Đi học + CỰC KỲ CHĂM CHÚ nghe các bài giảng của thầy cô = KHÔNG HIỂU = chuyện không của riêng ai.
Bài viết này đặc biệt dành tặng cho các bạn du học sinh mới sang hoặc ai đấy đang có một câu hỏi đầy Hoang Mang (Hồ Quỳnh Hương) trong đầu rằng “Sao đi học toàn ngủ?”. Bởi phương pháp học của bạn đang rất sai-trái, và cần thay đổi ngay!
Đánh giá chủ quan:
Đa số bạn mình đều bảo rằng: ở năm nhất của đại học, ngồi nghe bài giảng chẳng hiểu cái (quỷ) gì! Đối tượng mình hỏi gồm bạn Việt học bằng tiếng Anh, bạn Ukraina học bằng tiếng Ba Lan/Anh, bạn Ireland học bằng tiếng Anh. Tức là đa số dù học bằng tiếng mẹ đẻ họ vẫn không hiểu bài giảng, nên không phải chỉ có mình và BẠN không hiểu đâu!
Lý do:
- Thầy cô đều có bằng thạc sĩ, tiến sĩ hoặc hơn, nên đã quên mất cảm giác của học sinh. Họ cho rằng học sinh biết những cái mình biết, hiểu những cái mình hiểu ?!?! (cái này là lời nguyền của kiến thức - curse of knowledge); nên có nhiều thuật ngữ thầy cô không giải thích, hay giảng lướt nhanh hơn lướt sóng.
- Thầy cô nếu học đến các bậc cao thường là người thích học, học giỏi, có khả năng hiểu nhanh. Trong khi đó, không phải học sinh nào cũng là người hiểu nhanh. Cái này không phải lỗi của ai cả, vì mỗi người một trình độ học khác nhau.
- Do phương pháp học của môi trường học thuật hướng học sinh đến chuyện tự giác tìm hiểu. Sự khác biệt so với cách học hồi cấp 3 (muốn biết gì, hỏi thầy cô), nên có thể sẽ khiến có nhiều bạn thấy lạ.
Giải pháp:
- Sốc lại tinh thần. Coi đó là chuyện bình thường, tìm hướng giải quyết thay vì bị sa đà vào tự buồn cho bản thân. Sau năm nhất các bạn sẽ đỡ hơn, hiểu được cách học hơn. Về việc trình độ tiếng Anh bình-thường (đủ điểm vào trường) không có nghĩa là mình gặp khó khăn khi trên lớp, bởi vì đến người bản địa cũng gặp vấn đề này với ngôn ngữ mẹ đẻ. Mình đã gặp người có trình độ tiếng Anh bình-thường nhưng học rất giỏi.
- Đọc lại slide/ tài liệu sau lớp học. Nếu chỉ đọc trên lớp thì dễ bị ảo tưởng là mình đã hiểu bài rồi, nhưng đến lúc hỏi lại không nhớ hoặc không giải thích được.
- Ghi âm bài giảng nhưng nhớ xin phép thầy cô.
- Dành thời gian “ngâm cứu” cho các thuật ngữ chuyên ngành. Google và youtube thuật ngữ để nắm bắt tốt hơn. Cái này dễ nản vì có những cái phải đọc ở nhiều chỗ, nhiều nguồn; thì mới hiểu được trọn ý thầy cô giảng trên lớp. Sau đó nên áp dụng thực tiễn, hoặc kèm ví dụ để ghi nhớ lâu.
- Đến văn phòng của thầy cô để hỏi thẳng trực tiếp hoặc nghe chia sẻ thêm. Mỗi giáo viên đều có một khung giờ cố định trực trên văn phòng, nên nhớ hãy sử dụng thật đúng cách.
- Hỏi bạn hỏi bè, học từ kinh nghiệm của nhau. Cái này thì hên xui, vì có khi chúng nó cũng không hiểu gì.
- Luôn tham gia đầy đủ các buổi học, dù đã bị lỡ buổi học trước hoặc vẫn còn chưa rõ vấn đề cũ.
Kinh nghiệm xương máu:
- Ngày xưa, mình nhìn các bạn, tưởng ai ai cũng hiểu bài. Bởi chúng nó tự tin lắm, lại còn hay hỏi thầy cô, còn mình tự ti kinh khủng. Về sau mới biết rằng: khá ít người hiểu bài ngay sau khi kết thúc bài giảng, và đa số đều là gần đến sát ngày thi mới hiểu (vì lúc này mới “nghiêm túc học” thực sự)
- Sau vài năm, đã dùi-mài-kinh-sử nghiêm túc, khi đến lớp của một số môn khó, mình vẫn cứ như “vịt nghe sấm”, hoặc chỉ hiểu sơ sơ. Nhưng giờ quen rồi, rút được kinh nghiệm rồi, nên thản nhiên hơn. Về nhà nghiêm túc dùi-mài-kinh-sử là cách chuẩn bị tốt nhất cho buổi học tiếp theo.