Ở các nước phương Tây (trong đó có Ba Lan), săn nấm là một hoạt động ngoài trời thú vị. Hàng năm, các cuộc săn nấm thu hút được rất nhiều cá nhân và đoàn thể tham gia sôi nổi. Một số người không chỉ săn nấm để làm thức ăn, mà còn thích thú tìm kiếm, ngắm nghía những loài nấm dại xinh xắn đến kỳ lạ, ngơ ngác mọc từ những góc rừng. Thế giới nấm (fungi) ở Ba Lan có phần trái ngược với Việt Nam. Ở Việt Nam, để kể ra những loại nấm thơm ngon nhức nhối thì ngồi kể cả ngày không hết, còn nấm dại thì quanh quẩn chỉ có vài ba loài xám xịt. Đến Ba Lan, không khó để nhận ra nơi đây không có nhiều sự lựa chọn khi muốn thêm nấm vào thực đơn. Nhưng ở ngoài thiên nhiên, xứ Trung Âu có vô số loài nấm dại rực rỡ với đủ hình dáng và màu sắc như muốn thôi miên những bước chân băng rừng.
Rừng rậm Ba Lan là 'vương quốc' của các loài nấm muôn màu muôn vẻ. (Ảnh: Tác giả)
Nấm ở Ba Lan mọc 'rầm rộ' từ tháng 9 cho đến tháng 10. Thu về, lá rụng cho đất mùn ẩm, nắng cũng không còn thiêu đốt, ấy là khi những bào tử hiển vi của trăm ngàn loài nấm bớt sợ sệt mà ló những cái đầu ngộ nghĩnh ra khỏi giá thể. Nấm mọc lên nhanh ngỡ ngàng, mà cũng vội vàng ruỗng mục cho người ta tiếc hùi hụi vì để lỡ những cơn mưa.
Có những loài nấm kỳ lạ mà chúng ta chưa bao giờ bắt gặp! (Ảnh: Tác giả)
Thoạt nhìn, khó có thể biết đâu là nấm ăn được, đâu là nấm chỉ để ngắm chơi. Ngửi thử thì loài nào cũng chung nhau một cái mùi ngòn ngọt ngai ngái, chỉ trừ một số giống chẳng lấy gì làm mời gọi khứu giác mà như mùi vải lâu ngày ẩm mốc vậy. Người ta hay truyền tai nhau kinh nghiệm rằng nấm nào càng…'xấu' thì càng an toàn, còn nấm nào càng sặc sỡ thì nên tránh xa nếu chưa muốn ăn bữa ăn cuối cùng! Điều này thực ra cũng có phần đúng. Ngoài những loài nấm quen thuộc trong gian bếp Ba Lan như nấm mỡ, nấm thông hay nấm mồng gà vàng, thì khi đi rừng, hễ thấy nhánh trắng non (chưa ngả màu vàng hoặc đen) của nấm mực (rất kỵ nấu chung với rượu), nấm bóng gai mềm và nấm súp-lơ thì cứ hái về, rửa sạch rồi nấu ăn vô tư.
Nấm súp lơ thường mọc thành từng cụm 'bự chảng' và hoàn toàn ăn được. (Ảnh: Tác giả)
Tuy nhiên, quan niệm trên không phải lúc nào cũng đúng. Nhiều loài nấm rừng trông rất 'lành' nhưng hóa ra lại ẩn chứa lưỡi hái tử thần. Các loài như nấm thiên thần hủy diệt, nấm đen nhạt, nấm cánh thiên thần (trông rất giống nấm sò) chứa độc tố đủ mạnh để chúng ta loại ra khỏi thực đơn. Trong các khu rừng ở Ba Lan, bạn cũng sẽ dễ bắt gặp nấm phễu trắng khổng lồ. Đúng như tên gọi, chúng có kích thước rất 'khủng', thịt xơ dày, có mùi thơm nhẹ và vốn dĩ là ăn được. Tuy nhiên, loài nấm này thường đọng nhiều nước bẩn và hay bị ký sinh bởi những con…dòi! Chỉ cần bổ dọc thân một cây nấm phễu trắng khổng lồ là bạn sẽ dễ gặp cảnh tượng…buồn nôn! Vì thế, tốt nhất là không nên ăn loài nấm này nếu bạn không muốn nhai phải một vài sinh vật ngo ngoe.
Nấm phễu trắng khổng lồ có kích thước rất khủng. Chúng thường bị nhiễm bẩn từ môi trường và mang rất nhiều ký sinh trùng. (Ảnh: Tác giả)
Ngược lại, nhiều loài nấm có màu sắc sặc sỡ, hình thù kỳ lạ hóa ra lại ăn được như nấm thạch anh tím, nấm tôm hùm, và nấm san hô. Trong đó, đặc biệt nhất là nấm thạch anh tím và nấm san hô. Chúng có vẻ ngoài cực kỳ bắt mắt nên dễ bị nhầm là nấm độc. Trên thực tế, hai loài nấm này vốn không có độc, nhưng chúng rất dễ bị nhiễm các chất có hại từ môi trường sống nên cũng không thực sự an toàn để ăn nếu sơ chế không kỹ.
Nấm thạch anh tím rất đẹp và có thể dùng làm thức ăn, nhưng chúng rất dễ hấp thụ các chất độc hại từ môi trường sống. (Ảnh: Tác giả)
Khi hái nấm về ăn, bạn phải đặc biệt lưu ý các loài nấm có hình dạng giống nhau. Chỉ cần chút nhầm lẫn là ranh giới giữa một món ăn ngon với thảm họa là rất mong manh. Hai loài đang được nói đến là nấm parasol và nấm shaggy parasol mọc nhan nhản trong các cánh rừng Ba Lan. Loài nấm này có kích thước rất lớn so với nhiều loài khác. Nó bao gồm một 'thân' cao, mảnh khảnh với một đường viền mỏng. Người Ba Lan gần như không ăn phần thân mà chỉ dùng phần mũ nấm màu trắng với những lớp vảy nâu lốm đốm. Nấm parasol nhiều thịt và rất ngon khi chiên bơ, nhưng nếu thiếu kinh nghiệm, bạn sẽ rất dễ hái nhầm nấm shaggy parasol. Hai loài nấm này cực kỳ giống nhau, nhưng nếu quan sát kỹ, ta vẫn có thể phân biệt được. Nấm parasol có các vảy nâu ít và nhỏ hơn so với nấm shaggy parasol với lớp vảy lớn và dày đặc. Phần chóp nấm parasol sẫm, đều màu, có vảy nhỏ và thường nhú lên như đầu vú, trong khi chóp nấm shaggy parasol ít nhú và có những rãnh nứt lớn.
Trong hình là một cây nấm shaggy parasol mới mọc. Đây là loài có độc và dễ bị nhầm lẫn với nấm parasol thông thường. (Ảnh: Tác giả)
Một loài nấm rất phổ biến nữa trong các cánh rừng Ba Lan là nấm bùi nhùi, hay còn gọi là nấm móng ngựa. Chúng thường mọc trên các cây gỗ khiến cây yếu dần và chết. Sau đó, nấm vẫn còn sống rất lâu trên thân cây. Loài nấm này chưa bao giờ được coi như một món ăn bởi hương vị siêu tệ, nhưng chúng có dược tính nhất định. Ngoài ra, do kết cấu khô, cứng, lại tương đối nhẹ, nấm móng ngựa có thể làm chất đốt rất tốt và đem chế tạo thành một số vật dụng hữu ích.
Tuy có hình dáng xấu xí và hương vị cũng kinh dị chẳng kém, nấm bùi nhùi lại là loài rất hữu ích. (Ảnh: Tác giả)
Nhóm nấm tán bay cũng dễ tìm thấy ở Ba Lan. Tuy nhiên, nhóm nấm này dù với bất kỳ màu sắc nào (đỏ, cam, xanh, nâu) cũng nên tránh xa. Chúng rất xinh đẹp và thường xuất hiện trong các tranh vẽ thiếu nhi, nhưng ẩn chứa bên trong vẻ bề ngoài ngộ nghĩnh đó lại là độc tố nguy hiểm. Ở một số vùng, người ta có dùng nấm tán bay mũ đỏ để ngâm thuốc, nhưng chừng đó là không đủ an toàn để bạn hái chúng về chế biến thành món ăn.
Các loài nấm sặc sỡ như nấm tán bay thường tiềm tàng nguy cơ ngộ độc lớn. (Ảnh: Tác giả)
Hy vọng, sau bài việt này, bạn đã được trang bị một số kiến thức cơ bản nhưng hữu ích để có những cuộc săn nấm thú vị và an toàn!
Có thể bạn cần!