Ngày 27.8.2022, tại Plac Zamkowy đã diễn ra lễ hội văn hóa Việt Nam. Sự kiện thu hút đông đảo nghệ sĩ tham gia biểu diễn và quần chúng đến trải nghiệm. Dù không phải là lần đầu được tổ chức, festival năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt khi các nghệ sĩ đến từ Việt Nam và cộng đồng Việt tại Ba Lan cùng chung sức tạo nên một ngày hội đáng nhớ. Các màn trình diễn đã khắc họa nền văn hóa Việt Nam giàu đẹp, muôn màu. Kỳ này, OH! Ba Lan sẽ cùng điểm lại những nét văn hóa nổi bật nhất được tôn vinh trong sự kiện vừa qua.
Festival văn hóa Việt Nam tại Plac Zamkowy, Warszawa (Ảnh: OH! Ba Lan)
Diễn xướng hầu đồng và hát chầu văn
Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu cùng nghệ thuật diễn xướng chầu văn-hầu đồng là cực kỳ phổ biến, nhất là ở khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, nét văn hóa này là ít khi được kiều bào Việt Nam tái hiện tại các quốc gia khác. Lý do là bởi sự cầu kỳ của loại hình nghệ thuật này.
Ca sĩ Minh Tâm trong vai Cô Đôi Thượng Ngàn (Ảnh: OH! Ba Lan)
Một ván hầu yêu cầu rất khắt khe về khăn chầu áo ngự và vô số phụ kiện lộng lẫy đi kèm. Vũ đạo trong diễn xướng hầu đồng cũng phải tuân thủ những quy tắc nhất định. Các yếu tố khác như bàn thờ, phát lộc và cung văn cũng khiến chi phí đầu tư cho một ván hầu cao hơn so với các loại hình diễn xướng khác. Ngoài ra, những đạo cụ đặc trưng, khó tìm như mồi nến, hèo, kiếm, đao, khăn phủ diện…càng làm cho việc tái hiện một ván hầu trở nên khó khăn hơn cho kiều bào.
Từ trái qua: ca sĩ Thanh Huyền, Minh Tâm, Hoàng Nam (Ảnh: OH! Ba Lan)
Tuy vậy, bằng tình yêu nghệ thuật truyền thống cùng sự đầu tư nghiêm túc, ca sĩ Minh Tâm đã có màn trình diễn xuất thần. Chị đã lột tả được vẻ yêu kiều mà trang nghiêm của Cô Đôi Thượng Ngàn. Thần thái, giọng hát và vũ đạo của ca sĩ Minh Tâm đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả. Hai ca sĩ Thanh Huyền và Hoàng Nam cũng làm tròn vai hầu dâng với vũ đạo lạ mắt. Được biết, cả 3 ca sĩ đều đã được NSƯT Thanh Ngoan – giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam hướng dẫn trực tiếp để có được tiết mục Cô Đôi Thượng Ngàn.
Màn trình diễn nhận được sự quan tâm lớn. Rất nhiều khách du lịch đã xin chụp hình cùng 'cô Đôi' và 2 'đệ tử'. (Ảnh: OH! Ba Lan)
Tín ngưỡng thờ Mẫu có một tiến trình phát triển gian truân trong lịch sử. Chính quyền Việt Nam từng cấm đoán hầu đồng. Đến 1.12.2016, UNESCO đã công nhận việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ (bao gồm cả việc diễn xướng) là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày nay, hoạt động thờ Mẫu và diễn xướng hầu đồng-chầu văn rất phổ biến, là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa Bắc bộ Việt Nam.
Rối nước
Đội bát âm ngộ nghĩnh khiến khản giả vô cùng thích thú. (Ảnh: OH! Ba Lan)
Nhắc đến nghệ thuật múa rối Việt Nam, múa rối nước truyền thống được xem là loại hình đặc sắc nhất. Festival văn hóa Việt tại Warszawa 2022 có sự tham gia của đoàn nghệ nhân từ Việt Nam, mang đến những màn trình diễn thu hút đông đảo người xem. Trong các tiết mục rối nước mà đoàn nghệ nhân chọn để giới thiệu đến công chúng Warszawa, ấn tượng nhất phải nói đến màn Dàn nhạc bát âm, Múa rồng, Bắt vịt và Đánh cá.
Múa rồng là một trong những màn kinh điển của nghệ thuật rối nước. (Ảnh: OH! Ba Lan)
Múa rối nước là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian đã có lịch sử phát triển cả ngàn năm. Nghệ thuật rối trên thế giới rất phổ biến nhưng chỉ có Việt Nam mới được chính thức công nhận có loại hình rối nước. Loại hình nghệ thuật này thể hiện rõ đặc trưng nền văn minh lúa nước của Việt Nam. Nội dung các vở diễn cũng thường gắn liền với đời sống nông nghiệp cũng như hệ thống tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam. Xem rối nước Tứ linh, Cô Đôi, Đánh cá, Nhi đồng hí thủy,…cũng chính là học hỏi về nền văn hóa lâu đời của đồng bằng sông Hồng.
Nhi đồng hí thủy (Ảnh: OH! Ba Lan)
Rối nước không chỉ được bảo tồn hiệu quả, khiến mọi thế hệ người Việt say mê, mà còn có những bước phát huy và hội nhập với thời đại mới. Tại Việt Nam, những màn rối nước hiện đại đã được kết hợp cùng cốt truyện cổ tích nước ngoài, những mảng miếng hài mang tính thời sự, cùng các kỹ thuật và đạo cụ mới kết hợp xung quanh đình rối nước vẫn được xếp đặt ở vị trí trung tâm. Hy vọng rằng, kỳ festival tới, ngoài các vở diễn dân gian tinh túy, khán giả Warszawa sẽ có cơ hội thưởng thức cả những màn rối nước hiện đại.
Dân ca quan họ Bắc Ninh
Nghệ sĩ Thu Hiền với khúc quan họ Ngồi tựa song đào (Ảnh: OH! Ba Lan)
Trong số các làn điệu dân ca Việt Nam, quan họ Bắc Ninh có sức ảnh hưởng lớn và được rất nhiều người yêu thích. Giai điệu của các bài hát quan họ cũng được đánh giá là dễ tiếp nhận, ít kén khán giả hơn ca trù hay xẩm. Khác với lối trình diễn thường thấy, người Kinh Bắc có nét văn hóa canh chơi quan họ rất đặc sắc. Họ gặp gỡ, hát đối đáp mà không cần nhạc đệm. Trang phục quan họ mang tính thẩm mỹ rất cao. Trong ảnh là các ca sĩ Hoàng Nam, Lê Tuấn, Minh Khuê và Thanh Huyền với trang phục quan họ truyền thống.
Minh Khuê, Hoàng Nam, Thanh Huyền, Lê Tuấn trong trang phục quan họ. (Ảnh: OH! Ba Lan)
Liền chị mặc áo mớ ba mớ bảy. Yếm đào được mặc lót trong cùng, ngay dưới một chiếc áo cánh lụa mỡ gà. Bên ngoài là những lượt áo dài năm thân màu sắc tươi sáng nhưng lớp ngoài cùng thường có màu huyết dụ hoặc nâu nền nã. Trên đầu liền chị thường quấn khăn lươn, thả lọn tóc đuôi gà. Nhiều liền chị còn chít thêm một tấm khăn mỏ quạ bên ngoài, chỉ để lộ 1 chút mảnh khăn lươn đỏ tươi phía trên trán. Khi hát, các chị thường cầm chiếc nón quai thao, trông càng thêm phần e ấp, duyên dáng.
Cộng đồng người Việt tại Ba Lan gìn giữ nét văn hóa quan họ. (Ảnh: OH! Ba Lan)
Trang phục liền anh có phần đơn giản hơn nhưng vẫn rất đẹp mắt. Liền anh quan họ đầu đội khăn xếp đen hoặc xanh, mình mặc áo cánh dưới lớp áo the, quần ống rộng bằng lụa mỡ gà. Chất liệu làm nên lớp áo the bên ngoài của liền anh mỏng, có màu xanh hoặc đen. Mỗi liền anh thường cầm thêm chiếc ô đen cho tương xứng với nón quai thao của liền chị.
Một số hình ảnh đáng chú ý khác của lễ hội:
Song tấu đàn T'rưng
Vẻ đẹp nền nã của tà áo dài Việt
Đàn nhị hay đàn cò là một nhạc cụ truyền thống độc đáo của Việt Nam.
Mặc thời tiết nắng nóng, cả nghệ sĩ lẫn khán giả vẫn cống hiến hết mình.
Có thể bạn cần!