Mùa xuân Ba Lan đẹp như tranh vẽ, đây là điều mà ai cũng phải công nhận. Hàng triệu đóa hoa đủ sắc màu bừng nở khiến người người mê đắm. Nhưng cảnh quan kỳ diệu ấy lại ẩn chứa một nỗi ám ảnh: dị ứng phấn hoa! Không chỉ người nước ngoài, nhiều người bản xứ cũng 'khốn khổ' vì phấn hoa. Triệu chứng có thể nhẹ hoặc rất nghiêm trọng và dễ gây nhầm lẫn. Vậy làm thế nào để giảm bớt phiền toái do phấn hoa mùa xuân ở Ba Lan gây ra?
Có thể bạn cần: Lớp tiếng Ba Lan giao tiếp - chứng chỉ B1
Cơ chế gây dị ứng phấn hoa
Phấn hoa là những hạt rất mịn do cây cối, hoa và cỏ dại phát tán ra không khí. Quá trình thụ phấn này gây ra khá nhiều phiền toái. Nhà cửa, đồ đạc của bạn có thể xuất hiện những lớp bụi mờ. Tệ hơn là bạn có thể bị dị ứng khi hít phải những hạt phấn.
Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân xâm nhập có hại như vi khuẩn và virus. Ở một số người, hệ miễn dịch nhầm phấn hoa vô hại là vật xâm nhập nguy hiểm. Cơ thể sẽ bắt đầu có các phản ứng chống lại phấn hoa. Đây chính là là phản ứng dị ứng và phấn hoa là tác nhân.
Các nhà khoa học cũng kết luận rằng yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến việc bạn có bị dị ứng phấn hoa hay không. Nếu có ai trong gia đình bạn bị dị ứng, những người còn lại sẽ phải cẩn trọng.
Đừng hiểu lầm hay chủ quan!
Nếu bạn chưa bị dị ứng phấn hoa thì cũng chớ vội chủ quan. Bạn có thể bình an vô sự mùa hoa đầu tiên. Nhưng năm sau đó, hoặc muộn hơn, dị ứng phấn hoa có thể 'hỏi thăm' cơ thể bạn!
Đáng lo hơn là nếu bạn đã bắt đầu bị dị ứng phấn hoa thì sẽ gần như không thể chữa dứt điểm. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể được kiểm soát bằng thuốc và tiêm phòng. Một số thay đổi trong lối sống cũng có thể giúp giảm triệu chứng.
Phản ứng dị ứng dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu. Đôi khi dị ứng phấn hoa có triệu chứng rất giống cảm cúm. Một số người bị dị ứng quanh năm. Những người khác thì chỉ có triệu chứng khi một vài loài cây nhất định ra hoa.
Các triệu chứng phổ biến
Như đã nói ở trên, dị ứng phấn hoa đôi khi có triệu chứng dễ bị nhầm với cảm cúm. Tức là người bị dị ứng có thể có những biểu hiện sau:
- Sổ mũi, ngạt mũi
- Ngứa họng, ho
- Sưng, đau họng
- Chảy nước mắt
- Đau nhức xoang, có thể lan ra toàn bộ vùng mặt
- Giảm vị giác, khứu giác
Bên cạnh đó, những biểu hiện sau đây cũng rất phổ biến:
- Ngứa ngáy
- Nổi mẩn đỏ
- Ngứa mắt
- Quầng mắt dưới hơi xanh
- Tăng phản ứng hen suyễn
Chẩn đoán dị ứng
Dị ứng phấn hoa rất dễ nhận biết. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể gây nhầm lẫn. Vì vậy, để xác định bị dị ứng hay là bệnh khác, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn.
Thử nghiệm dị ứng thường trải qua các bước sau:
- Khai báo tiền sử bệnh và các triệu chứng. Bạn cần lưu ý thời điểm bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Những thay đổi của triệu chứng (trở nặng hoặc thuyên giảm) cũng nên được đề cập.
- Chích vùng da xét nghiệm. Bước này nhằm xác định cụ thể tác nhân gây dị ứng thuộc loại phấn hoa nào. Bạn nên tránh tiếp xúc gần loại hoa đó.
- Xét nghiệm máu (không bắt buộc trong một số trường hợp).
Có thể bạn cần: Dịch vụ giấy từ cư trú, định cư, quốc tịch Ba Lan
Điều trị dị ứng phấn hoa
Như đã nói ở trên, dị ứng phấn hoa rất khó điều trị dứt điểm hoàn toàn. Nhưng bạn có thể kiểm soát triệu chứng bằng các liệu pháp sau:
- Sử dụng thuốc: Thuốc có do bác sĩ kê đơn hoặc thuốc có sẵn không kê đơn. Ví dụ: thuốc kháng histamine (Zyrtec, Benadryl), thuốc thông mũi (Sudafed, Afrin), thuốc kết hợp kháng histamine và thông mũi (Claritin-D, Allegra-D),…
- Tiêm ngừa dị ứng: Bạn có thể tiêm phòng dị ứng nếu thuốc không thể giảm bớt triệu chứng. Triệu chứng dị ứng có thể 'vắng bóng' trong 1 năm kể từ khi bắt đầu tiêm phòng. Liều điều trị có thể tiếp tục trong 3 đến 5 năm. Không nên chích ngừa dị ứng cho trẻ em dưới 5 tuổi.
- Khắc phục tại nhà: Bạn có thể dùng chai bóp hoặc bình neti để đẩy phấn hoa ra khỏi đường mũi.
Phòng ngừa
Phòng bệnh luôn hơn chữa bệnh. Nhất là khi dị ứng phấn hoa rất khó chữa dứt điểm. Bạn có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau đây:
- Hạn chế phơi quần áo ngoài trời, nhất là mùa hoa nở hoặc gần loại cây gây dị ứng.
- Sử dụng máy hút bụi và giẻ ẩm thay vì chổi quét.
- Hạn chế ra khỏi nhà những ngày gió mạnh và hanh khô.
- Đeo khẩu trang khi ở gần khu vực có nhiều hoa đang ra phấn.
- Đóng cửa khi lượng phấn hoa tăng cao. Sử dụng điều hòa, máy lọc không khí.
Trường hợp khẩn cấp
Trong những trường hợp sau đây, bạn cần khẩn trương đến gặp bác sĩ:
- Triệu chứng dị ứng trở nên nghiêm trọng (khó thở, ho liên tục, da nổi mẩn diện rộng,…)
- Thuốc phòng và kiểm soát triệu chứng không có tác dụng hoặc có tác dụng phụ không mong muốn.
- Nếu bạn muốn sử dụng bổ sung dược liệu nào trong quá trình tiêm phòng và kiểm soát dị ứng, cần phải có sự tư vấn và đồng ý từ bác sĩ.
Mời bạn đọc thêm!
Phân biệt các sản phẩm từ sữa cho người mới đến Ba Lan