Ở kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu một số nét tương đồng về văn hóa, ý thức hệ giữa Việt Nam và Ba Lan. Kỳ này, hãy cùng khám phá thêm đôi nét về đời sống xã hội và tinh thần của người Ba Lan, để xem họ và chúng ta “chí lớn gặp nhau” đến thế nào nhé!
5. “Camera” hàng xóm
Dạo một vòng trên các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp các bạn trẻ ở Việt Nam chia sẻ và ca thán các câu chuyện “thật mà như đùa” về những bà hàng xóm vốn được gọi đùa là thông tấn xã của tổ dân phố. Nhưng nếu bạn cho rằng ở phương Tây, bao gồm cả Ba Lan, người ta thường sống khép kín với hàng xóm, nhà nào biết nhà nấy, và sẽ chẳng bao giờ có những người hàng xóm thích “hóng drama” thì bạn đã lầm rồi!
“Camera an ninh ở Anh, Mỹ và…Ba Lan” (Nguồn: Local Life)
Nhìn chung, ở Ba Lan, cũng như phần lớn các quốc gia phương Tây, đúng là người ta tôn trọng cuộc sống riêng tư và tính cá nhân hơn các nước châu Á. Thế nhưng, người Ba Lan cũng thường thiết lập những mối quan hệ khá thân thiết với một số nhà “bên kia giậu mồng tơi”. Việc đôi vợ chồng quen biết sống cùng khu nhà cất lời chào và hỏi thăm bạn mỗi lần tình cờ gặp là điều hiển nhiên. Tôi đã từng khá ngạc nhiên khi đến chơi nhà một người bạn ở Mokotów. Có bác gái ở căn hộ đối diện thỉnh thoảng bấm chuông để…hỏi thăm tình hình và nấu đồ ăn mang sang chia cho hàng xóm.
Tuy vậy, việc những người hàng xóm Ba Lan đôi khi tò mò hoặc quan tâm quá mức cần thiết cũng gây ra một số phiền toái nhất định. Anh bạn tôi ở Kabaty và mẹ của anh ấy từng kể với tôi về một ông bác sống ngay gần đó. Bác trai nọ thường tức tốc chạy ngay ra để săm soi mỗi lần hai mẹ con mở cửa garage hoặc nhà kho. Nhưng anh bạn tôi và bà mẹ cũng chẳng vừa! Họ biết tường tận để kháo với tôi rằng bác trai kia nghiện ăn tỏi và còn lắp dễ đến cả chục cái then khóa sau cửa ra vào vì sợ trộm. Đúng là kẻ tám lạng, người nửa cân!
Bà hàng xóm - nỗi “ác mộng truyền thông” không chỉ ở Việt Nam. (Nguồn: Independent)
Chuyện “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” không những khá phổ biến ở Ba Lan mà còn xảy ra ở nhiều nước châu Âu khác như Nga, Ý, Scotland, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, ... Người ta còn ghi nhận rằng, thậm chí ở cả những nơi vốn đặt nặng sự riêng tư như Anh và Mỹ, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, mọi người phải ở trong nhà thường xuyên hơn và dần trở nên tò mò, thích thú hơn với việc hóng chuyện nhà hàng xóm. Đặc biệt hơn nữa, ở Mỹ, những người hàng xóm “nhiều chuyện” nhất lại là thanh niên trẻ từ 18 đến 34 tuổi. Thật ngạc nhiên phải không?
6. Văn hóa nhậu
Người Ba Lan thích nhậu và nổi tiếng với văn hóa nhậu. Theo thống kê của WHO, Ba Lan luôn giữ vững phong độ là một trong những quốc gia sử dụng rượu bia nhiều nhất thế giới. Tuy xếp vẫn sau những cái tên sừng sỏ như Pháp, Belarus, Nga, Lithuania hay Cộng hòa Séc về lượng đồ uống có cồn được tiêu thụ, người Ba Lan vẫn khét tiếng về tửu lượng vô hạn và niềm đam mê hơi men bất tận.
Ba Lan là đất nước của những dân nhậu thứ thiệt. (Nguồn: Careers in Poland)
Nếu như vodka thường được nhắc đến như thứ “nước thần” mang lại khí thế cho trai tráng nước Nga, thì người láng giềng Ba Lan cũng không chịu kém cạnh trong việc biến vodka thành một phần bản sắc dân tộc. Ngoài rượu vodka thì bia cũng là một thức uống ưa thích của người Ba Lan. Có thể nói rằng người dân ở đây được sinh ra với cái dạ dày tiến hóa vượt trước nhân loại để nốc cạn cái thứ men đăng đắng mà đã đời ấy. Nếu như các thanh niên Hà Nội tự hào với “bản lĩnh” rót đầy uống cạn những chiếc cốc thủy tinh xanh cỡ nhỡ, thì hãy khiêm tốn một chút để ngó sang xứ Đông Âu, nơi những cô gái mảnh khảnh, nom có vẻ đài các lại có thể ôm khư khư vại bia khổng lồ mà chỉ nhìn qua cũng phải rùng mình, lè lưỡi chào thua.
Người Ba Lan cũng có “ép rượu”, nhưng “ép” rất khéo và phải đảm bảo an toàn. (Nguồn: PL/CY)
Người Ba Lan uống mọi dịp có thể. Đi đám cưới, uống. Sinh nhật, uống. Đứng tiệc ngoài trời, uống. Gặp bạn bè, uống. Ở nhà một mình không có ai chơi, cũng uống. Bên bàn nhậu, họ không có thói quen ép rượu bia nhưng sẽ “động viên” bạn uống thêm với họ một chai để đưa đẩy, kéo dài câu chuyện phiếm đang nói dở. Nhưng đừng lo, họ chỉ nài bạn uống thêm vì quý mến mà thôi và họ phải biết chắc rằng bạn sẽ không tự lái xe trên đường trở về nhà.
Có thể bạn quan tâm!