Roman Polanski là một trong những nhà làm phim hàng đầu thế giới. Các tác phẩm của đạo diễn người Pháp-Ba Lan từng được đề cử tổng cộng 28 giải Oscars (thắng 8 giải), 27 giải BAFTA (thắng 6 giải) và 19 giải Quả Cầu Vàng (thắng 7 giải). Polanski là cái tên bảo chứng chất lượng cho nhiều tác phẩm. Nhưng "chữ tài liền với chữ tai một vần!".Trong suốt sự nghiệp điện ảnh , bản thân ông luôn bị bủa vây bởi hào quang lẫn tai họa và bê bối trầm trọng. Trong đó, có những tai tiếng lớn đến mức dù đoạt tượng vàng Oscar (2003), Polanski cũng không dám đến Mỹ để nhận giải.
Tuổi thơ cơ cực
Roman Polanski là một đạo diễn, nhà sản xuất phim, nhà văn và diễn viên rất tài năng. Ông sinh năm 1933 tại Paris, rồi sau đó theo gia đình trở về cố hương Kraków hai năm trước khi Thế chiến II nổ ra. Sinh trưởng trong một gia đình Do Thái, cậu bé Roman Polanski mới lên 6 tuổi đã phải chứng kiến cảnh nhà tan cửa nát khi bị đẩy ra khu ổ chuột, còn cha mẹ thì bị đưa đến các trại tập trung của phát-xít Đức.
Đáng buồn nhất là mẹ của cậu không thể sống sót sau thời gian đọa đày tại trại Auschwitz. Cậu bé Roman Polanskicố gắng thoát khỏi khu ổ chuột và may mắn sống sót sau. Lúc đầu, cậu lang thang qua các vùng nông thôn Ba Lan và phải giấu thân phận để bảo toàn tính mạng.
Thuở đó, những người dân Ba Lan các vùng bị chiếm đóng thường 'tẩy chay' các rạp xi-nê có chiếu phim Đức, nhưng Roman Polanski dường như không mấy bận tâm đến chính trị và thường xem phim một cách say mê. Nhưng khi bước ra khỏi rạp chiếu bóng, cậu bé Roman phải trở lại thực tại phũ phàng. Quê hương Ba Lan bị chiến tranh tàn phá và cậu phải sống cuộc đời lang lang, vất vưởng.
Chinh phục nghệ thuật thứ 7
Chiến tranh kết thúc vào năm 1945, Roman Polanski đoàn tụ cùng cha và được cha cho theo học một trường kỹ thuật. Nhưng cậu thiếu niên khi đó đã mang trong mình một niềm đam mê rất khác.
Năm 1955, từ trước khi theo học Trường Điện ảnh Łódź, Roman Polanski đã tham gia diễn xuất trong bộ phim A Generation của Andrzej Wajda. Sự nghiệp đạo diễn của Polanski bắt đầu từ những phim ngắn như Dwaj Ludzie z Szafa (1958), Gruby i Chudy (1961) và Ssaki (1962).
Tuy vậy, Polanski tỏ ra mát tay hơn trong lĩnh vực phim điện ảnh với tác phẩm Nóz w Wodzie (1962). Đây là phim đầu tiên của Ba Lan nhận được đề cử Oscar cho hạng mục Phim nước ngoài hay nhất.
Trở thành một nhà làm phim có tên tuổi tại Ba Lan từ khi còn rất trẻ, Polanski vẫn chọn chuyển đến Pháp. Trong thời gian sống ở Paris, anh kết bạn với biên kịch trẻ Gérard Brach, người về sau trở thành một cộng sự đắc lực.
Polanski và Brach thực sự là cặp bài trùng khi những dự án phim họ thực hiện cùng nhau đạt được những thành công liên tiếp. Hai bộ phim Repulsion (1965) và Cul-de-sac (1966), sản xuất tại Anh và do Brach đồng biên kịch, lần lượt giành được giải Bạc và sau đó là giải Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Berlin.
Sự nghiệp điện ảnh của Polanski lên đến đỉnh cao khi chạm đến cánh cửa Hollywood vào năm 1968. Trong cùng năm, với tư duy làm phim mới mẻ, đột phá, ông thực hiện bộ phim kinh dị tâm lý xuất sắc Rosemary's Baby (1968). Bộ phim này được giới chuyên môn đánh giá rất cao, luôn nằm trong danh sách top những phim kinh dị hay nhất mọi thời đại.
Vết nhơ sự nghiệp
Roman Polanski tài năng hiếm có là vậy, nhưng những sóng gió cuộc đời chưa bao giờ thôi quăng quật người đàn ông nhỏ thó này. Năm 1969, vợ của ông là người mẫu Sharon Tate (khi đó đang mang thai) cùng với 4 người khác bị gia đình nhà Manson s.á.t h.ạ.i d.ã m.a.n trong một nghi thức tà đạo. Vụ án đã gây rúng động dư luận, khiến Roman Polanski phải chịu cú sốc lớn và quay trở về châu Âu.
5 năm sau, ông tái xuất Hollywood và cho ra đời tác phẩm điện ảnh xuất sắc Chinatown (1974). Sự nghiệp điện ảnh của Polanski đến đây tưởng như đã rộng đường thì đến năm 1977, ông lại một lần nữa dư luận phải sục sôi vì bị kết tội tấn công tình dục (trong đó có cả trẻ vị thành niên!)
Trước nguy cơ phải bóc 50 cuốn lịch, Polanski đã rời khỏi Mỹ và trốn về châu Âu. Tuy vậy, vết nhơ trong sự nghiệp Polanski vẫn không thể gột rửa. Ở Mỹ, khán giả không gọi ông là đạo diễn mà bằng những biệt danh khả ố nhất.
Trong lần đi nhận giải thành tựu trọn đời tại liên hoan phim Zurich năm 2009, Roman Polanski bị chính quyền Thụy Sĩ bắt giữ nhưng được thả ra sau đó khoảng 2 tháng.
Giữa yêu và ghét
Khán giả phần nhiều ghét bỏ Polanski, nhưng giới chuyên môn thì có cái nhìn đa chiều hơn về ông. Lý do một phần là bởi tuổi thơ cơ cực đã khiến Polanski chỉ được hưởng 'nền giáo dục đường phố'. Còn tài năng điện ảnh của ông thì lại không thể phủ nhận. Trong quá trình 'chạy tội', Roman Polanski vẫn tiếp tục làm phim, thậm chí còn cho ra đời những tác phẩm kiệt xuất giành nhiều giải thưởng hàn lâm như Tess (1979) và The Pianist (2002).
Chỉ với một siêu phẩm The Pianist, Roman Polanski đã giành được gần như tất cả các giải thưởng điện ảnh quan trọng nhất, bao gồm cả giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất, Cành cọ vàng của Liên hoan phim Cannes, giải BAFTA và giải Cesar.
Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 75, khi được xướng tên, Polanski đã không thể có mặt để nhận tượng vàng danh giá vì đang phải trốn chạy tội lỗi. Thế nhưng, những đồng nghiệp vẫn dành cho ông tràng pháo tay tri ân vì đã mang đến cho đời một tác phẩm tuyệt đẹp.
Tòa án chân lý không bao giờ có thể dung thứ cho Roman Polanski, nhưng có lẽ tình yêu nghệ thuật và những đứa con tinh thần cũng phần nào cứu rỗi cho một cuộc đời đầy đắng cay, tủi hổ.
Có thể bạn cần!