế (Pomaranczowa Alternatywa). Phong trào này đã tạo được tiếng vang lớn khắp cả nước vào những năm 1980, bởi sự phản-đối-trong-ôn-hoà và đầy sự sáng tạo của người dân Wroclaw.
Nguyên nhân là do sự áp bức quá độ của chủ nghĩa cộng sản, người dân đã cùng nhau đứng lên kháng chiến chống lại chế độ, nhưng chính bằng hình ảnh của “chú lùn” vui vẻ và hóm hỉnh. Với mục đích thay thế “màu đỏ” bằng màu cam vui tươi, phong trào Cam Thay Thế đã diễn ra bằng hình thức diễu hành, vẽ graffti khắp thành phố, và khẩu hiệu “there is no freedom without dwarfs”. Bức tượng Papa Krasnal được đặt ở góc đường Świdnicka giao đường Kazimierza Wielkiego, cũng chính là nơi mà phong trào Cam thường tụ tập để biểu tình. Tính ra, Phong trào Cam Thay Thế đã có một chú lùn cũng rất gì và này nọ.
Từ năm 2005, mọi thứ bắt đầu thay đổi với việc “chú lùn” dần được nhân rộng ngày càng nhiều. Cho đến nay, các bức tượng chú lùn đã trở thành một cư-dân-đúng-hiệu của thành phố với dân số hơn 400. Chúng đánh dấu lãnh thổ ở mọi nơi của Wroclaw và hoành tráng đến nỗi có cả bản đồ kèm theo ứng dụng trên điện thoại để tìm chúng. Tuy nhiên, tất cả những bức tượng sau này được tạo ra nhằm mục đích phản ánh khía cạnh lịch sử và văn hoá khác nhau của thành phố. Nói nôm na là chỉ có Papa Krasnal là để tôn vinh phong trào Cam Thay Thế, còn những bức tượng chú lùn khác là để tôn vinh và làm đẹp cho Wrocław.
Vào năm 2005, thị trưởng thành phố đã đặt hàng Tomasz Moczek (một nhà điêu khắc địa phương) đúc ra 5 bức tượng chú lùn nhỏ bằng đồng để đặt khắp xung quanh thành phố. Mỗi chú sẽ đại diện một phần khác nhau trong lịch sử và cuộc sống thường nhật của Wroclaw. Đến ngày nay, Moczek đã “làm đẹp” cho thành phố với hơn 100 tượng chú lùn. Ông có chia sẻ rằng: thường mất 3 tháng để hoàn thành một bức tượng chú lùn nặng 4-5kg. Quả thật, “nhỏ mà có võ” nhỡ!
Chú lùn “đánh úp” thành phố Wrocław
Với dân số hơn 400, có chiều cao trung bình tầm 20-30cm, các chú lùn được thể hiện ở nhiều cử chỉ, hành động và ngành nghề. Chẳng hạn có chú là thương nhân, người hát rong, nhân viên ngân hàng, giáo sư, người đưa thư, bác làm vườn, nha sĩ, bác sĩ,...
Trên đường về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, nếu ta bắt gặp các cư-dân-này thì hẳn mọi căng thẳng và phiền toái đều tan biến hết. Và một phần, nhờ gia phả của gia đình chú lùn mà phong trào Cam Thay Thế vẫn đang được nhắc tới và ngợi ca.
Có thể bạn cần!