SGH thuộc top trường đại học kinh tế của Ba Lan với đội ngũ giảng viên rất chất lượng và đầy ấn tượng; còn sinh viên tốt nghiệp đều là sếp-lớn-sếp-to. Bản thân mình không thể trả lời câu hỏi “Họ ăn gì mà thông minh thế”, nhưng có thể giúp bạn trả lời câu hỏi “Chuyện học ở SGH ra sao?”.
Tự hào là một cựu sinh viên của SGH, mình xin chia sẻ tất tần tật cho mọi người tổng quan về chuyện học, chọn chuyên ngành, khóa luận tốt nghiệp cần chuẩn bị ra sao, chuyện học ngoại ngữ và chương trình trao đổi Erasmus Exchange.
Lý lịch trích ngang của-mình-và-của-trường
Mình là Daniel Doan. Mình đã tốt nghiệp ngành Global Business, Finance and Governance tại Warsaw School of Economics (SGH). Niên khoá của mình là 2017 – 2020. Nếu bạn chưa biết, SGH thuộc top trường ĐH kinh tế của Ba Lan. Địa chỉ của trường là Niepodległości 162, thủ đô Warsaw, Ba Lan; và trang website của trường tại đây.
Về xếp hạng và tiếng tăm
SGH được biết đến rộng rãi nhờ truyền thống đào tạo lâu năm. Các khóa sinh viên tốt nghiệp và đội ngũ giảng viên “rất chất lượng và đầy ấn tượng”. Họ làm về kinh tế/chính trị trong nội các của chính phủ Ba Lan, hoặc làm cho các công ty kiểm toán big4 và FMCG như Unilever, P&G. Ví dụ, thầy dạy luật của mình là nguyên bộ phó của bộ ngoại giao Ba Lan. Thầy dạy Micro II là giám đốc của sàn giao dịch chứng khoán Warsaw. Nếu bạn tò mò về những sinh viên tốt nghiệp tiêu biểu qua các năm, thì mời xem danh sách này.
Tổng quan về chuyện học
Hệ đại học ở SGH kéo dài 3 năm, tương đương 6 kỳ học. Ở 3 kỳ học đầu, tất cả sinh viên đều sẽ học chung những môn cơ bản như accounting, mathematics, basics of law, etc. (chương trình học chi tiết tại đây). Môn học được tính theo dạng tín chỉ; tức là sinh viên có quyền lựa chọn lớp và thầy cô thoải mái, miễn là hoàn thành môn học. Vì thế, hãy chủ động liên hệ bạn bè hoặc các anh chị khoá trên, để hỏi review vè những thầy cô dạy hay-ho-không-buồn-ngủ để nhanh tay đăng kí học.
Về chi tiết học môn nào, chọn thầy/cô nào, các tips học các môn, bạn có thể tham gia group Sinh Viên VN ở SGH. Hãy thoải mái đăng bài, mọi người sẽ luôn trả lời giúp bạn.
Ở 3 kỳ sau, sinh viên sẽ chọn ngành, tự chọn lớp để học những môn chuyên ngành, và một số môn tùy chọn theo mong muốn. Khóa luận tốt nghiệp thường sẽ được nộp vào kỳ học cuối cùng (kỳ 6).
Đa số các thầy cô có slides khi giảng bài, và nội dung của các kỳ thi bám khá sát slides. Tuy nhiên, nếu muốn đạt điểm tuyệt đối, thì bạn phải chịu khó đọc thêm các cuốn sách mà thầy cô gợi ý. Sách có thể được mượn ở thư viện. Mỗi lần mượn được kéo dài 2 tháng, nên hãy chủ động renew trước khi trả để có thể mượn tiếp đến khi thi xong.
Mỗi môn có một dạng thi cuối kỳ khác nhau, tùy vào thầy cô giảng dạy. Có môn trắc nghiệm, có môn tự luận trả lời câu hỏi, có môn vừa trắc nghiệm vừa tự luận, có môn vấn đáp, có một viết bài luận. Nhức hết cả đầu!
Bên dưới là review cũng về trường SGH của Trang Do, bạn có thể đọc thêm để có một góc nhìn khác.
Những môn yêu cầu tính toán nhiều như Mathematics, Macro/microeconomics, Statistics, Financial Mathematics, etc (>= 4.5 ECTS) thường sẽ được chia thành wykład (lecture) và ćwiczenia (classes). Wykład thầy cô sẽ giảng trên slide và thường khá nhanh. Còn ćwiczenia là thời gian để chữa bài tập, lấy điểm cộng nên hãy tận dụng thật tốt để ghi điểm. Đa số các môn còn lại chỉ ở dạng wykład (3 ECTS).
(ECTS = European Credit Transfer and Accumulation System: Hệ thống tích lũy và chuyển đổi tín chỉ châu Âu)
Office hours là khoảng thời gian bạn có thể đem thắc mắc về môn học tới thầy cô để giải quyết. Mỗi thầy cô có office hours khác nhau và trung bình nó kéo dài 1 tiếng/mỗi tuần.
Ngành (field of studies) và chuyên ngành (specialization)
Trường có 4 ngành đào tạo bằng tiếng Anh hệ Đại học bao gồm: (1) Global Business, Finance and Governance, (2) International Economics, (3) Management, (4) Quantitative Methods in Economics and Information Systems.
Mình học ngành đầu tiên, Global Business, Finance and Governance. Ngành này thực tế mình thấy có khá nhiều môn hay và thực sự hữu ích,; và cũng không ít môn khá lan man và mang tính vĩ mô cao. Đối với một người xác định đi học để đi làm thì mình chấm 7/10. Ngoài những môn cơ bản mà ngành nào cũng phải học, thì những môn thuộc ngành này nghiên cứu về sự quốc tế hóa của một công ty: how a firm goes international, its global competitiveness.
Ngành của mình có 4 chuyên ngành đó là: (1) International Finance, (2) International Business, (3) Global Development and Governance, (4) European Economic Integration Towards Global Challenges.
Mình chọn chuyên ngành (1) International Finance. Chuyên ngành này bạn sẽ được học rất nhiều về finance: tính toán các chỉ số tài chính, học cách đọc báo cáo tài chính, tìm hiểu về thị trường và dòng tiền (có một môn rất hay đó là Capital market, trong đó thầy mình có đề cập tới investment funds, một mảng đang lên rất nhanh ở Ba Lan), học một chút về kiểm toán, một chút investment banking, etc.
Khóa luận tốt nghiệp
Khóa luận chiếm 10 ECTS và bạn sẽ được chọn giáo viên hướng dẫn, tùy vào topic khóa luận của bạn.
Kinh nghiệm của mình là trong thời gian 5 kỳ học môn nào bạn cảm thấy yêu thích và có cái để viết về chủ đề của môn học đó, hãy chủ động giữ liên hệ với giảng viên để đền kì cuối xin hướng dẫn. Các thầy cô đều rất nhiệt tình giúp đỡ và nếu bạn luôn thể hiện sự chủ động trong nghiên cứu và deadlines đều đúng, thì sẽ dễ dàng được điểm tối đa.
Sau khi nộp khóa luận và tỉ lệ plagiarism (đạo văn) dưới mức cho phép thì Dean’s Office sẽ xếp lịch bảo vệ khóa luận cho bạn. Nói nhỏ đạo văn ở đây nghĩa là bạn sẽ cần vay-mượn nguồn thông tin nghiên cứu học thuật ở nhiều nơi để làm dẫn chứng cho bài luận riêng bạn. Chứ không phải đạo văn copy-paste rồi nộp đâu nhé!
Buổi bảo vệ luận án dưới hình thức vấn đáp kéo dài khoảng 20-30 phút. Năm 2020, mình đã bảo vệ online do dịch Covid19. Thầy cô hỏi 3 câu hỏi trong đó 2 câu liên quan tới ngành/chuyên ngành học và 1 câu liên quan đến khóa luận. Hãy chuẩn bị thật kĩ lưỡng để mọi thứ diễn ra suôn sẻ nhất.
Từ trải nghiệm cá nhân, mình cũng xin chia sẻ tất-tần-tật về điều TỐT VÀ XẤU của trường SGH ở bài viết dưới.
Ngoại ngữ
Trường yêu cầu sinh viên học 2 ngoại ngữ, mỗi lớp ngoại ngữ kéo dài 4 kỳ học (học song song từ kỳ 1 đến kỳ 4 của hệ đại học). Đối với sinh viên Ba Lan thì đa số chọn English và German; số ít chọn English và French, English và Italian, English và Spanish etc. Đối với sinh viên quốc tế như mình thì chọn English và Polish.
Chắc hẳn các bạn thắc mắc tại sao IELTS >= 6.0 đủ điều kiện nhập học mà vào học lại phải học thêm English đúng không? Nhưng đây là Business English, và tin mình đi nếu chọn được thầy cô dạy chuẩn và chăm học thì sau 4 học kì, bạn sẽ trau dồi được thêm rất nhiều vốn từ vựng mảng kinh tế. Khi đọc Financial Times hay The Economist thì bạn sẽ cắt nghĩa được hầu hết các thuật ngữ kinh tế từ khó đến rất khó. Tất nhiên lớp được chia theo level, những sinh viên like native speakers sẽ học ở trình độ khác với những sinh viên đâu đó B2. Rất đáng để theo học một cách nghiêm túc, chứ không phải học để qua môn. Thi hết môn ở cuối kì 4 cũng vô cùng thử thách.
Polish language thì sinh viên sẽ được xếp học từ level beginner (tất nhiên nếu bạn đủ tự tin và nghĩ mình có thể theo được lớp intermediate thì có thể đề xuất để xin chuyển), giáo viên dạy khá tốt. Sau 4 kỳ học, bạn sẽ thi level B1.
Trao đổi – Erasmus exchange
Sinh viên có quyền ứng tuyển đi trao đổi trong vòng từ 1 học kỳ đến 2 học kỳ (tối đa). Tối thiểu phải hoàn thành 60 ECTS tương đương 2 học kỳ trước khi đi trao đổi.
Mình đi trao đổi ở Anh vào kỳ 3 (kỳ thu 2018 khi mà nước Anh chưa rời EU) và quay lại trường học tiếp kỳ 4 và 2 kỳ sau (vừa đi exchange về thì nước Anh bị loại khỏi danh sách các nước nhận học bổng Erasmus).
Lưu ý: nếu muốn tốt nghiệp đúng hạn, thì sau khi đi exchange về bạn phải đăng ký học dồn nhiều môn lên. Tại sao mình chọn đi học trao đổi ở kỳ 3 mà không phải kỳ 4, 5, 6? Mình nghĩ đi càng sớm càng tốt, để khi về bạn có dư thời gian học hết các môn, giải quyết các vấn đề liên quan. Có bạn chọn đi kỳ 6, thì ở 5 kỳ trước phải học dồn hết tất cả các môn. Ở kỳ 6 đi trao đổi thì phải xin phép giáo viên hướng dẫn viết khóa luận từ xa. Cũng tùy vào bạn thích mùa đông hay mùa hè nữa, mình muốn đổi không khí Giáng sinh và đón năm mới ở một thành phố khác, xa Warsaw vài tháng. Giáng sinh của mình ở Edinburgh và giao thừa đón ở London đã rất tuyệt vời.
Vậy là sương sương một chiếc review chuyện học hành. Nếu có thắc mắc, đừng ngại ngần liên hệ mình tại đây (bạn sẽ thấy LinkedIn, Facebook và Email của mình).