Ngoài Nicolaus Copernicus và Marie Curie, đất nước Ba Lan là quê hương của nhiều nhà khoa học lỗi lạc khác. Họ đã tận lực cống hiến bằng những công trình nghiên cứu và sáng chế quan trọng. Ta hãy cùng điểm qua một số công trình khoa học tiêu biểu của nhân loại. Và bạn sẽ khá bất ngờ khi biết hóa ra đó là những phát minh của Ba Lan!
Áo chống đạn
Những chiếc áo chống đạn đầu tiên đã được thử nghiệm từ thế kỷ 16. Nhưng phải đến thế kỷ 19, áo chống đạn mới được đưa vào ứng dụng nhờ công của hai người Ba Lan. Cha đẻ của những áo chống đạn là Każimierz Żegleń. Năm 1897, ông đã dùng chính bản thân làm thí nghiệm trong buổi biểu diễn trước công chúng. Żegleń nhờ trợ lý bắn thẳng vào mình từ cự ly rất gần mà vẫn bình an vô sự.
Màn trình diễn đã gây tiếng vang. Tuy nhiên, áo chống đạn của Żegleń có vài nhược điểm. Nó có giá khoảng 800USD, tương đương 25.000USD ngày nay. Quy trình dệt cũng rất phức tạp. Jan Szczepanik là người có công đưa phát minh của Ba Lan vào ứng dụng rộng rãi. Ông đã hợp tác với Żegleń tạo ra một dây chuyền sản xuất hàng loạt áo chống đạn. Nhờ vậy mà giá thành cho mỗi chiếc áo đã giảm xuống đáng kể.
Truyền hình màu bằng hệ kính
Vẫn là Jan Szczepanik, người được gọi là 'Edison của Ba Lan'. Hệ thống truyền hình nguyên thủy đã được ông phát minh vào năm 1898. Công trình bao gồm một hệ kính khuếch đại bằng điện, cho phép tái dựng hình ảnh từ xa.
Đây là một trong những bước ngoặt lịch sử của ngành viễn thông. Đáng kinh ngạc hơn nữa là phát minh của Szczepanik có thể truyền tải được cả màu sắc. Nói không ngoa, Szczepanik chính là 'ông tổ' của công nghệ truyền hình màu.
Tiếng Esperanto
Đây là một trong những phát minh của Ba Lan nổi tiếng nhất. Esperanto hay còn gọi là Quốc tế ngữ. Đây là ngôn ngữ do bác sĩ nhãn khoa Ludwik Lejzer Zamenhof sáng tạo. Esperato là sự tổng hòa của nhiều ngôn ngữ và rất dễ học. Phát minh của Ba Lan được kỳ vọng là ngôn ngữ chung giúp đoàn kết thế giới. Tuy nhiên, đến nay chỉ có khoảng 2 triệu người nói tiếng thứ tiếng này thành thạo.
Bộ đàm
Henryk Magnuski từng là một chuyên gia kỹ thuật tài năng trong quân đội Ba Lan. Năm 1939, ông được cử sang New York để nghiên cứu công nghệ vô tuyến của Mỹ.
Có thể bạn cần: Lớp tiếng Ba Lan giao tiếp & thi B1
Cùng năm 1939, Đức xâm lược Ba Lan nên Magnuski không thể quay về. Nhưng nhờ tài năng hiếm có, ông được Tập đoàn Galvin (tiền thân của Motorola) tiếp nhận. Magnuski dẫn đầu một nhóm kỹ sư phát triển mẫu bộ đàm nguyên thủy SCR-300.
Đèn dầu paraffin
Đèn dầu là một thiết bị chiếu sáng cực kỳ phổ biến trên thế giới. Những phiên bản đèn dầu đầu tiên xuất hiện từ đầu thế kỷ 19. Đến năm 1853, đèn dầu parrafin được Ignacy Łukasiewicz và Jan Zech hoàn thiện. Phát minh của Ba Lan vẫn còn thông dụng cho đến ngày nay.
Kẹp ghim đa năng
Dập ghim giữ giấy rất chắc chắn nhưng khá phiền phức khi tháo ra. Nhà soạn nhạc người Józef Hofmann đã nảy ra ý tưởng về ghim đa năng có thể tháo dễ dàng. Loại ghim này nhanh chóng trở nên phổ biến trên thế giới. Phát minh của Ba Lan vẫn một thứ văn phòng phẩm thiết yếu cho đến tận ngày nay. Một số người nói vui rằng khóa sol trên khuông nhạc là nguồn cảm hứng cho Hofmann tạo ra kẹp ghim đa năng.
Tăm bông hai đầu
Đây là món đồ siêu phổ biến. Tăm bông được phát minh bởi Leo Gerstenzg, đến từ Warszawa. Ngoài lau chùi hiệu quả những nơi hẹp, phát minh của Gerstenzg còn rất tiết kiệm. Tăm bông được bịt hai đầu nên sử dụng được nhiều lần hơn.
Có thể bạn cần: Dịch vụ giấy tờ định cư, quốc tịch Ba Lan
Thiết bị tín hiệu đường sắt
Jan Józef Baranowski là người Ba Lan nhưng có đóng góp lớn cho ngành đường sắt Pháp. Trong số đó, thành tựu lớn nhất của ông là thiết bị báo hiệu đường sắt tự động. Phát minh này ra đời vào năm 1857. Thiết bị của Baranowski cho phép một đoàn tàu báo hiệu cho bất kỳ tàu nào từ hướng khác cách xa 1,2 km. Phát minh của Baranowski đã giúp tránh được vô số tai nạn cho ngành đường sắt.
Máy kiểm phiếu
Tiếp tục là một phát minh cực kỳ hữu dụng nữa đến từ Baranowski. Nhận thấy sự khó khăn và áp lực của việc kiểm phiếu và giám sát kiểm phiếu, Baranowski đã nảy ra một sáng kiến tuyệt vời. Ông cho rằng sẽ tốt hơn nếu để máy thực hiện tất cả công việc. Ngoài máy kiểm phiếu, Baranowski còn được cấp bằng sáng chế cho đồng hồ đo xăng.
Tàu ngầm chạy bằng điện
Stefan Drzewiecki sinh năm 1844 trong một gia đình quý tộc Ba Lan. Ông từng làm việc trong hải quân Nga. Năm 1884, ông đã chế tạo ra tàu ngầm chạy bằng điện với tốc độ 4 hải lý/giờ. Dù rất chậm so với ngày nay, nhưng đó là một thành tựu lớn vào thời điểm đó.