Loài ong và nghề nuôi ong từ lâu đã được coi như một hoạt động quan trọng, thậm chí là sống còn trong xã hội loài người, vì những lợi ích kinh tế và sinh thái mà loài côn trùng nhỏ xíu này mang lại. Cuối năm 2017, Liên Hợp Quốc chính thức khởi xướng ngày ong thế giới rơi vào dịp 20 tháng 5, bắt đầu từ năm 2018. Truyền thống mới mẻ này đã nhận được sự hưởng ứng từ rất nhiều quốc gia coi trọng nghề nuôi ong, trong đó có Ba Lan.
Ba Lan là một đất nước rất coi trọng nghề nuôi ong. (Nguồn: odkryjpomorze.pl)
Lược sử nghề nuôi ong ở Ba Lan
Từ xa xưa, những người sinh sống ở Ba Lan và miền Đông lãnh thổ nước Đức đã biết cách nuôi để khai thác lợi ích từ loài ong. Ban đầu, họ không đóng những chuồng nuôi lấy mật chuyên dụng như ngày nay, mà phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên. Sau những lần may mắn săn được tổ ong rừng đầy mật, người ta đã nghĩ ra cách khoét lỗ trên thân cây, rồi bỏ vào một mảnh tổ ong nhỏ để thu hút, sinh sôi thành đàn lớn. Khi đó, người nuôi cũng không thăm bầy ong thường xuyên. Họ chỉ làm điều này hai lần mỗi năm: một lần sau mùa đông để kiểm tra mức độ sống sót của đàn ong qua thời tiết khắc nghiệt, và lần còn lại vào mùa thu để lấy mật. Để tránh nhầm lẫn, các chủ nuôi thời xưa thường để lại dấu hiệu riêng trên cây chứa tổ ong của mình.
Làm việc với tổ ong hoang dã đòi hỏi các nghệ nhân Ba Lan phải có những kỹ năng, kinh nghiệm và sức kiên nhẫn đặc biệt. Thời xưa, những người nuôi ong được trọng vọng và nhận nhiều đặc ân từ luật pháp. Họ có quyền mang vũ khí, săn bắn và đánh cá tự do hơn những người khác. Họ thường truyền lại nghề cho con trai trong gia đình. Những khoản đãi đặc quyền đặc lợi, phương thức hành nghề và truyền nghề nuôi ong xưa kéo dài cho đến giữa thế kỷ 19 thì dần bị bãi bỏ theo sự suy tàn của chế độ nông nô.
Ở Ba Lan, mật ong luôn được coi là một sản vật rất quý giá. Cuối thế kỷ 18, lợi nhuận từ sáp và mật ong được định giá gấp 30 lần so với các sản phẩm gỗ. Thời xưa, mọi hành vi ăn trộm hoặc phá hoại đàn ong đều bị trừng trị theo những điều luật vô cùng hà khắc. Trong thời kỳ phong kiến, nhiều đàn ong nằm dưới quyền kiểm soát của giai cấp thống trị. Do vậy, những kẻ trộm mật ong từ các điền trang quý tộc có thể phải nhận kết cục trên giá t.r.e.o c.ổ. Thậm chí, nếu một người bị kết án g.i.ế.t h.ạ.i đàn ong, cho dù chúng có thuộc sở hữu của anh ta thì người này vẫn phải chịu những hình phạt cực kỳ tàn bạo.
Nghề nuôi ong xa xưa phần lớn bị kiểm soát bởi tầng lớp thống trị với những điều luật vô cùng hà khắc. (Nguồn: Weebly)
Lối nuôi ong lấy mật cổ xưa tồn tại trong thời gian khá dài trước khi dần bị thay thế bởi những phương pháp hiện đại từ thế kỷ 19. Có hai lý do chính dẫn đến sự mai một của phương pháp nuôi ong nguyên thủy. Sự phát triển nhanh của các ngành công nghiệp, trong đó có kiến trúc-xây dựng, đã kéo theo nhu cầu gỗ tăng cao. Trong khi các chủ nuôi ong thời xưa phải khoét thân cây, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng gỗ. Lý do còn lại là vì sự dồi dào của một nguồn cung cấp đường mới đến từ hoạt động trồng trọt, đặc biệt là từ củ cải. Do đó, người ta bắt đầu tiến hành xây chuồng nuôi nhân tạo trong vườn như phương pháp hiện đại.
"Vàng lỏng" xứ Ba Lan
Nghề nuôi ong ở Ba Lan phải được đăng ký theo pháp luật như một hoạt động nông nghiệp. Chuồng nuôi được đóng theo hình dáng những ngôi nhà gỗ xinh xắn và được sơn với đủ màu sắc, họa tiết vô cùng vui mắt. Đặc biệt hơn nữa, Ba Lan hiện là quốc gia duy nhất trong khối EU vẫn còn duy trì hoạt động khai thác các tổ ong hoang dã trong hốc cây song song với những phương pháp hiện đại. Ngày nay, hầu hết những chủ nuôi ong tập trung ở Małopolska, Lublin, Podkarpacka và Śląsk với quy mô đàn khá nhỏ. Tuy vậy, đây vẫn là một trong những ngành đóng góp lớn nhất vào tỷ trọng của nền kinh tế Ba Lan do giá trị kinh tế cao mà mật và sáp ong mang lại.
Chuồng nuôi ong ở Ba Lan chẳng khác nào những tác phẩm nghệ thuật. (Nguồn: blogspot.com)
Vào những năm 1980s, một căn bệnh gây ra bởi loài bọ có nguồn gốc từ châu Á đã càn quét sạch những con ong rừng ít ỏi của Ba Lan. Rất may, hoạt động nuôi ong rừng đã được hồi sinh dù số lượng cá thể còn lại hiện giờ chỉ trên dưới 5.000 con. Các nhóm hoạt động vì môi trường, cùng với những nghệ nhân nuôi ong từ các công viên quốc gia và bảo tàng dân tộc học Ba Lan, chính là những người đóng góp công sức lớn nhất trong việc bảo tồn nghề sản xuất "vàng lỏng" của đất nước này.
Ngày nay, các sản phẩm từ mật và sáp ong của Ba Lan được bày bán rộng rãi, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng của nước này. Đến thăm nhà của người Ba Lan, bạn sẽ rất dễ bắt gặp những lọ mật để sẵn trong tủ. Không như phần lớn những quốc gia khác, Ba Lan có rất nhiều loại mật ong đặc trưng với màu sắc, hương vị cùng kết cấu hết sức đa dạng như: mật ong spadziowy, wielokwiatowy, akacjowy và gryczany v.v…
Mật ong Ba Lan vô cùng đa dạng về chủng loại, màu sắc, hương vị và kết cấu. (Nguồn: Rzeczpospolita)
Trong các loại mật ong Ba Lan thì mật ong rừng là sản phẩm được đánh giá cao nhất với màu vàng đậm và hơi ám mùi khói. Mật hảo hạng là loại được khai thác từ những khu vực cách xa đất nông nghiệp, có giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều lần so với các loại mật thông thường. Nếu bạn có dịp đi du lịch ở Ba Lan, một hũ mật ong rừng bản địa sẽ là món quà lưu niệm không thể tuyệt vời hơn.
Có thể bạn cần!