Nàng tiên cá của Warsaw trong tiếng Ba Lan được gọi là Syrenka Warszawska (the Mermaid of Warsaw). Với một chiếc khiên cùng thanh kiếm, nàng đã trở thành biểu tượng của nơi đây và “oai nghiêm sừng sững” trên quốc huy của thủ đô Ba Lan. Nàng gần như xuất hiện ở mọi ngóc ngách của thành phố, nhưng đố mấy ai biết các câu chuyện huyền thoại về nàng? Hay cái tên của thủ đô Warszawa từ đâu mà ra?
Chị chị em em với nàng tiên cá của Đan Mạch
Ngày xưa, có hai nàng tiên cá dạo chơi từ biển Đại Tây Dương đến vùng biển Baltic. Một cô đã dừng lại ở eo biển của Đan Mạch (ngày nay nếu đến cảng Copenhagen, bạn sẽ bắt gặp bức tượng của cô ấy) và một cô vẫn mải mê bơi đến tận vùng đất Gdańsk của Ba Lan. Cô vẫn tiếp tục theo dòng chảy của sông Wisła (Vistula) vào tận thành phố Warszawa mới dừng chân.
Ở vùng đất xa lạ này, xót xa với cảnh tượng đồng-loại bị va vào lưới của các ngư dân, nên cô đã anh hùng giải cứu cho họ bằng cách tạo sóng và làm rối lưới đánh bắt cá. Mặc dù các ngư dân làng chài khá tức giận vì số lượng đánh bắt cá ngày càng ít dần, nhưng tiếng hát của mỹ nhân ngư cũng đã làm cho họ vơi bớt đi sự bực tức.
Trớ trêu thay, một tay thương gia đã bắt được cô mang về để kiếm tiền từ giọng hát mê hoặc. Người dân làng chài thấy vậy và cũng xót thương, nên bèn tìm cách giải thoát cho cô. Sau này, để tỏ lòng biết ơn, nàng đã hứa sẽ bảo vệ thành phố Warszawa. Đó cũng là lý do hình ảnh nàng tiên cá, tay cầm thanh kiếm cùng chiếc khiên, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu đã trở thành biểu tượng đặc trưng của thành phố cho đến ngày nay.
Một huyền thoại khác và từ đâu mà ra cái tên Warszawa
Ngày xửa ngày xưa, vào thời của vua Kazimierz Odnowiciel, khi đang trên đường từ Kraków đến Gniezno, vị vua tình cờ bắt gặp một túp lều nhỏ và dừng chân lại. Đó là túp lều của đôi vợ chồng ngư dân hiền lành, và họ đã mời nhà vua một buổi tối ấm cúng.
Trong lúc chuyện trò vui vẻ, nhà vua biết được rằng đôi vợ chồng họ vừa có hai đứa con song sinh nhưng chưa được rửa tội; cho nên ông đã đề nghị làm việc ấy, cũng như được làm cha đỡ đầu cho chúng. Vị vua đã đặt tên cho cậu con trai là Wars và cô con gái tên là Sawa. Và sau này, một thị trấn mới ven bờ sông Wisła đã được lập nên, lấy tên gọi là Warszawa. Cũng có vài người truyền miệng nhau rằng, nhà vua tìm được túp lều ấy là nhờ vào nàng tiên cá dẫn lối khi ông đang bị lạc và rất ư là… đói bụng.
Xưa xửa xưa xưa, bên bờ sông Wisła /ˈviswa/ có một túp lều nhỏ của một đôi ngư dân, chồng tên là Wars và vợ tên là Sawa. Một ngày nọ trong một cuộc đi săn, hoàng tử Ziemomysł đã bị lạc trong khu rừng cạnh đấy. Sau vài ngày lang thang thì chàng ta bắt gặp được túp lều của đôi vợ chồng tên-Wars-và-Sawa đấy. Sau này, do được tiếp đón nồng hậu và ân cần, cho nên hoàng tử đã cho gọi vùng đất này mang danh Warszawa để tôn vinh sự hiếu khách và tấm lòng tốt của họ.
Dù là phiên bản huyền thoại nào về cái tên Warszawa, thì ấy cũng để ca ngợi những con người hiền lành và mến khách của Ba Lan. Bên cạnh, biểu tượng nàng tiên cá oai vệ, tay cầm chiếc khiên cùng thanh gương để bảo vệ thành phố, luôn sống mãi trong tâm trí của bất kì người con thủ đô nào.
Ngày nay, ở bất kì ngõ phố nào của Warsaw, ta cũng sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh của nàng. Ở bên bờ sông Vistula, trong phố cổ, trên các mái nhà hoặc cạnh bảng hiệu,... Và ngay cả biểu tượng màu đỏ trên các loại phương tiện công cộng ở Warsaw cũng được cách điệu từ hình ảnh của nàng.
Và tại sao không làm một vòng dạo quanh thành phố Warsaw cùng nàng-tiên-cá yêu kiều?