Ốm sấp mặt! Đấy là tình trạng của tôi mỗi độ thu về. Cứ tưởng mùa thu Warszawa sẽ dịu dàng hơn với tôi hơn mùa thu Hà Nội. Nhưng không! Khi những hàng bạch dương và sồi chưa kịp ngả vàng thì những đợt gió hanh hao đã vội quất vào người tôi hàng đêm mất ngủ và những cơn cảm cúm rũ rượi. Tôi nằm thiu một góc mà nhớ mùa hè rực rỡ, tráng kiện của mình.
Warszawa những ngày tháng 6 tháng 7 không có hầm hập như gió hè phố cổ Hà Nội, nhưng cũng đủ râm ran cả da thịt và vạ vật khó ngủ mất vài đêm. Trong cơn mơ màng, tôi thấy hoa cỏ xứ Đông Âu đẹp rực rỡ mà xa xăm. Mấy bông hoa anh túc không ám màu bùa chú phù thủy, mà như những cô nàng vừa dịu hiền vừa man dại.
Tôi thích cái cảm giác nằm phủ phục trên trảng cỏ bìa rừng Kabaty hoặc đâu đó bên dòng Wisła mà phơi nắng. Tất nhiên, tôi thích có được cái nước da nâu giòn, nhưng điều làm tôi mê nhất chính là mùi cỏ dại. Tôi dám chắc mỗi loại cỏ phải có một thứ mùi khác nhau. Nhưng giữa cơ man cỏ hoa đồng nội, khứu giác của tôi chỉ biết gom chung lại thành một cơn mê ngọt mát, ngai ngái. Dưới cái nắng hừng hực của ngày hạ chí, trảng cỏ xanh bên cánh rừng lại càng dậy mùi, níu mí mắt tôi đóng sập để mặc hồn thiên di. Thứ mùi ấy biến đồng nội thành lúa mì, biến bạch dương thành hàng cây bách, biến Kabaty thành một vùng quê miền Nam nước Pháp, nơi từng đọa đày, nặn ép Vincent van Gogh tuôn ra những ngọn lửa nghiệt ngã từ đầu cọ. Bản thân danh họa Jozef Mehoffer là người Ba Lan, nhưng cỏ cây và vườn tược trong tranh ông rực rỡ quá, mĩ miều quá, hư ảo quá! Thành thử, một họa sĩ mất trí từ Hà Lan xa xôi vướng vất tại Arles lại làm tôi bay bổng trong giấc mơ giữa thiên nhiên Warszawa (!?)
Vài bạn có thể cho rằng tôi quá tập trung vào mùi hương mà lơ là giác quan khác thì ấy là những bạn đó đang hơi vội vàng phán xét tôi. Tôi từng thú nhận với người yêu của mình giữa đất trời ngập nắng và gió còn ẩm mùi trận mưa rào đêm qua rằng: tôi chú tâm vào tiếng rì rào của hàng bạch dương hơn những điều nàng nói. Nàng không giận mà còn 'hùa theo' kể rằng xửa xưa khi nàng còn ở Ursynów, nàng cũng hay ra ban công nghe cây bạch dương bên nhà kể chuyện, thi thoảng trộm nhìn dàn nho dây leo đã dần ngả đỏ hay chưa.
Mùa hè Warszawa đôi khi bị náo động bởi những trận mưa rào, đủ để những con giun đất, con sên nâu, con ốc vỏ xanh bò ra nháo nhác. Nhắc mới nhớ, mùa hè năm 2020 có một sự lạ. Hệt như lời tả của một nhà văn Việt, giữa châu Âu lặng lờ gì đâu mà "mưa rả rích đêm ngày, mưa tối tăm mặt mũi, mưa thối đất thối cát!" Ngay cả những người bạn bản xứ tôi mới quen lúc đó cũng bảo rằng mùa mưa năm ấy thật lạ lùng. Mưa ngả nghiêng, mưa lụt lội, mưa dậy mùi đất đai, đến mức tôi có cảm giác khi ấy mình đang ở Hà Nội với những cơn mưa nhiệt đới mịt mù chứ không phải Warszawa.
Nơi náo nhiệt nhất suốt mùa hè có lẽ là dọc bờ sông Wisła. Cách bảo tàng khoa học Copernicus không xa là quãng chảy vui vẻ của con nước lớn. Người trò chuyện, người chụp ảnh, người tản bộ, người đánh chén, người hát hò, ... Nàng tiên cá chứng kiến tất cả những cảnh vui vẻ ấy cho đến khi hoàng hôn cuối ngày dần biến nước da của nàng thành màu xanh thẫm. Những điểm tụ tập vui chơi chè chén thì không nói làm gì, nhưng những trường đoạn ven sông cũng mang sức sống khác lạ. Bãi hoang lúc ẩn lúc hiện theo mực nước lên xuống là nơi tụ tập bạn bè dã ngoại hoặc nướng thịt là đủ vui. Đôi khi để đến được những bãi đất thú vị ấy, ta phải len lỏi qua vài lối mòn không tên mà chỉ có mấy loài hoa lạ mọc um tùm. Chúng đưa đẩy, xôn xao mỗi khi có bước chân người qua.
Lá đã bắt đầu ngả vàng trong công viên Szczęśliwicki. Mặt trời không còn tham công tiếc việc đến tận 8,9 giờ tối. Và đêm đã khó bình yên nếu không kéo thêm vải phủ kín thân mình. Chiều nay, nắng hanh vàng lại nhắc nhỏm tôi mơ tưởng về mùa cũ. Gì thì gì, tôi tự cho mình vẫn khác hẳn thứ không khí đối lưu ráo hoảnh ngoài kia.
Có thể bạn cần!