MỘT SỐ LƯU Ý KHI LÀM THẺ CƯ TRÚ (KARTA POBYTU) CHO DU HỌC SINH
Phần 2: Các lỗi nhỏ mà hóa to
Ở phần 1, chúng ta đã cùng kể ra những tips cơ bản nhất khi làm thẻ cư trú (karta pobytu) cho du học sinh tại Ba Lan. Phần này, OH! Ba Lan xin được tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm về một số vấn đề đáng lưu tâm nhằm giúp các bạn sinh viên tránh được tối đa những rắc rối, sự cố đáng tiếc với tấm thẻ cư trú.
Hy vọng sau kỳ này, OH! Ba Lan sẽ giúp bạn tránh được những lỗi 'giời ơi đất hỡi' khi làm thẻ tạm cư! (Nguồn: napolshu.com)
Kẽ hở trong vấn đề thuê nhà
Quy định mới những năm gần đây yêu cầu hồ sơ xin karta pobytu phải nộp kèm 1 bản hợp đồng thuê nhà dẫn đến một số vấn đề phát sinh cho người chủ đơn. Đầu tiên, có tồn tại thực trạng là một vài bạn sinh viên mới sang 'chân ướt chân ráo' có thể bị 'lừa' cho thuê nhà không đúng luật. Một số người đang thuê nhà ở Ba Lan cho sinh viên thuê lại phòng trống để 'gánh' bớt tiền nhà cho họ. Lợi dụng sơ hở của chủ nhà hợp pháp và sự non nớt của các bạn sinh viên mới sang, những người này không có quyền cấp hợp đồng cho thuê độc lập nhưng vẫn cho sinh viên thuê lại mà không bàn bạc với chủ nhà. Để tránh tình trạng này, hãy chắc chắn rằng chủ nhà của bạn cấp hợp đồng hợp pháp cho cả đôi bên ngay khi bạn chuyển đến. Với mọi thỏa thuận bằng miệng, dựa trên 'tình cảm', bạn cần từ chối lập tức để tránh rắc rối giấy tờ về sau.
Hãy chắc chắn rằng nơi bạn ở trọ có hợp đồng và minh bạch các chi phí để có lợi cho việc xin thẻ tạm cư. (Nguồn: rentberry.com)
Vấn đề thứ 2 cần lưu ý trong hợp đồng thuê nhà đó là mức giá cho thuê đã bao gồm những khoản phí nào. Để tiện nhất, bạn nên tìm những nơi cho thuê mà các chi phí điện nước, khí đốt, wi-fi,…đã bao gồm trong mức giá cho thuê hoặc được ấn định cụ thể trong hợp đồng. Nếu các khoản phí vừa nêu không được ấn định trong hợp đồng, khi làm hồ sơ xin karta pobytu, bạn sẽ phải nộp kèm bản sao hóa đơn các khoản đó, khá phiền hà. Bạn có thể tham khảo các phòng/nhà cho thuê tại đây.
Chứng minh tài chính – chuyện nhỏ mà không nhỏ!
Để xin được thẻ tạm trú trong thời gian theo học tại Ba Lan, bạn cần phải chứng minh được số tiền có trong tài khoản đủ để chi trả mọi chi phí cơ bản từ lúc xin thẻ cho đến khi kết thúc việc học, bao gồm: [học phí + sinh hoạt phí cơ bản (tiền thuê nhà, ga, điện, nước,…)] x thời gian để hoàn thành việc học tính từ lúc xin thẻ. Ngoài ra, bạn phải cộng thêm tiền vé máy bay một chiều về Việt Nam (2.100 – 3.300pln) vào phần chứng minh tài chính.
Chính sách về khâu chứng minh tài chính khiến không ít sinh viên phải băn khoăn. (Nguồn: zaradnyfinansowo.pl)
Tại thời điểm làm hồ sơ xin karta pobytu, nhiều bạn sinh viên không có đủ tiền cho toàn bộ thời gian ở lại Ba Lan thường tìm đến một số dịch vụ chứng minh tài chính nhưng có thể mắc lỗi, khiến tài khoản ngân hàng bị SNK nghi ngờ. Lỗi đầu tiên là số tiền chứng minh quá thấp so với quy định của SNK. Lỗi thứ 2 thường gặp là các bạn dùng một tài khoản khác với tài khoản chi tiêu hàng ngày, con số trong tài khoản quá tròn và sẽ bị SNK yêu cầu chứng minh lại hoặc thậm chí có thể bị từ chối cấp thẻ. Do vậy, hãy đảm bảo rằng tài khoản bạn đem chứng minh có đủ tiền và số dư khả dụng lẻ đến đơn vị grosze!
Theo dõi tiến trình xét duyệt ra thẻ
Sau khi nộp giấy tờ vào ngày hẹn, bạn sẽ được nhân viên SNK cấp cho một bộ giấy tờ chứa các thông tin quan trọng (đường link, tên tài khoản, mật khẩu,..) để bạn tra cứu tiến trình xét duyệt cấp thẻ trên trang Status Mojej Sprawy. Một số bạn sinh viên chưa có kinh nghiệm có thể có tâm lý chủ quan, không thường xuyên kiểm tra tiến trình, vì cho rằng kết quả sớm muộn cũng sẽ được thông báo qua điện thoại hoặc bưu điện. Tuy nhiên, trang Status Mojej Sprawy còn có chức năng thông báo các loại giấy tờ còn thiếu, cần phải nộp bổ sung vào hồ sơ xin thẻ. Lý do là khi nộp hồ sơ, nhân viên SNK sẽ chỉ có thể xác nhận là đã tiếp nhận hồ sơ của bạn. Sau đó, khi kiểm tra kỹ hồ sơ trong quá trình cân nhắc cấp thẻ, họ mới có thể biết được bạn cần bổ sung hoặc nộp lại mới những loại giấy tờ nào.
Trang cập nhật tiến trình xét cấp thẻ có chế độ tiếng Việt. (Nguồn: wnioski.mazowieckie.pl)
Nếu bạn phải nộp bổ sung giấy tờ quan trọng (hợp đồng thuê nhà, bảo hiểm, …) thì nên nộp trong vòng 2 tuần và qua đường bưu điện trong thời gian dịch bệnh. Các loại giấy tờ ít quan trọng hơn như bản cập nhật bảng điểm hoặc cập nhật khả năng tài chính mới nhất thì có thể nộp bổ sung bất cứ lúc nào. Khi nộp qua đường bưu điện, bạn nên gửi cùng bản in 1 email gửi cho SNK đính kèm bưu phẩm giấy tờ nộp bổ sung.
Một số lưu ý không-kém-phần-quan-trọng khác
- Nếu không thu xếp được thời gian, bạn có thể nhờ dịch vụ làm hồ sơ xin thẻ. Tuy nhiên, cần chọn dịch vụ/văn phòng luật uy tín thay vì vội vàng nhờ cá nhân, tổ chức mập mờ.
- Hãy nghiêm túc với việc học ở trường. Việc tham dự đủ số giờ học quy định và bảng điểm có thể quyết định thời hạn thẻ của bạn có hiệu lực, thậm chí là được cấp thẻ hay bị từ chối.
- Không vi phạm hình sự hoặc vướng vào kiện tụng trong thời gian đăng ký hoặc chờ thẻ. Các vi phạm hành chính hoặc dân sự có thể đem lại ít nguy cơ bị từ chối hơn nhưng vẫn nên tránh.
- Thời gian ra thẻ thường muộn hơn khá nhiều so với giấy hẹn, có thể lên đến trên dưới 1 năm nếu gặp phải một số trục trặc. Trong trường hợp này, bạn có thể nộp lại toàn bộ hồ sơ hoặc gửi thư khiếu nại đến SNK về tình trạng trễ hẹn. Còn chậm 1-3 tháng thì…tạm chấp nhận được.
- Hãy đảm bảo rằng sau khi tiếp nhận hồ sơ xin thẻ, nhân viên SNK có đóng dấu xác nhận rằng bạn đã nộp giấy tờ và đang chờ quyết định từ ngày nộp.
- Tránh làm mất điện thoại hoặc mất sim vì quyết định ra thẻ và lịch hẹn lấy thẻ thường được thông báo qua tin nhắn điện thoại.
- Phí làm thẻ và phí nhận thẻ hoàn toàn khác nhau. Đến ngày nhận thẻ, nếu chưa kịp thanh toán phí nhận thẻ trước đó, bạn có thể tới phòng thu ngân để nộp.