Những ai là fan hoặc từng nghe tới tiểu thuyết Death in Venice, cũng như phiên bản điện ảnh của cuốn sách này hẳn không thể quên được câu chuyện về nhân vật Tadzio – chàng thiếu niên quý tộc Ba Lan đẹp đến 'chim sa cá lặn', đẹp đến mức phá vỡ mọi quy chuẩn, mọi định kiến về tình yêu. Thời điểm phim ra mắt năm 1971, bản thân nam diễn viên người Thụy Điển Björn Andrésen thủ vai Tadzio cũng được mệnh danh là 'thiếu niên đẹp nhất thế giới'. Dẫu vướng phải một số ý kiến tranh cãi, Death in Venice cả phiên bản tiểu thuyết lẫn điện ảnh đều tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả. Qua ngòi bút của tác giả Thomas Mann cùng bàn tay đạo diễn Luchino Visconti, tình yêu, nghệ thuật, Tadzio và Ba Lan trở nên duyên dáng lạ kỳ!
Hình tượng chàng thiếu niên Ba Lan Tadeusz – Tadzio do Björn Andrésen hóa thân (Ảnh: The Religious Imagineer)
Nghệ thuật là tội lỗi?
Ngay từ đầu phim, nhà soạn nhạc Gustav von Aschenbach đã được khắc họa với tâm thế lạc lõng. Cú sốc vì cái chết của vợ và con gái chưa nguôi ngoai, ông còn phải chịu đựng căn bệnh tim đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Mỉa mai hơn nữa, dẫu được khắc họa như một nghệ sĩ ở trên đỉnh cao danh vọng, Aschenbach lại rơi vào trạng thái mông lung về lý tưởng nghệ thuật của chính mình.
Dành cả đời để theo đuổi cái hoàn mỹ, đạo đức, phẩm giá trong nghệ thuật, nhưng giờ đây, Aschenbach nhận ra có điều gì đó không đúng về con đường mà mình đã chọn, nhất là sau cuộc tranh luận với đồng nghiệp – người cho rằng nghệ thuật không thể quá tròn trịa, quá chuẩn mực mà cần những tội lỗi và nhục cảm làm chất xúc tác để thăng hoa. Cho đến khi chàng thiếu niên Tadzio xuất hiện, Aschenbach như bừng tỉnh và bước sang trang mới trong cuộc đời mình.
Tình yêu vô vọng Aschenbach dành cho Tadzio không hề nhuốm màu dung tục mà là sự hình tượng hóa tình yêu nghệ thuật, khát khao lý tưởng nghệ thuật. (Ảnh: A Potpourri of Vestiges)
Dù biết dịch bệnh đang tràn đến Venice, Aschenbach vẫn thấy cuộc đời bỗng tươi đẹp và tràn đầy cảm hứng sống trở lại. Dù là một người đàn ông chân chính với tình yêu gia đình không khi nào nguôi ngoai, người nghệ sĩ vẫn bị tình yêu câm lặng dành cho Tadzio xoay vần.
Là vì chàng trai Ba Lan đẹp đến nao lòng kia chính là hiện thân của lý tưởng nghệ thuật hoàn chỉnh nhất mà Aschenbach cuối cùng đã giác ngộ: cao quý, tuyệt mỹ, nhưng cũng tội lỗi và đi ngược lại quy chuẩn đạo đức. Death in Venice không khắc họa cảm xúc si mê cấm kỵ như nhiều người vẫn quy chụp, mà là tình yêu và niềm khát khao nghệ thuật mãnh liệt đến kiệt quệ cả tâm hồn lẫn thể xác.
Tadzio – 'chàng thơ' Ba Lan
Tadzio không thực sự đẹp theo tiêu chuẩn ngày nay! Chính bà mẹ còn phải dặn rằng "Tadzio! Trông con xanh yếu quá. Hãy ra ngoài tắm nắng nhiều hơn!" Thế nhưng, kỳ lạ làm sao! Chính cái vẻ đẹp 'tựa tuyết sương' của Tadzio mới làm thổn thức trái tim khao khát lý tưởng nghệ thuật nhưng đang chết dần chết mòn của nhà soạn nhạc Aschenbach, cứu rỗi cuộc sống đang héo úa từng ngày của ông.
Cuộc gặp gỡ định mệnh của nghệ sĩ Aschenbach và gia đình quý tộc người Ba Lan (Ảnh: TimeOut
Thực tế, Aschenbach đã chú ý đến gia đình Tadzio ngay từ khi họ bước vào gian phòng. Giữa đám đông thượng lưu ồn ào và phô trương, một gia đình quý tộc Ba Lan xuất hiện có phần lặng lẽ và khiêm nhường.
Thứ ngôn ngữ họ nói thật lạ lùng, bí ẩn và xa xôi…nhất là khi người mẹ cất giọng trầm ấm mà đài các dặn dò mọi người. Giữa một gia đình trang nhã đến nhường ấy, cậu thiếu niên Tadzio lại càng thu hút sự chú ý của Aschenbach với "vẻ đẹp tựa một vị thần Hy Lạp cùng mái tóc quăn vàng màu mật ong".
Chỉ có điều, vẻ đẹp hoàn mỹ ấy mong manh quá, yếu ớt quá, đến mức Aschenbach dự cảm rằng Tadzio sẽ đoản thọ. Mà cứ nhìn cái cách gia đình bảo bọc 'cậu ấm' Tadzio như công tử bột thì điều ái ngại ấy lại càng có lý!
Văn hóa, phong cách Ba Lan được khắc họa đẹp như một giấc mơ trong Death in Venice. (Ảnh: Pinterest)
Nguyên mẫu Tadzio là một thiếu niên Ba Lan hoàn toàn có thật theo lời kể của tác giả Thomas Mann sau chuyến đi tới Venice năm 1911. Thế nhưng, sự ‘hoàn mỹ’ của Tadzio chưa chắc đã có thật. Qua lăng kính tình yêu nghệ thuật của người nghệ sĩ với trái tim đang dần tan ra thành bọt biển bỗng cuộn trào như sóng, vẻ đẹp của Tadzio cũng phần nào được lý tưởng hóa. Tình yêu khiến con người ta vốn đã xinh đẹp lại càng xinh đẹp, vốn đã yêu kiều lại thêm phần tuyệt mỹ.
Nhiều khán giả khó tính chỉ trích rằng nam diễn viên Björn Andrésen chẳng khác nào bình hoa di động khi hóa thân thành Tadzio trong Death in Venice. Cả phim, Andrésen gần như không diễn xuất mà chỉ…tạo dáng đầy kiểu cách và ước lệ. Thế nhưng, đó thực sự chính là Tadzio - vị thần nghệ thuật trong lòng nghệ sĩ Aschenbach. Dưới con mắt Aschenbach, Tadzio đẹp đến siêu thực, xa vời và viển vông, dù có với tay ra đến thế nào cũng chẳng thể nào chạm đến!