Một trong những điều khiến người dân thành phố Warszawa có thể tự hào chính là giao thông công cộng. Rất nhiều du khách từ các quốc gia kinh tế phát triển hơn cũng phải 'gật gù' trước sự tiện lợi, giờ giấc nghiêm ngặt của phương tiện công cộng tại thủ đô Ba Lan. Ngoài xe bus, xe điện, xe đạp công cộng thì hệ thống metro đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cư dân nơi đây.
Tính đến năm 2022, thành phố 1.8 triệu dân có hai tuyến metro M1 và M2 đã vận hành, cùng tuyến M3 đang được phát triển hứa hẹn đáp ứng thêm một lượng lớn nhu cầu di chuyển của người dân trong tương lai không xa. Kỳ này, mời quý độc giả cùng OH! Ba Lan nhìn lại quá trình hình thành và phát triển truyến metro M1 'thần thánh'.
Metro M1 Warszawa khánh thành ngày 7/4/1995. (Ảnh: Gazeta)
Dù ra đời khá muộn, tuyến metro thành phố Warszawa đã được lên kế hoạch và thông qua nghị quyết từ những năm 1920s. Năm 1951, công trình thử nghiệm đã bắt đầu khởi công cho đến khi bị ngừng hoàn toàn 6 năm sau đó. Kể từ sau Thế chiến II cho đến đầu thập niên 70s, thủ đô Warszawa đã hồi sinh mạnh mẽ từ tro tàn bình địa. Sự phát triển của các quận ngoại vi làm phát sinh nhu cầu kết nối với các tuyến xe buýt và xe điện tới trung tâm thành phố.
Quá trình xem xét, phân tích dự án tuyến metro thành phố diễn ra gấp rút trong nửa đầu thập niên 70s với những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn vào nửa sau thập niên khiến cho tiến trình đột ngột khựng lại. Phải đến năm 1982, các quyết định quan trọng mới được xét duyệt khẩn trương với sự giúp sức của khối Liên Xô lúc bấy giờ.
Sơ đồ quy hoạch metro thành phố Warszawa (Ảnh: Forsal)
Ngày 15/02/1983, Tổng cục xây dựng Metro (GDBM) bắt đầu đi vào hoạt động. Tháng 3/1983, công trình động thổ tại điểm ga Ursynów ngày nay. Cùng với công tác xây dựng tuyến metro, việc chuyển đổi cơ cấu nhà máy tại Służewiec để sản xuất các phân khúc đường hầm bê tông cốt thép được tiến hành.
Ngày 16/12/1983, thành phố phê duyệt việc đặt tên các ga theo tên khu dân cư như ta thấy ngày nay. Sau 2 thập kỷ nỗ lực huy động nguồn lực quốc gia và sự giúp đỡ từ quốc tế, năm 1990, Ba Lan đã lần đầu tiên có một tuyến metro Kabaty - Polytechnika chờ ngày vận hành.
Công trường xây dựng metro M1 tại Warszawa năm 1983 (Ảnh: Onet)
Giai đoạn 1984 -1988, công trình được tiến hành với sự góp sức của 24 doanh nghiệp và bình quân 1.600 nhân lực. Theo mô hình Liên Xô cũ, mỗi nhà ga được thiết kế dài khoảng 200-250m, đồng thời có vai trò như một hầm trú ẩn trong tình trạng khẩn cấp. Cuối thập niên 1980s, cuộc khủng hoảng kinh tế và những mâu thuẫn chính trị sâu sắc khiến tiến trình xây dựng chậm lại.
Thậm chí, năm 1989 (năm xảy ra cuộc cách mạng Dân chủ), tiến độ gần như bằng 0. Những khó khăn trong công tác chuyển giao đã khiến công trình M1 bị trì hoãn cho đến đầu năm 1990. Từ 1990-1993, các toa tàu dần được chuyển về Warszawa.
Công trường ga Kabaty (Ảnh: Forsal)
Ngày 19/06/1993, các chuyến tàu từ trạm Kabaty đến trạm Stokłosy được thử nghiệm thực tế, và sau đó kéo dài đến trạm Wilanowska. Ngày 05/03/1994, trong lễ ra mắt tuyến metro, lần đầu tiên, người dân thủ đô được đi trên chuyến tàu toàn chặng Kabaty-Politechnika.
Cuối năm 1994, tuyến M1 về cơ bản đã sẵn sàng được đưa vào hoạt động, bắt đầu từ việc chạy những chuyến tàu không hành khách. Ba tháng đầu năm 1995, các vấn đề kỹ thuật còn lại của M1 được báo cáo, khắc phục và nghiệm thu lần cuối.
Lễ khánh thành tuyến metro M1 năm 1995 là một sự kiện trọng đại với người dân Warszawa. (Ảnh: Warszawa w Pigulce)
Đúng 12 giờ trưa ngày 07/04/1995 tại nhà ga Wilanowska đã diễn ra một sự kiện có lẽ sẽ không bao giờ bị lãng quên trong lòng người dân thủ đô. Lễ khánh thành chính thức của tuyến metro M1 đã thu hút đông đảo người đến dự, chứng kiến khoảnh khắc lịch sử thay đổi vĩnh viễn bộ mặt thành phố Warszawa.
Metro M1 khi đó có hành trình 11,5 km, qua 11 trạm dừng, phục vụ bởi 14 đầu tàu 3 toa. Từ năm 1997, mỗi đầu tàu được nâng cấp lên thành loại 4 toa.
Ga Wierzbno năm 1995 (Ảnh: Transport Publiczny)
Trước đó, vào năm 1996, thành phố thông qua quyết định mở rộng tuyến M1 từ trạm A13 Centrum đến A23 Młociny. Ngày 26/05/1998, ga trung tâm (Centrum) đã được hoàn thiện, nâng tổng chiều dài tuyến M1 lên 12.5km. Centrum là ga metro lớn nhất Ba Lan cho đến tận ngày nay với tổng chi phí xây dựng lên tới 120 triệu PLN.
Cùng với Centrum, ga Świętokrzyska cũng là một nút giao thông ngầm quan trọng nhất cả nước. Ga Świętokrzyska được khởi công từ năm 1998 và mất khoảng 3 năm để kết nối với Centrum và chính thức đi vào nghiệm thu công trình.
Tổng chi phí đầu tư lúc này lên tới khoảng 400 triệu PLN trên chiều dài 14.2km đường ray và sau đó là 15.5 km khi ga Dworzec Gdański đi vào hoạt động từ cuối năm 2003. Số đầu tàu phục vụ lúc này đã lên đến con số 19 với tần suất 3 phút một chuyến.
Metro M1 là tuyến giao thông huyết mạch của Warszawa. (Ảnh: Warszawa Naszemiasto)
Kể từ đó, các trạm dừng mới vẫn liên tục được đưa vào thi công. Giai đoạn 2006 – 2008 chứng kiến bước tiến lớn trong việc liên tục và nhanh chóng mở rộng M1 với các ga mới gồm Plac Wilsona, Marymont, Słodowiec, Stare Bielany, Wawrzyszew và Młociny. Tính đến nay, tuyến M1 trải dài 23.1km, đi qua 21 trạm dừng, tốc độ trung bình đạt 80km/h so với mốc 60km/h trước năm 2015. Theo dự tính, đến năm 2026, M1 sẽ có thêm 2 trạm mới là Plac Konstytucji và Muranów.
Có thể bạn cần!