Phúng dụ là một khái niệm có quy mô lớn hơn nghệ thuật ẩn dụ, nhằm hình tượng hoá một khái niệm nào đó. Việc sử dụng nhân vật phúng dụ không còn xa lạ trong các nền văn hóa trên thế giới. Ví dụ, trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, hình tượng con cò thường được dùng để nói về những số phận người nông dân hoặc phụ nữ Việt Nam xưa. Ở Ba Lan, người ta cũng dùng một hình ảnh phúng dụ để hình tượng hóa đất nước, con người, văn hóa và lịch sử nơi đây. Đó là người phụ nữ (đôi khi là nữ thần) Polonia.
Polonia (1918), Jacek Malczewski. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Lần đầu tiên hình tượng Polonia xuất hiện được cho là từ thế kỷ 16 qua một họa phẩm mang tên Zwierzyniec (1562) của tác giả Mikołaj Rej. Khối Thịnh vượng chung Ba Lan – Lithuania được hình tượng hóa thành một người mẹ đang khóc than cho hoàn cảnh của mình – ám chỉ Ba Lan khi đó là thể chế cộng hòa những lại đi ngược lại những lợi ích tư nhân chính đáng. Chỉ sau đó 2 năm, qua trang bìa tác phẩm Quincunx của Stanisław Orzechowski, Polonia đã thực sự trở thành một nữ thần phúng dụ cho đất nước Ba Lan. Bà đứng ở vị trí trung tâm, trên vai của Giáo hoàng Pius IV và vua Sigismund II Augustus. Điều này thể hiện một quan điểm vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay: Ba Lan được xây dựng trên nền tảng là sự hòa hợp giữa tôn giáo và nhà nước.
Quincunx (1564), Stanisław Orzechowski. (Ảnh: Zbigniew Jacniacki)
Trong thời kỳ phong kiến, biểu tượng của Ba Lan thường là đại bàng trắng, những vị vua hoặc Công tước. Tuy nhiên, một số những tư liệu khác lại chọn nữ thần Polonia đại diện cho đất nước này. Trong cuốn sách cùng tên xuất bản từ thế kỷ 17 của Simon Starowolski, Polonia được khắc họa với một chiếc mũ trong tay biểu tượng cho tự do. Một tác phẩm khác cùng thời kỳ này là tranh minh họa Orbis Polonus với hình ảnh Polonia vương giả ở trung tâm. Đứng quanh bà là giới quý tộc Ba Lan và ở phía trên là đại bàng trắng – biểu tượng muôn thuở của quốc gia.
Orbis Polonus, Szymon Okolski. (Ảnh: Blogspot)
Trái lại với hình ảnh Polonia uy nghi thường thấy, người phụ nữ này đã từng có lần bị khắc họa một cách không mấy đẹp đẽ bởi ngoại bang. Trong tác phẩm Hành trình đến Siberie (1768) của Jean Chappe d'Auteroche có một bức hình minh họa của Jean Baptiste Tilliard mang tiêu đề Pháp, Nga và Ba. Điều khiếm nhã ở đây là trong khi Nga và Pháp được khắc họa một cách văn minh, quý phải thì Ba Lan lại bị khoác lên mình một bộ da gấu xù xì, tay cầm rìu trông khá man rợ. Nhiều người cho rằng tranh minh họa này ngầm biểu thị thái độ chính trị tiêu cực của tác giả về quan hệ với các quốc gia láng giềng (bao gồm Ba Lan) thời bấy giờ.
La France et L’Empire, la Pologne et la Russie, Jean Baptiste Tilliard. (Ảnh: Wolff Europe)
Thời kỳ Ba Lan bị phân chia vào cuối thế kỷ 18 đã mang lại một sự thay đổi lớn về cách hiện thân của nữ thần Polonia. Sự sụp đổ của Ba Lan với tư cách là một quốc gia độc lập dẫn đến sự biến mất của cả đất nước và tên của Ba Lan khỏi bản đồ thế giới trong hơn một thế kỷ. Bối cảnh bi đát này đã dẫn đến những kiểu ám chỉ mới trong nghệ thuật: lăng mộ chôn vùi Tổ quốc Ba Lan. Tác phẩm đầu tiên sử dụng biện pháp này là tranh vẽ Nấm mồ Tổ quốc (1794) của Michał Stachowicz. Trong tranh, có một nhân vật ra sức ngăn chặn việc chôn sống nữ thần Polonia, đó chính là vị anh hùng dân tộc Tadeusz Kościuszko. Suốt khoảng thời gian tiếp theo trong thời kỳ chia cắt, nấm mồ chôn Polonia đã trở thành một mô-típ phổ biến trong nghệ thuật.
Grób Ojczyzny (1794), Michał Stachowicz. (Ảnh: Historia Poszukaj)
Một lối khắc họa Polonia cũng phổ biến không kém là tình cảnh nữ thần bị trói buộc. Tác phẩm tiêu biểu cho cách minh họa này là tranh Polonia bị xiềng xích của Franciszek Smuglewicz vẽ cuối thế kỷ 18 với hình tượng Polonia mặc bộ đồ trắng. Một lần nữa hình tượng anh hùng Tadeusz Kościuszko lại được đặt ở trung tâm, phục dưới chân Polonia. Trong một bức vẽ nổi tiếng của Artur Grottger từ năm 1863, Polonia mặc một chiếc váy dạ hội màu đen với mũ trùm kín mặt và bị gông cùm sau sự thất bại Cuộc nổi dậy tháng Giêng. Một đỉnh cao nghệ thuật phải kể đến bức họa sử thi của Jan Styka có tên Polonia, Hiến pháp ngày 3 tháng 5 năm 1791 được trưng bày lần đầu tiên tại Lviv vào năm 1891. Bức họa khổng lồ cho thấy Polonia bị trói vào một tảng đá ở hậu cảnh, trong khi phía trước, một nhóm người quần tụ với hy vọng giải cứu Polonia cùng những người vô tội khác. Ngoài ý nghĩa biểu trưng cho các cố gắng giải phóng dân tộc, mô-típ này còn thể hiện những ý thức sơ khai về giải phóng phụ nữ.
Polonia, Konstytucja 3 Maja 1791 (1891), Jan Styka (Ảnh: Halat)
Cũng trong thế kỷ 19, có một lối khắc họa Polonia vô cùng đặc biệt: đan xen tôn giáo với quốc gia, nói cách khác là tôn giáo hóa nữ thần Polonia, tạo lập mối liên hệ giữa Polonia với Chúa và Đức Mẹ. Trên một số tấm bưu thiếp cổ, Polonia thế thân cho Chúa khi bị đóng đinh trong khi Chúa và Đức Mẹ ở dưới cây thập tự giá. Ngoài ra, trong một số họa phẩm khác, Polonia còn 'hóa thân' thành Đức Mẹ. Điều này kéo theo 2 luồng ý kiến trái chiều. Một bên ủng hộ do vấn đề kiểm duyệt tôn giáo chủ chương bởi những phe phái chính trị. Sử dụng hình tượng Polonia dễ được chấp nhận hơn là mang một nhân vật biểu tượng tôn giáo vào tác phẩm. Nhưng cũng có không ít người cho rằng cách làm này là một sự 'ô nhiễm, pha tạp tôn giáo' không thể chấp nhận.
Hình tượng Polonia được tôn giáo hóa. (Ảnh: Culture)
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là thời kỳ sau cùng mà hình tượng Polonia còn phổ biến trong nghệ thuật. Danh họa Jacek Malczewski (1854-1929) vốn nổi tiếng với loạt tranh kết hợp giữa hiện thực và thần thoại. Do vậy, không có gì lạ khi Polonia cũng từng là nguồn cảm hứng sáng tác của ông. Họa phẩm nổi bật nhất của ông thuộc chủ đề này khắc họa Polonia đội vương miện và mang bên mình một chiếc áo choàng quân đội (ảnh đầu trang). Lần cuối Polonia còn tầm ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật Ba Lan là khi cuộc chiến tranh giữa Ba Lan và Xô-viết (1919-1921) đi đến hồi kết. Vào thế kỷ 20, Polonia có trở lại một thời gian ngắn ở thời kỳ Thiết quân luật (1981-1983) trong các họa phẩm của Leszek Sobocki và Edward Dwurnik. Lần xuất hiện đáng chú ý gần đây nhất của Polonia là vào năm 1998 trong bức tranh Polonia thần thánh của Franciszek Starowieyski. Sau mốc thời gian này, hình tượng Polonia xuất hiện với tần suất ít hơn, nhưng vẫn trường tồn cùng dân tộc, văn hóa và lịch sử và Ba Lan.
Có thể bạn cần!