Trên chuyến tàu hoả chưa đầy một tiếng từ thành phố Bydgoszcz, tôi đã đến một nơi - được xếp hạng đẹp nhất của Ba Lan - chính là thành phố trung cổ Torun. Nếu bạn yêu những gam màu sắc cổ kính, những câu chuyện huyền thoại về kỵ sĩ bóng đêm, hay đơn giản là muốn đắm chìm trong cái màu sắc giao thương thời trung cổ của châu Âu,... Torun là sự lựa chọn hoàn hảo!
Nắm ở phía Bắc của Ba Lan, Torun là một trong những thành phố cổ bậc nhất của quốc gia này. Sự định cư đầu tiên của con người ở Torun được tìm thấy vào thế kỷ thứ VIII. Tuy nhiên, mãi cho đến giữa thế kỷ XIII, với sự khai phá của những kỵ sĩ Teuton, thì Torun mới xuất hiện trên bản đồ của châu Âu. Họ đã xây dựng một pháo đài ở đây để dành cho các cuộc chinh phục và truyền giáo.
Những kỵ sĩ Teuton, hay thường được biết đến là Dòng Hiệp Sĩ Teutonic (The Teutonic Knights) là một quân đoàn quân sự Công Giáo. Họ có nhiệm vụ là hỗ trợ các Kitô hữu hành hương đến Đất Thánh và thiết lập các bệnh xá để cứu người. Những thành viên trong Dòng Anh Em của Nhà Đức Thánh Mary ở Jerusalem này gồm một số các thành viên quân sự tự nguyện và lính đánh thuê để bảo vệ những người theo đạo Thiên Chúa ở Đất Thánh và vùng Baltic trong suốt thời kỳ Trung Cổ.
Nhờ địa thế thuận lợi nằm cạnh dòng sông Vistula, Torun nhanh chóng trở thành một địa điểm giao thương sầm uất, và đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương của Liên Minh Hanse (Hanseatic League) lúc bấy giờ. Liên Minh Hanse là một hiệp hội các thương gia đường biển cùng nhau hợp tác kinh doanh. Mục đích chính là để bán hàng trực tiếp, không thông qua trung gian. Hiệp hội này bắt nguồn từ những thương gia người Đức chuyên kinh doanh ở khu vực duyên hải phía Bắc và Đông Âu, để trao đổi hàng hoá từ Bắc Âu và lấy các sản phẩm từ phía Nam. Hiện tại, Khu Phố Mới và Khu Phố Cổ (New and Old Town) ở Torun, với nhiều toà nhà hoành-tráng-lệ là bằng chứng cho sự thịnh vượng ấy.
Cùng ngắm Torun qua chiếc video lộng lẫy - lung linh này nhé!
Ai đến Torun cũng phải trầm trồ với vẻ đẹp kiến trúc của nơi đây, sự mỹ miều của những kiệt tác nghệ thuật, cũng như trân quý sự hiếu kỳ và chất phác của con người vùng này. Những tòa nhà có phong cách Gothic, đều được xây bằng gạch nung, lưu giữ cho mình những mảng-bụi-của-thời-gian. Chúng được bảo tồn gần như nguyên vẹn ở lối kiến trúc và không gian thời kỳ Trung Cổ. Cho nên chẳng gì ngạc nhiên khi Torun ghi tên mình vào danh sách Di Sản Thế Giới của UNESCO vào năm 1997.
Và bản thân thành phố luôn tự hào về người công dân ưu tú Nicolaus Copernicus. Không chỉ là nhà thiên văn học kiệt xuất của nhân loại, Copernicus còn là một nhà toán học, luật gia, nhà ngoại giao và kinh tế bậc tài. Ông sinh ra và lớn lên ở Torun suốt 18 năm, dành 4 năm theo học thiên văn ở Krakow, sau đó chuyển sang nước Ý để tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn và theo đuổi đam mê học vấn ở các chuyên ngành khác. “Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi”, và nhờ vậy nhân loại có một nhân tài kiệt xuất như Copernicus. Cuốn sách “Về sự chuyển động quay của các thiên thể” (De revolutionibus orbium coelestium) để mở đầu cho một kỷ nguyên mới về nghiên cứu thiên văn học. Trong đó, ông đã trình bày về thuyết nhật tâm của mình, cho rằng Mặt Trời nằm ở trung tâm của vũ trụ. Thuyết nhật tâm của Copernicus đã tạo ra một sự tranh cãi sâu sắc về vũ trụ học và tôn giáo. Vào thế kỉ XV, người ta vẫn tin rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ. Nhưng phải sau khi ông qua đời, những nghiên cứu của ông mới được phát triển và công nhận giá trị thực sự.
Dạo bước ở khu phố nhà Copernicus, hay mải mê lang thang ở khu phố cổ, chắc chắn chúng ta cũng vô tình ngang qua Tòa Tháp Nghiêng. Có một giai thoại cực kì thú vị về tòa tháp này. Chuyện kể rằng, thành phố Torun được sinh ra trong thời hỗn loạn, nên có nhiều tường thành và tháp cao bao quanh. Một trong các tòa tháp ấy rất tò mò về mọi thứ quanh nó, nên đã đêm ngày trò chuyện với dòng sông Wisła (Vistula). Dần dần tòa tháp chán với cuộc sống của mình và ghen tị với những cuộc phiêu lưu của dòng sông Wisła, nó không thèm nghe những câu chuyện của dòng sông đem đến nữa. Dòng sông đau buồn tìm đến ngọn tháp và luồn lách sâu vào trong chân tòa tháp. Tháp cầu xin dòng sông đừng phá hủy nó. Nhưng Wisła chẳng thèm quan tâm nữa, chỉ hét lên giận dữ: "To Ruń! - Vậy thì sụp đổ đi!”. Cùng lúc đó có hai du khách ngang qua và nghe thấy câu nói của Wisla, và họ đã ghi tên Toruń vào bản đồ. Đó là cái tên mà thành phố có hôm nay. Và tòa tháp trong câu chuyện không thẳng đứng mà cũng nghiêng nghiêng đôi chút từ đấy!