Việt Nam và Ba Lan - hai quốc gia cách nhau một phần tư vòng trái đất, một văn hóa Á Đông, một văn hóa phương Tây, nhưng lại có những điểm giống nhau đến lạ kỳ.
1. Cha mẹ có nhiều ảnh hưởng lên con cái
Nhiều người thường nghĩ rằng ở các nước phương Tây, thanh niên đến 18 tuổi sẽ phải hoàn toàn tự chủ trong cuộc sống cá nhân và độc lập về tài chính. Điều này có thể đúng với một số quốc gia như Mỹ là ví dụ điển hình. Tuy nhiên, ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Ba Lan, các bậc cha mẹ vẫn hỗ trợ và có ảnh hưởng lớn ngay cả khi con cái đã trưởng thành.
Nhiều thanh niên Đông và Nam Âu, trong đó có Ba Lan, vẫn ở chung với bố mẹ. (Nguồn: Pew Research Center)
Theo tổng hợp của trang Pew Research Center năm 2014, Đông Âu và Nam Âu là hai khu vực có tỷ lệ người trưởng thành sống cùng cha mẹ cao nhất châu lục. Cụ thể, có đến hơn 60% thanh niên Ba Lan, Hungary, Ý, Hy Lạp trong độ tuổi 18-34 vẫn ở cùng bố mẹ. Tại Ba Lan, vai trò của các đấng sinh thành có thể còn lớn hơn, vì dù cho con ra ở riêng, nhiều người sẵn sàng chi tiền sắm nhà cửa cho con cái, thậm chí hỗ trợ con chi trả một số chi phí sinh hoạt hàng tháng!
Ngoài ra, theo quan sát, nhiều bậc phụ huynh Ba Lan rất có tiếng nói trong các mối quan hệ tình cảm cũng như định hướng học vấn và sự nghiệp của con. Tất nhiên, thanh niên Ba Lan hiện đại phần đông không mấy tự hào về điều này, trừ việc sợi dây gắn kết tình cảm gia đình, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái có phần khăng khít hơn.
2. Những quý bà, quý cô “giỏi việc nước, đảm việc nhà”
Nói đến phương Tây là nói đến phong trào nữ quyền mạnh mẽ. Theo thời gian, nữ giới châu Âu nói chung và ở Ba Lan nói riêng ngày càng thể hiện vai trò bình đẳng với phái nam. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu bạn thấy một quý bà Ba Lan điều khiển phương tiện công cộng như xe buýt hay xe điện với tay lái “lụa” nhiều khi còn hơn cả cánh mày râu, hoặc những cô giáo trẻ xinh đẹp đang say sưa giảng cho sinh viên những môn học vốn bị cho là “khó nhằn và khô khan” với phái nữ như công nghệ thông tin hay kỹ thuật. Tuy nhiên, họ không hẳn là những “bà đầm thép” thuần túy, mà thực sự là mẫu người phụ nữ của gia đình mà nhiều đấng mày râu phải ao ước.
Lái tàu, lái xe ư? Mấy chú dạt ra cho chị thể hiện! (Nguồn: wyborcza.pl)
So với mặt bằng chung của phương Tây, phụ nữ Ba Lan hướng về gia đình nhiều hơn. Theo Kariera w Finansach, năm 2020, chỉ có 63% nữ giới Ba Lan ở độ tuổi lao động ra ngoài làm việc, trong khi tỷ lệ chung cho nữ giới châu Âu là 68%. Cánh mày râu Ba Lan ngày nay cũng sẵn sàng chia sẻ việc nhà với vợ hơn trước, nhưng phụ nữ vẫn được coi là người quán xuyến “nữ công gia chánh”, là bàn tay chính chăm lo cho gia đình.
Phụ nữ Ba Lan năng động nhưng cũng rất đảm đang và luôn ưu tiên cho gia đình. (Nguồn: wyborcza.biz)
Phái đẹp Ba Lan còn có một điểm nữ tính khá giống với các cô nàng Việt Nam, đó là họ thường kín đáo trong suy nghĩ. Các cô gái Ba Lan không phải lúc nào cũng nói thẳng, nên các chàng trai phải tâm lý, ga-lăng và đoán được ý tứ của họ.
3. Truyền thống “kính lão đắc thọ”
Thật ngạc nhiên khi biết rằng cách mà thế hệ trẻ Ba Lan cư xử với người già khác hoàn toàn so với những gì mà nhiều người Á Đông vẫn nghĩ. Trên phim ảnh phương Tây, các cụ già thường được khắc họa với những năm tháng cuối đời buồn tẻ trong trại dưỡng lão. Thậm chí người ta còn ghi nhận ở Mỹ, có hiện tượng lớp trẻ, thậm chí là giới ngôi sao Hollywood thể hiện thái độ khiếm nhã với người già. Trái lại, ở Ba Lan, các bậc cao niên rất được coi trọng và được đối xử với sự kính cẩn, hòa nhã hết mực.
Người già rất được kính trọng ở Ba Lan. (Nguồn: KPP w Inowrocławiu)
Tại quốc gia Đông Âu này, rất dễ bắt gặp hình ảnh thanh niên trẻ nhường đường, nhường ghế trên phương tiện công cộng, mở và giữ cửa cho người già đi qua. Việc chăm sóc bố mẹ già tưởng như chỉ thấy ở các quốc gia châu Á thì lại tương đối phổ biến ở Ba Lan. Thậm chí, con cháu khi đã luống tuổi vẫn còn phụng dưỡng ông bà, cha mẹ già yếu không phải chuyện gì lạ ở đây.
Người già ở Ba Lan sống khá gần gũi với con cháu. (Nguồn: InterJob)
Có lẽ chính vì được cư xử một cách kính cẩn, người già Ba Lan cũng tôn trọng và thân thiện với lớp trẻ. Nhiều bạn du học sinh Việt Nam chia sẻ rằng, các cụ già ở đây rất thích bắt chuyện với họ bằng tiếng Ba Lan dù cho các bạn ấy có hiểu hay không.
4. Lễ “tảo mộ” của người Ba Lan
Ở Việt Nam, con cháu thường thăm viếng mộ phần cha mẹ, ông bà, tổ tiên vào dịp Tết Thanh minh nhằm tỏ lòng hiếu thảo và nhớ ơn những thế hệ đi trước. Tại đất nước Ba Lan, người ta cũng có hẳn một dịp lễ kép rất lớn gọi là Lễ Chư Thánh (Dzień Wszystkich Świętych) và Lễ Các Đẳng Linh Hồn (Zaduszki or Dzień Zaduszny) lần lượt rơi vào ngày 01/11 và 02/11 hàng năm. Đây là dịp rất quan trọng để người Ba Lan, nhất là các tín đồ Kitô giáo, bày tỏ lòng thành kính đến các vị Thánh và tưởng nhớ tổ tiên, những thành viên trong gia đình không may đã mất.
Các nghĩa trang ở Ba Lan lung linh nến và hoa trong hai ngày lễ thiêng liêng. (Nguồn: IMB)
Trong suốt dịp lễ, người Ba Lan mang theo tâm thế trang nghiêm, chăm sóc mộ phần của người thân. Họ lau dọn cẩn thận, long trọng bày hoa và nến đặt trên mộ như lời tri ân những người đã khuất. Đây quả là một truyền thống đẹp đẽ và đầy ý nghĩa, một lối “uống nước nhớ nguồn” rất Ba Lan!