Ở Wrocław có nhiều tượng đài kỷ niệm, ngoài tượng các chú lùn nằm rải rác trên các con phố còn có những bức tượng danh nhân. Và ấn tượng nhất phải kể đến tượng đài cho Những khách bộ hành vô danh.
NHỮNG KẺ HÀNH HƯƠNG
Cụm tượng đài này nằm ở góc đường Piłsudskiego và Świdnicka, cạnh khu thương mại buôn bán lâu đời Arkady. Cụm tượng đài này gồm 14 nhân vật, chia làm hai nhóm, mỗi bên 7 người ở hai vỉa hè.
Những khách bộ hành vô danh dường như đang cõng một sức nặng vô hình nào đó khiến họ chìm dần và biến mất dưới mặt đất và chỉ tái xuất hiện phía vỉa hè bên kia.
Đây là tác phẩm điêu khắc của nhà điêu khắc Jerry Kalina để tưởng nhớ những nạn nhân của lệnh thiết quân luật trong khoảng thời gian từ năm 1981 đến năm 1983.
Lúc bấy giờ, dưới chế độ cộng sản, nhiều phong trào hoạt động chống lại nhà cầm quyền như phong trào Lựa chọn Cam, hay Công đoàn Đoàn kết. Chính quyền cộng sản Ba Lan cảm thấy sự đe dọa đến khả năng tồn tại của họ nên ngày 13 tháng 12 năm 1981, thiết quân luật đã được ban hành.
Người dân Ba Lan bị cấm ra khỏi nhà vào buổi tối, cấm tụ tập đông người và nhiều người đã bị công an bắt đi khỏi nhà vào ban đêm và biến mất như chưa từng tồn tại. Walesa, lãnh tụ của phong trào Công đoàn Đoàn kết cũng bị bắt giữ.
Nhà điêu khắc đã miêu tả rất chi tiết cụm những người bộ hành. Họ là những người rất bình thường như chúng ta, họ có thể là một người mẹ, một người bà, một người cha mệt nhoài trở về nhà sau buổi xếp hàng mua lốp phân phối… Những thứ họ mang trên tay chứng tỏ thân phận vô danh của họ. Năm 1983 mặc dù thiết quân luật được xoá bỏ nhưng rất nhiều người vẫn bị giam giữ đến tận năm 1986.
Những bức tượng này đã được làm năm 2005 để kỷ niệm 24 năm ngày Thiết quân luật được thi hành, để tưởng nhớ những nạn nhân vô danh (Nguồn: Internet)
CUỘC BIỂU TÌNH THIÊN ÂN MÔN
Ở Wrocław có một công trình điêu khắc ít nổi tiếng hơn nhằm tưởng niệm những nạn nhân vô danh khác. Đó là tượng đài kỷ niệm những nạn nhân của Thiên Ân Môn năm 1989 ở Bắc Kinh. Tượng đài này nằm rất khiêm nhường trên một bãi cỏ giữa giao lộ đông đúc.
Những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ trước, không chỉ có Ba Lan, nhân dân nhiều nước cộng sản trên thế giới đã có những hành động phản kháng lại nhà cầm quyền. Trong số đó có phong trào sinh viên ở Bắc Kinh. Ngày 15/4/1989 đám đông sinh viên đã tụ tập tại quảng trường Thiên An Môn với mô hình tượng nữ thần tự do bằng giấy để đấu tranh cho tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Sau khi đàm phán không thành chính phủ Trung Quốc quyết định dùng bạo lực để giải tán đám đông. Họ đã dùng xe tăng và quân đội để tấn công vào đám đông. Biểu tượng cho cuộc tấn công đẫm máu này là bức ảnh chụp trộm một người thanh niên không tấc sắt dám chặn đầu cả đoàn xe tăng.
Những sinh viên ở Wroclaw không chịu im lặng, ngày 4/6/1989 họ đã cắm trại cả tuần để lên tiếng và sau đó đã tự lập nên một tượng đài tưởng niệm các nạn nhân. Đó là một chiếc xe đạp bị nghiền nát trên vỉa hè và một vệt đỏ tượng trưng cho máu.
Cả hai cụm tượng đài này đều giống nhau ở chỗ tưởng niệm cho những nạn nhân vô danh cho dù họ ở đâu, có lẽ vì bày tỏ thương cảm trước nỗi đau của đồng loại là biểu hiện nhân tính.
Có thể bạn cần: A2D - dịch vụ giấy tờ cư trú Ba Lan (visa, karta pobytu, định cư)
Có thể bạn cần: Lớp học tiếng Ba Lan giao tiếp - luyện thi B1