Ở kỳ trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu và điểm sơ bộ khái niệm những trò đùa về Ba Lan (Polish jokes). Kỳ này, chúng ta hãy tiếp tục kiểm chứng các định kiến phổ biến về quốc gia thú vị này nhé!
Ba Lan là đất nước của những anh chàng “củ chuối”?
Dẫn chuyện: Một anh chàng Ba Lan nọ vừa đi công chuyện lâu ngày mới về. Treo mũ áo xong, anh chàng hí hửng vừa đi vào phòng ngủ vừa đánh tiếng: “Em yêu! Anh về rồi đây!”
Vừa bước vào, anh vô cùng sốc khi thấy vợ mình đang ngoại tình với gã hàng xóm! Trong cơn tuyệt vọng, anh lao đến tủ, lấy khẩu súng và tự dí vào đầu mình. Cô vợ thấy vậy thì lắc đầu cười khẩy.
Anh chồng quát: “Còn cười hả? Tiếp theo sẽ là cô đấy!”
(Nguồn: The Canonical List of Polish Jokes)
Thật khó hiểu khi nhiều người nước ngoài thường cho rằng người Ba Lan có phần “ngốc nghếch”. Trên thực tế, Ba Lan là một đất nước có dân trí cực kỳ cao! Quốc gia này đứng thứ 4 toàn châu Âu về số lượng sinh viên đại học và sau đại học (chỉ xếp sau Anh, Đức, Pháp). Theo số liệu năm 2019, trong top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, riêng Ba Lan đã có tới 9 cái tên. Chuyện những người đã đi làm, thậm chí khá lớn tuổi vẫn học thêm bằng này cấp nọ để nâng cao trình độ là chuyện “bình thường như cân đường hộp sữa” ở đây. Nếu như ở nhiều nước khác, Thạc sỹ hay Tiến sĩ được cho là cực kỳ danh giá, thì ở Ba Lan, những người mang hai học vị này nhan nhản khắp nơi!
Tại những thành phố lớn, chỉ cần nói trôi chảy tiếng Anh là bạn đã có thể giao tiếp rất thoải mái rồi! Đó là lý do vì sao Ba Lan thường xuyên cán đích ở vị trí top 11 các quốc gia nói ngoại ngữ Anh giỏi nhất thế giới. Ngoài ra, nếu được mời ghé thăm nhà của bất kỳ người Ba Lan nào, bạn sẽ phải bất ngờ, đôi khi choáng ngợp với bộ sưu tập sách đồ sộ của họ. Trên các phương tiện công cộng hay ngoài đường phố ở Ba Lan, việc bắt gặp những người đang chăm chú vào cuốn sách dày cộp là chuyện quá bình thường. Tóm lại, nếu bắt buộc phải tìm ra điểm “ngây ngô” của người Ba Lan thì chỉ có thể là họ quá đỗi thật thà và mọt sách mà thôi!
Ba Lan nhiều trộm cắp???
Dẫn chuyện:
Hỏi: Slogan nào thúc đẩy du lịch Ba Lan hiệu quả nhất?
Đáp: “Hãy đến với Ba Lan! Xe của bạn đã ở đó sẵn rồi!”
(Nguồn: Wikipedia)
Thật ngạc nhiên khi quốc gia vốn được coi là chốn thanh bình của châu Âu lại bị réo tên như xứ sở của dân “hai ngón”. Theo tổng hợp của trang theGlobalEconomy.com, tỷ lệ trộm cắp trên 100.000 dân của Ba Lan chỉ chiếm 331 trường hợp, xếp thứ 41 trên tổng số 74 quốc gia có cung cấp số liệu, thua xa cả những cái tên vẫn nổi tiếng là vùng đất an toàn như Đan Mạch, Thụy Điển, Australia, Thụy Sỹ, Hà Lan, Phần Lan. Nếu vậy tại sao Ba Lan lại bị tiếng xấu về nạn trộm cắp?
Theo thông tin từ osac.gov, Ba Lan có tỉ lệ tội phạm nói chung cũng như tỉ lệ trộm cắp đều rất thấp. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp phạm tội được du khách nước ngoài phản ánh lại là tình trạng trộm cắp. Điều này đã phần nào lý giải được ấn tượng xấu và phiến diện của du khách về đất nước Ba Lan. Đa số các trường hợp mất cắp được trình báo xảy ra trên các phương tiện công cộng chen chúc và các điểm du lịch có mật độ du khách cao như khu phố cổ Warszawa hay quảng trường chợ cổ Kraków khi du khách để tài sản cá nhân ở những nơi khó quan sát như ba lô, hành lý hay túi sau. Cũng theo OSAC, những vụ trộm đột nhập vào nhà ở Ba Lan chủ yếu xảy ra do người dân chủ quan không khóa cửa, cổng và garage để xe. Các vụ trộm cướp táo tợn hiếm khi xảy ra ở quốc gia Đông Âu này.
Trên thực tế, tình trạng trộm cắp do người dân sơ hở là khá phổ biến ở bất kỳ quốc gia nào. Không may cho Ba Lan, là với tỉ lệ các loại tội phạm rất thấp, dân anh chị “hai ngón” bỗng nổi cộm lên, trở thành con sâu làm rầu cả nồi canh. Thế nên, bạn chỉ cần nhớ khóa cửa cẩn thận, để ý tư trang là đã có thể an tâm không sợ bị “nhảy đồ” và tung tăng khám phá Ba Lan rồi!