Ở Ba Lan, cụ thể hơn là Wrocław, hình tượng “chú lùn” đã từng có vị trí rất “cao” trong thập năm 80 của thế kỷ trước. Bởi đây là hình ảnh đại diện cho phong trào Cam Thay Thế chống lại cái “văn hoá đỏ” của chế độ Cộng Sản hà khắc và áp bức ở Ba Lan trước năm 1989.
Trong những năm 1980, với các cuộc biểu tình nở rộ cùng tình hình chính trị ngày càng trở nên bất ổn ở Ba Lan, một thiết quân luật đã được thi hành vào tháng 12/1981 bởi Đảng Cộng Sản. Trong đó, các quyền tự do dân chủ bị hạn chế nghiêm ngặt, các tổ chức hội họp và chính trị độc lập bị đặt ngoài vòng pháp luật, các hoạt động hội nhóm của các trường học và đại học bị nghiêm cấm, sự kiểm duyệt và lệnh giới nghiêm được áp dụng, các cuộc biểu tình chính trị được giám sát nghiêm ngặt bởi lực lượng quân sự.
Do sự kiểm soát hà khắc và vô lý của chính phủ, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra sôi nổi khắp Ba Lan. Nổi bật nhất là phong trào Cam Thay Thế (Pomaranczowa Alternatywa) được khởi xướng vào đầu những năm 1980 ở Wrocław. Cam Thay Thế là một phong trào phản đối trong sự ôn hoà và đầy sức sáng tạo. Những người tham gia sẽ vẽ những biểu tượng chú lùn lên các bức tường, hoặc họ sẽ đội một cái mũ hay mặc chiếc áo có màu cam để đi tuần hành khắp phố phường. Đôi khi hoành-tráng-lệ hơn, thì họ sẽ hoá trang thành những chú lùn vui vẻ phát kẹo và hoa, hoặc có khi trở thành ông già Noel. Cứ thế những cuộc diễu hành, có hơi hướng phản đối chế độ, diễn ra xung quanh thành phố Wrocław một cách “hóm hỉnh” với khẩu hiệu được hô vang: “không có tự do nếu không có chú lùn” (there is no freedom without dwarfs). Một cách biểu tình hài hước nhưng đầy sự thông minh phải không nào?
Có thể bạn chưa đọc?
“Chú lùn” đi biểu tình
The Orange Alternative được thực hiện với hình thức những cuộc biểu tình trên đường phố với quy mô hàng trăm đến hàng ngàn người tham gia. Mục đích chính của phong trào này vẫn là chống lại chế độ cộng sản lúc bấy giờ ở Ba Lan. Người “cha đẻ” của phong trào “trào phúng” này là Waldemar Frydrych, aka Major, theo học ngành lịch sử và nghệ thuật lịch sử ở trường Đại Học Wroclaw.
Trên trang chủ của Bảo Tàng của Phong Trào Cam Thay Thế, được hỗ trợ tài chính từ Bộ Văn Hoá và Di Sản Quốc Gia của Cộng Hoà Ba Lan, có trình bày:
“Vào thời hoàng-kim của phong trào Cam Thay Thế, 1987-1989, đã có hàng chục ngàn người tham gia biểu tình ở các thành phố lớn của Ba Lan như là Warsaw, Łódź, Wrocław và Lublin. Tổng cộng trong giai đoạn 1986 đến 1990, hơn 60 sự kiện của phong trào này diễn ra và nhận được sự hưởng ứng tích cực và tham gia đông đảo của người dân.”
Cam Thay Thế có “chú lùn” rất gì và này nọ
Phong trào Cam Thay Thế, hay còn được gọi hóm hỉnh là cuộc Cách mạng của những người lùn, đã thu hút hơn 10 000 người diễu hành qua trung tâm thành phố Wroclaw (vào ngày 01/06/1988). Họ đội những chiếc mũ màu cam và khẩu hiệu là “there is no freedom without dwarfs”.
Cam Thay Thế thường được coi là cánh tả hơn và ít có ảnh hưởng rộng lớn toàn diện như phong trào Đoàn Kết (the Solidarity Movement). Tuy nhiên, nó cũng góp phần vào sự sụp đổ của chính quyền cộng sản ở Ba Lan vào năm 1989. Năm 2005, Major cùng Phong Trào Cam Thay Thế đã được vinh danh bằng một cuộc triển lãm tại Nghị viện Châu Âu ở Brussels, Bỉ.
“Đi tuần” chú lùn ở Wroclaw, bạn có dám?
Để tôn vinh phong trào Cam Thay Thế đầy ý nghĩa, một bức tượng chú lùn đã được lập nên, với tên gọi Papa Krasnal ở Wrocław. Chú lùn này yên vị tại ngã giao của đường Świdnicka và đường Kazimierza Wielkiego, nơi mà phong trào Cam Thay Thế thường xuyên đi biểu tình hồi ấy.
Vào năm 2005, thị trưởng thành phố đã đặt hàng Tomasz Moczek (một nhà điêu khắc địa phương) đúc ra thêm 5 bức tượng chú lùn nhỏ bằng đồng để đặt khắp xung quanh thành phố. Mỗi chú sẽ đại diện một phần khác nhau trong lịch sử và cuộc sống thường nhật của Wroclaw. Đến ngày nay, Moczek đã “làm đẹp” cho thành phố với hơn 100 tượng chú lùn. Ông có chia sẻ rằng: thường mất 3 tháng để hoàn thành một bức tượng chú lùn nặng 4-5kg. Quả thật, “nhỏ mà có võ” nhỡ!
Cho đến nay, các bức tượng chú lùn đã trở thành một cư-dân-đúng-hiệu của thành phố với dân số hơn 400. Chúng đánh dấu lãnh thổ ở mọi nơi của Wroclaw và hoành tráng đến nỗi có cả bản đồ kèm theo ứng dụng trên điện thoại để tìm chúng. Tuy nhiên, tất cả những bức tượng này được tạo ra nhằm mục đích phản ánh khía cạnh lịch sử và văn hoá khác nhau của thành phố, và chỉ có Papa Krasnal là để tôn vinh phong trào Cam Thay Thế.
Nếu đã đến Wrocław thì đừng quên làm một chuyến đi tuần chú lùn nhé! Bạn đoán mình sẽ đi săn được bao nhiêu chú? Và Wrocław còn nhiều điều thú vị hơn thế, hãy tìm hiểu thêm với bài viết: