Ma quái và rùng rợn là những cảm nhận đầu tiên về tranh của danh họa Ba Lan Beksiński. Ông là đại diện tiêu biểu của trường phái biểu hiện-siêu thực. Những hình hài mục ruỗng là chủ thể thường thấy trong tranh Beksiński. Khung cảnh hoang càng khiến tranh của ông thêm quỷ dị. Phong cách sáng tác của Zdzisław Beksiński có tầm ảnh hưởng lớn trong làng hội họa Ba Lan. Người ta còn đồn rằng nguyên nhân những cái chết thảm khốc của gia đình ông là do lời nguyền từ những bức tranh 'cõi âm' kia.
Bước chân vào con đường nghệ thuật
Zdzisław Beksiński sinh năm 1929 tại thị trấn Sanok, miền nam Ba Lan. Ông học ngành kiến trúc Đại học Công nghệ Kraków. Sau khi tốt nghiệp, Beksiński trở về quê hương Sanok để theo đuổi nghệ thuật. Không giới hạn ở nhiếp ảnh hay hội họa, Beksiński còn thử sức với điêu khắc và đồ họa. Ở lĩnh vực nào, ông cũng được giới chuyên môn đánh giá tích cực. Trong suốt sự nghiệp, nghệ sĩ Ba Lan đã gặt hái vô số thành công.
Những năm 1950s, khi làm nhiếp ảnh, Beksiński đã có xu hướng khai thác các chủ thể dị biệt. Năm 1957, ông cùng Lewczyński và Schlabs thành lập một nhóm nghệ sĩ hoạt động chung. Giai đoạn 1957-1959, nhóm giới thiệu các sản phẩm nhiếp ảnh đến với công chúng. Các buổi triển lãm ở Cologne và Gliwice đã gây nhiều sự chú ý.
Trong triển lãm, Gorset Sadysty của Beksiński đã gây tiếng vang. Cho đến nay, Gorset Sadysty vẫn là dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp nhiếp ảnh của ông. Theo giới phê bình, Beksiński có các tác phẩm ấn tượng nhất trong nhóm nghệ sĩ khi ấy.
Thăng hoa cùng cây cọ vẽ
Trăn trở vì những giới hạn của nhiếp ảnh, Beksiński chuyển sang dồn tâm huyết cho hội họa. Kể từ bước ngoặt này, tên tuổi của ông mới thực sự vụt sáng. Cuộc triển lãm ở Warszawa 1964 là thành công đầu tiên của Beksiński với tư cách họa sĩ. Các tác phẩm ma mị của ông đã được bán hết sạch. Ông trở thành gương mặt tiêu biểu cho nghệ thuật đương đại Ba Lan khi đó.
Năm 1967, Beksiński mất việc ở nhà máy xe bus. Nhưng ông không quá bận tâm về điều này. Lý do là vì các tác phẩm của ông liên tục xuất hiện tại nhiều triển lãm uy tín. Sự nghiệp của Beksiński ở đỉnh cao trong hơn hai thập niên từ cuối 1960s cho đến 1980s. Người có công lớn trong việc quảng bá tranh Beksiński là nhà buôn nghệ thuật Piort Dmochowski.
Các tác phẩm khi đó đã được giới thiệu rộng rãi. Tên tuổi Beksiński phủ sóng khắp thị trường nghệ thuật châu Âu. Ông cũng có người hâm mộ từ nhiều nước khác, nhất là Nhật Bản. Tuy vậy, các sáng tác của ông vấp phải sự phản đối từ chính quyền Xô Viết bấy giờ.
Bác bỏ giáo điều và suy diễn trong hội họa
Chủ đề vẽ của các tác phẩm của Beksiński thay đổi tùy theo thời kỳ. Nhưng chúng thường có chung yếu tố tàn bạo, ma quái. Beksiński tựa như đang khắc họa cõi âm gian huyền hoặc. Trả lời về phong cách nghệ thuật, Beksiński nói bản thân đi theo hướng baroque hoặc gothic. Ông cũng nói rằng mình không thích gò ép truyền tải thông điệp qua tranh.
Đối với Beksiński, nghệ thuật là nghệ thuật. Ông tin rằng mỗi tác phẩm phải tỏa sáng bằng vẻ đẹp của chính nó. Những thông điệp suy diễn không phù hợp với tranh của ông. Ông muốn khán giả quan sát, cảm nhận các họa phẩm thay vì cố gắng giải thích. Trong tranh Beksiński, suy diễn hình ảnh cây thánh giá thành biểu tượng tôn giáo là sai lầm.
Những khung cảnh hoang tàn
Yếu tố kiến trúc (ngành học của Beksiński) cũng được thể hiện rõ trong các họa phẩm. Ông khắc họa chủ thể mục ruỗng bằng các cấu trúc rất phức tạp và có chiều sâu. Bối cảnh những công trình đổ nát có điểm nhìn tối đa hóa trải nghiệm thị giác. Trong một bức tranh, chủ thể và hậu cảnh đều không bị gò bó. Trong tranh Beksiński, không yếu tố nào lấn át yếu tố nào.
Về màu sắc, Beksiński tận dụng triệt để gam màu trầm. Các màu nóng cũng không gây ra sự đối chọi về sắc độ. Thậm chí, các gam màu rực được ông sử dụng còn khiến cảnh trong tranh thêm phần cổ quái.
Những bức tranh mang lời nguyền?
Cuộc sống cá nhân của Beksiński lại không được suôn sẻ như sự nghiệp của ông. Thậm chí đời ông có phần sầu thảm. Năm 1998, vợ của họa sĩ qua đời. Chỉ một năm sau đó, đứa con trai yêu quý cũng tự sát. Nguyên nhân dẫn đến hành động này luônám ảnh tâm trí Beksiński.
Những tưởng tính cách hóm hỉnh có thể giúp người nghệ sĩ tài hoa tự vực dậy. Nhưng không! Năm 2005, dư luận Ba Lan rúng động trước tin Beksiński thiệt mạng vì 17 nhát dao oan nghiệt từ Robert Kupiec. Gã sát nhân 19 tuổi là con trai người giúp việc lâu năm của Beksiński. Nguyên nhân vụ thảm sát trong căn hộ ở Warszawa đã được hé lộ. Tất cả chỉ vì Beksiński đã không cho Kupiec mượn một số tiền nhỏ.
Kẻ thủ ác đã đền tội, nhưng hội họa Ba Lan vĩnh viễn mất đi một nghệ sĩ đại tài. Một cá tính nghệ thuật khác biệt đã rời xa những người yêu tranh của ông. Có không ít lời đồn thổi xung quanh cái chết của Beksiński và gia đình. Họ cho rằng những bức tranh 'cõi âm' kia đưa Beksiński lên đỉnh cao vinh quang. Nhưng cũng chính chúng đã vận vào Beksiński, khiến cuộc đời ông đầy thảm kịch. Nhân đây, mời quý độc giả của OH! Ba Lan chiêm ngưỡng thêm một số tác phẩm khác của Zdzisław Beksiński (từ nguồn ảnh WikiArt).
Mời bạn đọc thêm!
- Những lá thư của Vincent van Gogh (phần 1), (phần 2), (phần cuối)
- Thế giới nghệ thuật kỳ thú của Zdzisław Jurkiewicz
- Trò chuyện với hoạ sĩ Krzysztof Chrzanowski
- Nữ thần Polonia – hiện thân của Ba Lan trong hội họa