Sau 3 năm học tập ở trường Warsaw School of Economics, mình xin review về trường một cách tỏ tường nhất, từ trải nghiệm cá nhân của mình. Tất tần tật về điều tốt và xấu của trường đều được “lột trần” ở bài viết 33 điều “hay ho” (hoặc chưa) về trường SGH này!
Lý lịch trích ngang
Mình là Daniel Doan. Mình đã theo học ngành Global Business, Finance and Governance tại Warsaw School of Economics (SGH). Niên khoá của mình là 2017 - 2020. Mình cũng có một website cá nhân với những bài viết chia sẻ về du lịch và trải nghiệm của mình ở Ba Lan và châu Âu. Mời bạn ghé thăm ngôi nhà của mình tại đây.
33 điều “hay ho” (hoặc chưa) về trường SGH
1. Ấn tượng đầu tiên về trường: Trường hơi “xấu” so với tưởng tượng của mình. Bên ngoài được sơn màu hồng nhưng bên trong lại khá tối, do được xây dựng từ rất lâu và nền gạch màu xám. Mọi thứ thì vuông vức không thấy miếng đường cong uốn lượn nào. Nhìn từ ngoài vào có cảm giác rất nhỏ, nhưng thực ra SGH lại có vô cùng nhiều phòng học và phòng làm việc. Trước cổng trường là bến metro, bến tram và bus; nên đi học vô cùng tiện lợi.
2. Trường đã bỏ ra 20 000 zl chỉ để thuê thiết kế đổi logo từ trái (logo cũ) sang phải (logo mới). Thiệt không muốn hiểu luôn á!
Có thể bạn chưa biết: SGH thuộc top trường ĐH kinh tế của Ba Lan. Nếu bạn đang cân nhắc chọn ngôi trường này để học tập thì hãy ghé đọc tất tần tật review về trường SGH ở bên dưới
3. Đây là buổi học đầu tiên của mình ở trường – tháng 10/2017, môn Microeconomics I. Cô dạy môn này cũng là một trong những giáo viên đỉnh nhất mình từng được theo học.
4. Club’s Day ở sảnh nhà G – tòa nhà chính lớn nhất của trường. Rất nhiều những SKN (Studenckie Koła Naukowe – tạm dịch là câu lạc bộ khoa học sinh viên) với bàn trực để tuyển thành viên. Ban đầu mình cũng định apply cho vài câu lạc bộ (CLB), nhưng phần vì đã có 1 năm hoạt động trong CLB hồi còn học ở Việt Nam, phần vì muốn ưu tiên và tập trung tuyệt đối cho việc học ở đây (vì trượt một môn thôi là trễ học bổng) nên lại thôi. Sau này khi apply đi trao đổi, mình mới biết việc tham gia CLB sinh viên cũng chiếm tới 20% tổng điểm để chọi với các bạn khác.
5. Quang cảnh một buổi hòa nhạc của trường. Các bạn này không biết đến từ SKN nào mà hát hay thế. Mọi người có thể xem thêm video ở đây.
6. Vẫn là sảnh nhà G, nơi cứ khoảng vài tuần các công ty lớn sẽ về tuyển dụng. Thi thoảng sẽ được vài món đồ lưu niệm như túi vải từ Samsung, bút, sổ, USB từ big4 kiểm toán,… Và hay hơn là sẽ được chụp ảnh CV lấy ngay tại chỗ, tất nhiên là miễn phí.
7. Quán quân Masterchef Poland 2018 là một bạn người Ba Lan gốc Việt, tên là Nguyễn Hoàng Minh Tâm (Ola Nguyen); và cũng là sinh viên trường mình.
8. Khi đi học mà ngồi trước bạn là một nàng tóc dài, hất tóc một cái thì nó sẽ như thế này.
9. Thư viện trường chỉ mở từ 8h30 sáng đến 20h tối, không mở 24h nên thi thoảng đang ngồi học hoặc ôn thi thì bị đuổi về. Sàn thư viện làm hoàn toàn bằng gỗ nên ai đi giày cao gót hoặc đế cứng là nó sẽ kêu cộp cộp cộp. Nhưng trong sesja (kì thi hết môn) thì thư viện mở từ 8h sáng đến 5h sáng hôm sau (21 tiếng). Mùa đông thư viện có chăn cho sinh viên để thêm ấm áp.
10. Vẫn là thư viện. Vào mùa thi là y như rằng sinh viên ngồi chật kín, còn phải xếp hàng để đợi có chỗ mà ngồi học. Giá như trường có thể tu sửa lại thư viện để có nhiều chỗ ngồi học hơn cho sinh viên. Nhìn sang thư viện của University of Warsaw mà ghen tị.
11. Có những ngày, học nhóm chán nản quá thì cả lũ sẽ bật nhạc MJ lên. Rồi nhảy nhót điên cuồng trong lớp như thế này.
12. Nhà G có một thùng táo miễn phí và được lấp đầy mỗi thứ Hai đầu tuần. Trong ảnh là một con bạn “đỗ nghèo khỉ” đang cố gắng vơ vét bằng cách nhét táo vào bất cứ chỗ nào có thể nhét được.
13. Môn học mà bản thân tâm huyết nhiều nhất là Business English, học suốt 4 kì và chiếm 11 ECTS. Vì cô dạy rất hay, lũ bạn học cùng thì toàn đỉnh của chóp. Mình đã học được nhiều từ mới, độ khó rất cao mà may mắn đến bây giờ vẫn nhớ được kha khá và vận dụng được vào trong công việc.
14. Môn học mình ghét nhất là International Economics, thuần túy lý thuyết kinh tế nên nhàm chán vô cùng. Thầy thì cao tuổi nên giọng trầm, nói chậm, giảng bài thiếu điều muốn mua cái đệm nằm ngủ luôn ở giảng đường.
15. Môn học nhạt nhẽo nhất là môn thể dục ở học kì II, môn Nordic Walking. Cầm hai cái gậy đi bộ rồi … đi bộ rồng rắn nhau quanh cái công viên Pole Mokotowskie.
16. Món ăn sáng ưa thích trong trường là scrambled eggs ăn với salad và bánh mì quết bơ. 10zl/đĩa hợp túi tiền.
17. Món ăn chán nhất, ăn đúng một lần rồi thôi, là món gạo luộc ăn với gà chiên nguyên miếng và rau bắp cải tím trộn sốt. Gạo luộc ăn sượng trân, miếng gà không thể khô hơn, không ăn nhập gì với món còn lại. 22zl khóc thét.
18. Rất nhiều môn học có yêu cầu làm việc theo nhóm và sinh viên bản địa thường tụ lại với nhau, sinh viên quốc tế cũng vậy (vì trường quá nhiều sinh viên quốc tế); nên không có nhiều lắm những nhóm mà vừa Ba Lan vừa ngoại quốc. Nhưng mình thì chẳng giống ai, cứ thấy nhóm Ba Lan nào mà đang thiếu người là y rằng sẽ nhảy vào. Vì mình biết sức học của các bạn Ba Lan trong trường này rất cao, nên sẽ khó xảy ra tình trạng ai đó phải gánh team. Nói thế không có nghĩa các bạn sinh viên quốc tế khác học kém hơn, chủ yếu là ý thức thôi, nhưng đúng là có những bạn sinh viên trao đổi đến học với tinh thần vui chơi là chính. Trải nghiệm của mình là ở môn International Trade Law. Sau khi phân nhóm xong xuôi, cả bọn gặp và chia việc, đến gần hôm thuyết trình cũng là buổi học cuối, thì bạn sinh viên trao đổi từ Tây Ban Nha nhắn group xin lỗi lươn lẹo không thể xuất hiện vì đang du lịch ở Zakopane. Ủa? Lạ ghê hông, rồi phần việc bạn cũng chưa làm. Kết quả cả nhóm lại phải gánh phần của bạn, thuyết trình thiếu người, sau cùng gửi peers review cho thầy, rate bạn siêu thấp vì bạn xứng đáng.
19. Điểm trừ của trường là không có bộ phận International Students Support nên các vấn đề như tìm nhà, visa/thẻ cư trú, … Thì không có một ai hỗ trợ, khá là bất tiện với sinh viên mới nhập học.
20. Điểm cộng của trường là có những buổi tư vấn tâm lý miễn phí cho sinh viên; đặc biệt trong giai đoạn ôn thi, bởi có những bạn bị căng thẳng và stress vì học hành cực lực.
21. Hệ thống in ấn rất tốt, chỉ cần cầm thẻ sinh viên đi in dạo self-service quanh trường.
22. Job and Internship Offers từ trường cũng khá đa dạng, cập nhật dưới dạng newsletter cho sinh viên nào có nhu cầu thì tự đăng kí trên website. Nhưng đa phần mấy công việc ấy yêu cầu phải biết tiếng Ba Lan ở mức cao/like native speakers, nên không có lợi cho sinh viên quốc tế.
23. Dean’s Office hầu như không bao giờ nghe điện thoại mặc dù có đổ chuông.
24. Cái này mình thấy điểm chung của các trường ở Ba Lan, đó là các môn học bị xé nhỏ thành 2-3 ECTS/môn và thi thoảng bị lặp lại. Ví dụ, hai môn mình học là Multinational Firms in the World Economy và Internationalization of the Firm, chả khác gì nhau. Thay vì xé nhỏ thì có thể gộp 2 môn này thành 1 và dạy sâu hơn mà nhỉ?!
25. Môn xác-chết-thống-kê là môn học mà sinh viên bản địa và cả sinh viên quốc tế: trượt nhiều nhất. Mà trượt môn, học lại thì dù bản địa hay quốc tế cũng phải nộp tiền cho trường. Nên bọn sinh viên hay bảo môn này được coi là “nguồn thu” của trường, và thầy cô dạy môn này chẳng khác gì The Phantom of the Opera.
26. Bọn mình phát hiện ra cô dạy Macro II và thầy dạy Micro II là vợ chồng, nên trong lớp suốt ngày trêu thầy xin thầy cho về sớm vì vợ thầy đang đợi ở bãi đỗ xe kia kìa.
27. Trong trường có kỷ niệm chương của Đại học Bách khoa Thành Phố Hồ Chí Minh. Vì có hợp tác song phương nên hàng năm có vài bạn sinh viên của trường này sang SGH để trao đổi.
28. Giáo viên ghê gớm nhất mà mình từng được học ở trường là cô dạy môn European Integration. Sinh viên đi muộn mà mở cửa vào lớp, gây ngắt mạch giảng bài của cô là sẽ bị ghim; đồng thời sẽ được hỏi mấy câu khó trong lúc học. Môn của cô phải thuyết trình cá nhân, ai mà thuyết trình không tử tế sẽ bị cô tế ngay tại chỗ. Mình từng chứng kiến 2 bạn sinh viên trao đổi, một từ Sing, một từ Hongkong (chưa học về EU bao giờ) phải mướt mồ hôi vì giải thích cho cô từng tí một trong mỗi slide, chỗ nào dẫn chứng mà không biện luận được thì cô sẽ bắt đầu cho lên thớt.
29. Toán cao cấp là môn duy nhất mình học bằng tiếng Ba Lan, mấy môn còn lại đều học bằng tiếng Anh. Có lần xung phong giải tích phân bằng phương pháp đặt ẩn phụ như được dạy hồi cấp 3 ở VN, giải xong ra đáp án đúng, cô bắt giải thích nhưng không giải thích được vì năm nhất tiếng Ba Lan còn kém (đến bây giờ vẫn kém). Xong cả lớp nhìn mình như một thằng Asian nerd.
30. Có một bạn học chung môn Foreign Expansion Project, lúc học sắp hết môn, biết mình là người Việt; nên bạn khoe là hè này sẽ đi tình nguyện ở Việt Nam. Nhưng không biết thế nào mà bạn ấy bảo sợ bị nhện độc ở Việt Nam cắn chết. Mình tưởng bạn lên rừng làm mương làm rẫy, hay chèo đèo lội suối gì, thì bạn ý bảo sẽ dạy tiếng Anh ở Hà Nội. Ba chấm, không biết nói gì thêm.
31. Có hôm đang ngồi học tự nhiên một bạn bên cạnh hỏi mấy giờ rồi, xong bạn lân la hỏi chuyện, giới thiệu là sinh viên trao đổi từ Pháp. Bố mẹ người Pháp nhưng bà ngoại bạn là người VN, bạn ít về VN nhưng lần nào về cũng thích đi Hạ Long, xong bạn bắt xem video bạn đánh piano và vì máy điện thoại bạn sắp hết pin nên bạn airdrop video sang máy mình để xem tiếp??!!! Giờ trong máy vẫn còn video. Đời sinh viên thú vị nhỉ?!
32. Đây là buổi concert Giáng sinh (Świąteczny Koncert SGH) do các bạn sinh viên trường tổ chức. Hát live hay, xỉu up xỉu down. Cuối buổi còn bắn pháo bông lấp lánh ánh sao đêm.
33. Mình đã rất mong chờ đến ngày được mặc áo cử nhân tốt nghiệp cười nói xôn xao với đám bạn. Do covid, nên 2020 là năm đầu tiên trong lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển, trường tổ chức lễ tốt nghiệp online và nó nhạt nhẽo như thế nào thì các bạn cũng biết rồi đấy!
Trên đây là những câu chuyện vô thưởng vô phạt về trường mình, cảm ơn bạn vì đã đọc và chúc bạn có một ngày tốt lành!
Bài viết gốc tại đây.