Chính thức gia nhập Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2004, kinh tế-xã hội Ba Lan đã chứng kiến những bước tăng trưởng thần tốc, biến quốc gia này thành một trong những miền đất hứa về cơ hội giáo dục, việc làm, kinh doanh và đầu tư. Từ những lợi ích 'mắt thấy tai nghe' mà EU mang lại, chẳng có gì khó hiểu khi người Ba Lan là những công dân ủng hộ Liên minh một cách nồng nhiệt nhất. Tuy nhiên, việc đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý (PiS) làm lung lay tư cách thành viên của Ba Lan trong Liên minh là một điều đã âm ỉ từ khá lâu trong bức tranh chính trị của quốc gia này. Đã nhiều lần những quan điểm chính trị 'trái khoáy' của PiS khiến giới quan sát nhìn ra sự lệch pha của Ba Lan trong khối. Mặc cho đông đảo người dân Ba Lan thiết tha ở lại EU, PiS và tòa án tối cao vẫn thường xuyên làm lung lay vị thế của quốc gia, thậm chí khơi mào lên những nghi hoặc về nền tảng pháp lý của khối EU.
Nhiều người Ba Lan muốn đổi PiS lấy một chỗ đứng vững chắc của quốc gia trong khối EU. (Nguồn: Upcoming World News)
Mới đây nhất, sự kiện Tòa án Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan tuyên bố rằng có những điều khoản trong luật pháp EU không phù hợp với luật pháp Ba Lan đã khiến cho làn sóng bất bình trong lòng công chúng trong nước lẫn quốc tế dâng cao. Dẫu cho Thủ tướng Mateusz Morawiecki đã phải đăng đàn trấn an dư luận rằng Polexit (Ba Lan rời EU) là tin giả, người dân Ba Lan vẫn chưa có đủ cơ sở để an tâm khi bị o ép bởi nguy cơ đến từ cả 2 phía: EU và đảng PiS. Một mặt, giới quan sát nhận định rằng lãnh tụ đảng là Jarosław Kaczyński (vốn khét tiếng với lập trường chính trị bảo thủ) không mặn mà với EU. Mặt khác, chính EU cũng đã có những tuyên bố đanh thép đáp trả Ba Lan (dưới thời PiS), làm dấy lên những lo ngại về việc quốc gia này có thể sẽ bị mời rời khỏi liên minh thay vì chủ động chấm dứt tư cách thành viên.
Thủ tướng Mateusz Morawiecki đăng đàn trấn an dư luận. (Nguồn: Facebook)
Tất nhiên, đại đa số người dân Ba Lan kiên quyết ở lại Liên minh châu Âu. Chúng ta cũng có quyền hy vọng vào những sự khởi sắc trên đấu trường chính trị Ba Lan. Tuy nhiên, trong bài viết này, ta hãy thử nhìn vào tình huống xấu nhất! Nếu Ba Lan thực sự bị đề nghị rời khỏi EU, sau khi quá trình đàm phán kết thúc, những viễn cảnh u ám nào sẽ chực chờ để bao phủ lấy quốc gia này?
Kinh tế lao dốc
Những nguy cơ đe dọa kinh tế-xã hội đủ khiến Ba Lan phải nghĩ lại trước khi rời EU. (Nguồn: Voxeurop)
Rõ ràng, những hậu quả về kinh tế sẽ không thể tránh khỏi. Kể từ khi gia nhập EU, Ba Lan đã trở thành một nền kinh tế năng động, là một trong những công xưởng của Liên minh. Cùng với đó, kinh tế Ba Lan cũng phụ thuộc rất lớn vào EU. Năm 2018, EU chiếm đến 80% thị trường xuất khẩu và gần 60% thị trường nhập khẩu của Ba Lan. Các quỹ đầu tư 'siêu to khổng lồ' từ EU và các quốc gia thành viên khác (đặc biệt là Đức) đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện mức sống của người Ba Lan. Nhiều người nhận định rằng, như cách Brexit đẩy các nhà đầu tư khỏi Anh, thì Polexit cũng sẽ khiến Ba Lan rơi vào tình trạng 'đói vốn'. Tuy nhiên, khác với Anh (một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới), việc phải rời Liên minh châu Âu sẽ đẩy kinh tế Ba Lan vào tình cảnh cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là thảm họa.
Xã hội bất ổn, người dân bất mãn
Làn sóng biểu tình quy tụ 100,000 người ở thủ đô Warszawa. (Nguồn: Newsweek)
Các cuộc điều tra từ trước tới nay đều cho thấy công chúng Ba Lan là những người mong muốn đất nước mình ở lại Liên minh châu Âu nhất. Theo kết quả thăm dò gần đây của CBOS, có đến 89% người dân Ba Lan phản đối việc rời EU, trong khi chỉ có 7% ủng hộ việc 'dứt áo ra đi'. Số người Ba Lan ủng hộ EU không chỉ cao nhất trong toàn khối mà còn có chiều hướng tăng theo thời gian, khi so với năm 2019 (84%). Việc bị mất tư cách thành viên trong khối sẽ thổi bùng lên làn sóng phẫn nộ giáng thẳng lên đảng đương quyền PiS. Mới chỉ dừng lại ở mức lo ngại nhưng 100,000 người biểu tình đã đổ bộ về thủ đô Warszawa để bày tỏ thái độ chính trị. Làn sóng biểu tình cũng được ghi nhận tại khoảng 100 thành phố và thị trấn khác trên toàn đất nước. Các biểu ngữ, tranh vẽ, tiếng hô giận dữ của đám đông không khác gì những cú tát thẳng vào chính quyền đảng Pháp luật và Công lý. Nếu để Polexit thực sự xảy ra, đảng này có thể sẽ phải gánh chịu cơn thịnh nộ rất khó nói trước hậu quả từ người dân Ba Lan.
Bản thân Thủ tướng Morawiecki cùng đảng PiS chắc chắn ý thức được rằng người dân Ba Lan ủng hộ EU và sẽ kiên quyết không rời khỏi EU. (Nguồn: Money.pl)
Rõ ràng, người Ba Lan có những lý do trực tiếp ảnh hưởng lên cuộc sống của họ để lo sợ viễn cảnh phải rời Liên minh châu Âu. Một trong số đó là việc xuất ngoại với mục đích học tập và lao động. Số dân Ba Lan du học và làm việc ở các quốc gia thành viên EU khác là không hề nhỏ. Tuy nhiên Polexit có thể sẽ khiến cuộc sống của người Ba Lan ở nước ngoài khó khăn hơn rất nhiều khi giấy tờ trở nên phiền nhiễu và bằng cấp có thể không được công nhận. Mọi ưu đãi như một thành viên EU có nguy cơ bị tước bỏ hoàn toàn, và vị thế của người Ba Lan trên trường quốc tế sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Chưa kể, các hậu quả về kinh tế cũng sẽ khiến tình trạng lạm phát trở nên rất khó kiểm soát, đẩy vật giá leo thang, tỷ lệ nghịch toàn diện với mức sống của người dân. Ngoài ra, việc không còn áp dụng các điều luật xanh của EU có thể khiến công tác bảo vệ môi trường ở Ba Lan bị nơi lỏng, dần dần ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người dân nơi đây.
Rơi vào tầm ngắm của các thế lực thù địch
EU đủ sức là thế lực 'chống lưng' cho Ba Lan trước những sóng gió chính trường quốc tế. (Nguồn: Entrio.pl)
Với lợi thế địa chính trị sẵn có, Ba Lan là một trong những cầu nối Đông-Tây quan trọng của thế giới. Tuy vậy, 'miếng bánh trời cho' này cũng không ít lần khiến Ba Lan khốn đốn khi bị các thế lực bên ngoài nhòm ngó, can thiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh Liên bang Nga ngày càng hung hăng, Ba Lan nếu không có EU hậu thuẫn sẽ rất khó để đối phó với 'gã hàng xóm to lớn và nhiều duyên nợ' từ phía Đông. Nhiều người có thể sẽ chất vấn đến quan hệ đồng minh giữa Ba Lan và Hoa Kỳ trong trường hợp này. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng hai phe cánh chính trị chủ chốt của xứ cờ hoa là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có các đường lối đối ngoại rất khác nhau. Do vậy, Ba Lan có lẽ sẽ cần sự 'chống lưng' của EU để đứng vững trên trường quốc tế hơn là trông sang tận bờ bên kia Đại Tây Dương.
Có thể bạn cần!