MỘT SỐ LƯU Ý KHI LÀM THẺ CƯ TRÚ (KARTA POBYTU) CHO DU HỌC SINH
Phần 1: Những điều cơ bản nhất
Việc xin thẻ, gia hạn thẻ cư trú (karta pobytu) luôn là đề tài khá 'nhức nhối' đối với các bạn du học sinh ở Ba Lan. Không ít bạn sinh viên đã bị căng thẳng tâm lý khi làm hồ sơ và chờ quyết định chính thức từ Sở ngoại kiều (SNK). Để tránh những đêm 'ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa', ăn không ngon, ngủ không yên, chúng ta cần phải biết một số điểm lưu ý quan trọng khi xin và chờ karta pobytu. Hy vọng, một số tips nhỏ sau đây của OH! Ba Lan sẽ giúp bạn xin và chờ thẻ trong tâm thế bình tĩnh, tự tin, chiến thắng!
Tấm thẻ 'quyền lực' khiến bao du học sinh mất ăn mất ngủ (Nguồn: kartapobytu.pl)
Hãy chú ý lịch trình xin thẻ!
Điều đầu tiên cần lưu ý là bạn nên bắt đầu quá trình làm hồ sơ xin karta pobytu ít nhất là 2 tháng trước khi giấy tờ cư trú hiện tại hết hạn. Nếu hay phải đi lại giữa các nước EU, bạn thậm chí nên bắt đầu xin karta pobytu khoảng 6 tháng trước khi giấy tờ cư trú hiện tại không còn hiệu lực. Lý do cho việc chuẩn bị sớm là do việc đặt lịch hẹn nộp giấy tờ với SNK trên website ít khi 'một phát ăn ngay' mà thường rơi vào tình trạng kín lịch, và thời gian chờ quyết định cấp thẻ thường có sau 3-6 tháng kể từ lúc nộp hồ sơ (lâu hơn nhiều so với ngày hẹn dự tính). Một số trường hợp gặp trục trặc có thể phải chờ đến 10 tháng đến 1 năm, thậm chí phải nhận quyết định từ chối từ SNK. Do vậy, để tránh lỡ dở công việc, bạn nên bắt đầu quá trình xin thẻ từ sớm.
Trang web đặt lịch nộp hồ sơ cho SNK thường rơi vào tình trạng kín lịch. (Nguồn: kolejka-wsc.mazowieckie.pl)
Vậy nộp muộn thì có sao không? Câu trả lời thì còn tùy vào hoàn cảnh nộp muộn. Nếu bạn đã cố gắng hoàn thành hồ sơ sớm mà vẫn không thể đặt được lịch hẹn nộp dù đã 'canh me' ngày đêm thì hãy nộp qua đường bưu điện theo dạng bưu phẩm quan trọng trước khi giấy tờ hết hạn. Hiện tại, khi Ba Lan chưa hết dịch, nếu chẳng may không thể nộp trước khi giấy tờ hiện hết hạn, bạn vẫn có thể đặt lịch nộp muộn như cách bình thường. Theo quy định hiện hành, người nước ngoài nhập cảnh và cư trú hợp pháp vào Ba Lan từ trước ngày 14/3/2020 thì giấy tờ cư trú hết hạn được tự động gia hạn cho đến ngày thứ 30 kể từ khi Ba Lan tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19. Lưu ý, quy định này không có hiệu lực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Ba Lan sau ngày 14/3/2020!
Không khó để tìm website đăng ký lịch hẹn với SNK khu vực bạn đang sống cho dù là sinh viên mới sang và chưa thạo tiếng Ba Lan. Từ khóa "karta pobytu" + tên đơn vị hành chính/ thành phố đang cư trú là cách đơn giản nhất. Tuy nhiên, trình duyệt Cốc Cốc có thể sẽ không phù hợp cho kiểu tìm kiếm này, nên tốt nhất là bạn hãy sử dụng một trình duyệt khác để tìm website đăng ký.
Lịch làm việc của SNK Warszawa: 10h-17h30 thứ 2 và 8h-15h thứ 3, 4, 5, 6. (Nguồn: kolejka-wsc.mazowieckie.pl)
Sau khi đã chốt được lịch hẹn trên website đăng ký, bạn cần lưu lại số seri vé ghi lượt nộp giấy tờ. Đến ngày nộp, bạn nên đến sớm khoảng 30' so với lịch hẹn vì nhân viên SNK khá linh động thời gian. Nếu xong các ca tiếp nhận hồ sơ trước đó sớm hơn dự tính, họ sẽ gọi bạn vào nộp hồ sơ sớm hơn so với giờ đã hẹn. Việc được gọi sớm 5-15' phút là khá bình thường. Ngoài ra, bạn cũng nên đến cùng một người biết tiếng Ba Lan. Nhân viên tiếp nhận hồ sơ ở SNK nói tiếng Anh khá tốt nhưng nhân viên bảo vệ và thu ngân thì…hên xui.
Hồ sơ cần những gì?
Hồ sơ thường được nộp hơn 1 lần. Trong đó, lần đầu tiên được tính là lần nộp chính thức theo lịch hẹn với SNK. Hãy đảm bảo rằng bộ hồ sơ của bạn gồm đầy đủ các giấy tờ sau:
- Mẫu đăng ký xin thẻ đã điền đầy đủ thông tin cần thiết. Bạn có thể tìm mẫu đăng ký tại đây. Không cần quá lo lắng về mục tên, họ, tên đệm. Nếu điền chưa đúng yêu cầu, nhân viên tiếp nhận hồ sơ ở SNK sẽ tư vấn và sửa lại cho bạn. Bước này nên làm sớm nhất có thể vì tờ khai thông tin rất dài.
- Bản sao thẻ cư trú hiện tại hoặc hộ chiếu (tất cả các trang có chứa thông tin người sở hữu và dấu xuất-nhập cảnh). Bước này nên làm sớm nhất có thể.
- Giấy xác nhận đang theo học tại trường học hiện tại của bạn, kèm giấy tờ xác nhận đã đóng học phí. Bước này nên làm sau khi đã đăng ký lịch hẹn với SNK.
- Bảng điểm bản cập nhật mới nhất từ trường. Bước này nên làm sau khi đã đăng ký lịch hẹn với SNK, và tiếp tục nộp bổ sung khi có bảng điểm đầy đủ của học kỳ mà bạn vừa hoàn thành trong khi vẫn đang chờ quyết định ra thẻ.
- 4 ảnh chân dung màu, nền trắng, kích thước 45x35mm. Bước này nên làm sau khi đã đăng ký lịch hẹn với SNK. Ra tiệm chụp sẽ 'lung linh' hơn nhưng ra các quầy photo booth tự động thì tiện lợi hơn.
- Biên lai xác nhận đã đóng 340pln phí xin thẻ. Để tiện nhất, bạn có thể chuyển khoản trước cho sở thuế và mang theo bản in biên lai khi đến nôp hồ sơ. Phương thức thanh toán tham khảo tại đây.
- Bản sao hợp đồng thuê nhà hợp pháp bao gồm chi phí ga, điện, nước,.... Hợp đồng có hiệu lực ít nhất 6 tháng. Thời gian xin karta pobytu không nên quá gần ngày đáo hạn hợp đồng.
- Bản sao bảo hiểm có thời hạn ít nhất 1 năm và có giá trị ít nhất 30.000 euro. Bước này nên làm sau khi đã đăng ký lịch hẹn với SNK.
- Chứng minh tài chính. Bước này nên làm sau khi đã đăng ký lịch hẹn với SNK.
Các giấy tờ nộp cho SNK để xin thẻ tạm cư đều phải viết bằng tiếng Ba Lan. (Nguồn: kartapolaka.net)
Uwaga: Tất cả các giấy tờ phải bằng tiếng Ba Lan. Nếu không có giấy tờ bằng tiếng Ba Lan thì bạn có thể nộp kèm bản dịch tuyên thể bằng tiếng Ba Lan. Đồng thời, các giấy tờ bản sao không cần công chứng nhưng phải mang theo bản gốc để đối chiếu. Ngoài ra, bộ hồ sơ đầy đủ nên sao ra thành 3 bản dự phòng.
Bị từ chối cấp thẻ? Cứ bình tĩnh!
Chắc chắn là không dễ chịu chút nào nếu một ngày đẹp trời, bạn nhận được quyết định từ chối xanh rờn từ SNK. Trong trường hợp đó, nhiều bạn sẽ cảm thấy sợ hãi hoặc bối rối. Lời khuyên là hãy bình tĩnh giải quyết vấn đề. Đúng! Bạn có thể giải quyết và thay đổi cục diện chuyện này đấy!
Điều đầu tiên cần lưu ý để cứu vãn được tình hình là hãy kiểm tra hòm thư nhà bạn thường xuyên nhất có thể. Việc quyết định từ chối cấp thẻ được gửi qua đường bưu điện tiềm ẩn một số rủi ro. OH! Ba Lan từng nhận được ý kiến phản ảnh về tình trạng quyết định từ chối gửi về bị người khác (không phải người xin thẻ) nhận thay và … xác nhận thay! Nếu để xảy ra tình huống này thì mọi chuyện sẽ trở nên rất rắc rối với một trận chiến pháp lý thực sự cùng những lần bị cảnh sát Ba Lan gõ cửa theo đúng nghĩa đen! Vậy nên, hãy đảm bảo rằng nếu chẳng may bị gửi quyết định từ chối thì người nhận phải là người xin thẻ.
Phải nhận quyết định từ chối cấp thẻ quả là 'xu cà na' nhưng hoàn toàn có thể cứu vãn được. (Nguồn: berardiimigrationlaw.pl)
Có một sự thật là SNK đã từng nhận vài ý kiến phàn nàn về một số quyết định có phần cảm tính. Sau khi 'soi' rất kỹ hồ sơ xin thẻ, họ đưa ra các quyết định phần lớn là rất xác đáng. Tuy nhiên, nếu bạn cho rằng quyết định từ chối cấp thẻ của SNK là quá 'phũ phàng' thì bạn có quyền khiếu nại đòi quyền lợi. Điều đầu tiên là bạn cần mang công văn từ chối đến văn phòng luật để họ nghiên cứu trường hợp của bạn xem lý do trượt thẻ là gì. Thực tế, việc tự viết đơn khiếu nại là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả như mong muốn, bạn nên để văn phòng luật đại diện và viết đơn hộ. Thời hạn để làm đơn không quá 14 ngày kể từ khi nhận quyết định từ chối từ SNK.
Nghe có vẻ khá đơn giản, nhưng sự thực là quá trình kiện tụng này không chỉ làm ví tiền của bạn nhẹ đi mà có thể còn diễn ra trong một thời gian dài, rất mệt mỏi. Do đó, để tránh trường hợp không mong muốn này, hãy đảm bảo rằng quá trình làm giấy tờ xin thẻ của bạn thật chỉn chu, suôn sẻ và chủ động nhé!
(còn tiếp)
Có thể bạn cần!