Ngày nay, khi nhắc đến Cộng hòa Ba Lan, người ta thường nhớ đến một quốc gia yên bình bên biển Baltic. Dẫu được cho là nền kinh tế quan trọng bậc nhất khu vực Trung-Đông Âu, Ba Lan không thực sự được nhắc tới như một cường quốc có sức ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế. Tuy vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, đã từng có giai đoạn Ba Lan vươn mình trở thành một đế chế thực sự với quy mô và sức mạnh không thua kém gì các cường quốc đương thời, thậm chí còn từng suýt thôn tính được cả nước Nga . Giai đoạn lịch sử oanh liệt này kéo dài trong khoảng 200 năm trước khi liên bang lớn mạnh của Ba Lan suy yếu và trải qua thời kỳ chia cắt phức tạp. Kỳ này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu đôi nét về khối Thịnh vượng chung Ba Lan- Lithuania, giai đoạn được cho là oai hùng nhất trong lịch sử Ba Lan.
Tầm ảnh hưởng rộng lớn của Thịnh vượng chung Ba Lan – Lithuania. (Ảnh: Reddit)
Các tài liệu lịch sử đều thống nhất rằng khối Thịnh vượng chung Ba Lan – Lithuania được thành lập chính thức vào năm 1569 theo liên minh Lublin. Dẫu vậy, trước đó, kể từ năm 1386, một liên minh giữa Vương quốc Ba Lan và Đại công quốc Lithuania đã được hình thành dưới thời của Nữ vương Jadwiga. Trong quá trình phát triển, khối Thịnh vượng chung Ba Lan – Lithuania đã từng đem sức mạnh quân sự đi xâm lược các lãnh thổ láng giềng. Sự bành trướng của đế chế này được ghi nhận chủ yếu ở miền Đông Âu với các quốc gia chịu ảnh hưởng bao gồm Nga, Ukraine và Belarus. Tại thời điểm cực thịnh, khối Thịnh vượng chung trải rộng trên một lãnh thổ có phạm vi lên tới 1.2 triệu km2 cùng quy mô dân số khoảng 11 triệu người, và là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu thời bấy giờ.
Liên minh Lublin (1569) đã chuyển đổi quan hệ giữa Lithuania và Ba Lan từ hai lãnh thổ có chủ quyền thành một vương quốc liên bang thống nhất. Sự hợp nhất này được cho là có lợi cho cả hai bên. Trong khi Ba Lan với diện tích nhỏ nhưng có nền kinh tế - xã hội khởi sắc đang cần mở rộng lãnh thổ, thì Lithuania lại cần sự bảo vệ của Ba Lan khỏi mối đe dọa ngày càng lớn từ phía Nga. Thực tế đã chứng minh cuộc hợp nhất này là hoàn toàn có cơ sở. Ngay sau khi thống nhất, liên minh Ba Lan và Lithuania đã tiến hành chinh phạt Livonia (nay thuộc Latvia và Estonia). Các công quốc Courland và Prussia do Đức cai trị cũng đã dần rơi vào tầm ảnh hưởng của Ba Lan - Lithuania.
Liên minh Lublin – tranh vẽ của Jan Matejko. (Ảnh: Polish History)
Tuy nhiên, con đường tiếp tục vươn lên trở thành siêu cường của khối Thịnh vượng chung Ba Lan – Lithuania đã gặp phải những trở ngại mang tính thay đổi thời cuộc. Những áp lực từ các cường quốc phương Đông và phương Bắc khác ngày càng gia tăng và đỉnh điểm là sự kiện liên minh Ba Lan - Lithuania phải kinh qua cuộc Chiến tranh Phương Bắc lần II (1655-1660) với Thụy Điển và chiến tranh Sa quốc Nga – Ba Lan (1654 – 1667). Với sức mạnh lúc bấy giờ, Ba Lan-Lithuania đã hoàn toàn có thể tự tiến hành giải phóng đất nước. Thế nhưng, cũng chính sau hai trận đòn chí mạng này, liên minh Ba Lan – Lithuania đã đánh mất sức mạnh của mình và không bao giờ có thể tìm lại được vị thế cường quốc nữa.
Sau sự sụp đổ của triều đại Jagiellonian (1572), chế độ quân chủ ở khối Thịnh vượng chung Ba Lan – Lithuania có phần lỏng lẻo. Tính chuyên quyền của các bậc quân vương bị giảm sút, và cứ mỗi khi một đấng quân chủ mới lên ngôi thì quyền lực lại càng bị phân chia vào tay giới quý tộc nhiều hơn. Từ đó, liên minh Ba Lan-Lithuania ghi nhận sự hình thành một thể chế chính trị độc đáo gọi là “nền dân chủ quý tộc”. Trong thể chế này, hầu hết quyền lực rơi vào tay khoảng 10% dân số thuộc giới quý tộc. Ngay cả nhà vua cũng phải thuận theo ý muốn của những 'thần dân' cao quý đó thay vì chuyên quyền hoặc lắng nghe ý kiến của đại bộ phận dân chúng.
Tranh minh họa cuộc chia cắt Ba Lan - Lithuania lần thứ I năm 1772. (Ảnh: Wikipedia)
Đến cuối thế kỷ 17, giới quý tộc được hưởng quyền “phủ quyết tự do”. Một nhà quý tộc khi đó có thể phủ quyết bất cứ quyết định chính trị nào mà họ không đồng tình. Chính vì cơ cấu chính trị lỏng lẻo này mà liên minh Ba Lan – Lithuania ngày càng khó đạt được những đồng thuận thiết yếu trong việc điều hành đất nước, dần dẫn đến sự tê liệt trong bộ máy chính trị, đặc biệt là khi những xung đột nội bộ giữa các gia đình quý tộc ngày càng khó giải quyết. Cũng chính những cuộc xung đột này đã khiến Ba Lan – Lithuania trở thành mảnh đất màu mỡ cho các thế lực bên ngoài tha hồ lũng đoạn, phát động các cuộc nội chiến mà người hưởng lợi nhất lại chính là ngoại bang.
Bản đồ 3 lần chia cắt Ba Lan – Lithuania năm 1772, 1793 và 1795. (Ảnh: Reddit)
Về mặt văn hóa, khối Thịnh vượng chung Ba Lan – Lithuania cũng gần như chưa bao giờ đạt được sự thống nhất toàn diện. Sự phân hóa về giai cấp thể hiện rõ trong xã hội của liên minh khi ngôn ngữ Ba Lan chủ yếu được sử dụng trong giới quý tộc. Trong khi đó, tiếng Lithuania chỉ được nói trong cộng đồng dân lao động. Sự bất đồng văn hóa và bất ổn trong thể chế chính trị đã dẫn đến tình trạng khối Thịnh vượng chung Ba Lan-Lithuania ngày càng suy yếu cả về đối nội và đối ngoại. Năm 1772, ba đế chế lân cận là Áo-Hungary, Phổ và Nga đã âm mưu chia cắt liên minh lần thứ I. Những nỗ lực cuối cùng để thay đổi tình hình, chẳng hạn như việc thông qua Hiến pháp mới nhằm bãi bỏ quyền phủ quyết tự do của giới quý tộc hoặc cuộc nổi dậy của Tadeusz Kościuszko là quá ít ỏi và muộn màng. Sau ba lần bị chia cắt, khối Thịnh vượng chung Ba Lan - Lithuania đã bị xóa khỏi bản đồ thế giới kể từ năm 1795, đặt dấu chấm hết cho cường quốc đã từng làm mưa làm gió ở châu Âu một thời.