Hoa hướng dương được biết đến là quốc hoa của đất nước Ukraine. Bên đất nước láng giềng Ba Lan, các sản phẩm từ hướng dương cũng rất được ưa chuộng. Khi sang đây, tôi để ý nhiều người cũng có thói quen 'tí tách' hạt hướng dương lúc rảnh. Nhưng điểm khác biệt là người Ba Lan hay ăn hạt hướng dương sống từ đài hoa tươi rói vừa mới cắt. Hạt hướng dương sống ngọt bùi, thơm tho. Hương vị thực sự rất khác so với hướng dương rang sấy thông thường.
Bạn đang cần dịch vụ giấy tờ cư trú Ba Lan rẻ nhất - nhanh chóng - hiệu quả? Mời xem tại ĐÂY!
'Hoa' mà không phải hoa, 'hạt' mà chẳng phải hạt!
Có vài điều mà rất nhiều người lầm tưởng về loài cây này. Nếu tôi bảo bạn vẽ một bông hoa hương dương (chỉ một bông thôi) thì sao nhỉ? Chắc đến 90% sẽ nhanh tay vẽ một bức hoa hướng dương to tròn, vàng rực như trong tranh của đại danh họa Van Gogh.
Nhưng cái mà ta hay gọi là 'hoa hướng dương' thực chất là cả một cụm hoa. Còn những bông hoa hướng dương thực sự lại chính là cái mà chúng ta tưởng là nhụy. Tức là mỗi cụm hoa hướng dương to tròn, vàng rực kia chứa bên trong hàng trăm, hàng ngàn bông hoa thật.
Một ngộ nhận rất phổ biến nữa là về hạt hướng dương – thứ quà vặt khoái khẩu của nhiều người. Loại 'hạt' mà chúng ta hay nhấm nháp thực ra chính là quả hướng dương. Mỗi hoa thật lại đậu 1 quả bế, nên một cụm hoa lớn có thể cho hàng ngàn quả bế dạng hạt vỏ đen.
Phần thịt trắng ngà ăn được bên trong cũng không hoàn toàn là 'hạt' thực sự mà đúng ra là nhân hoặc lõi (kernel). Kiểu lầm tưởng về 'hạt' khá thường gặp như ở cây ngô, bồ công anh, dâu tây, hoa hồng, …
Có thể bạn cần: Lớp học tiếng Ba Lan giao tiếp - thi chứng chỉ B1
Sự thật về cái tên 'hướng dương'
Từ cái tên, ta cũng biết rằng loài cây biểu trưng cho văn hóa Ukraine luôn hướng về mặt trời. Nhưng có thật chúng tuân theo chu trình của mặt trời?
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng cụm hoa hướng dương có thể xoay theo nguồn đèn có chu kỳ giống mặt trời mà không cần mặt trời thật chiếu sáng. Nhưng nếu thay đổi chu kỳ thì cây sẽ bị 'loạn' chuyển động.
Người ta đã phát hiện ra rằng những cụm hoa thực ra không 'nhìn' về mặt trời mà chủ yếu do gen của chúng đã lập trình để xoay từ đông sang tây. Kể cả khi mặt trời đã lặn hoàn toàn ở hướng Tây, gen tiếp tục 'ra lệnh' cho cụm hoa xoay lại về hướng đông.
Hạt hướng dương sống - hương vị mùa hè Ba Lan
Mỗi độ hè cho đến đầu thu, các sạp hàng ở Ba Lan lại đầy ắp những đài hướng dương. Mỗi đài thường khá nặng tay, đủ ăn rả rích trong cả tuần mà không quá đắt. Loại rẻ chỉ 3-4 złoty/đài nhưng thường nhỏ và không ngon, vỏ dày mà ít nhân.
Loại ngon nhất thường có các đế hoa thật (bên trong cụm hoa lớn) màu tím. Giá khoảng 7-8 złoty/đài nhưng rất đáng đồng tiền. Nhân hạt loại này to, ăn ngọt và thơm mùi cỏ đồng nội. Đi du lịch Ba Lan gấp gáp không kịp chọn quà vặt lưu niệm ở đây thì quẹo lựa một đài hướng dương nhấm nháp cũng khá thú vị.
Khi ăn, người Ba Lan ngắt từng hạt trực tiếp từ cụm hoa và thưởng thức. Các hạt ngoài rìa to hơn, ăn 'sướng miệng' hơn. Hạt ở những vòng trong cùng nhân thường bé, thậm chí lép, nhưng lại mọng nước và có vị ngọt hơn.
Hướng dương sấy khô cũng rất phổ biến ở đất nước Trung Âu nhưng chủ yếu là loại đã tách vỏ. Loại này rất tiện để trộn salads, nướng cùng bánh mỳ hoặc làm món ngọt kiểu Ba Lan. Tuy nhiên, hương vị của hướng dương tươi và hướng dương khô rất khác biệt. Để dễ hình dung, ta có thể liên tưởng đến hạt sen tươi với hạt sen khô vậy.
Lưu ý khi ăn hướng dương tươi
Tuy rất ngon và dễ 'gây nghiện', ăn hướng dương sống cũng hơi phiền toái. Vỏ hạt dễ dính nhựa ra tay. Sau mỗi trận 'oanh tạc', đầu ngón tay đen sì như zombie là chuyện bình thường. Chưa kể nếu bạn ăn quá nhiệt tình, nhựa còn dính đen cả một góc môi!
Thêm nữa, bất kỳ ai ăn hướng dương tươi đều gặp qua trường hợp tự nhiên có vài hạt…hôi rình! Đó là do trên cụm hoa hay có những con bọ nhỏ xíu, phải soi rất kỹ mới thấy. Chẳng may cắn phải thì làm nhanh ngụm nước mận mirabelka Ba Lan vừa mùa chín cho thơm tho là lại vô tư chén tiếp!
Hạt hướng dương dù rất bổ dưỡng nhưng có thể có tác động không tốt lên hệ tiêu hóa, vóc dáng và hệ sinh dục nếu ăn quá nhiều. Nên dù có thích đến mấy thì cũng chỉ nên ăn vừa phải thôi nhé!
Không chỉ là một món ăn vặt
Người ta rất hay trộn các loại hạt vào nhiều món bánh ngọt Ba Lan, salads và các đồ ăn nhẹ khác. Thường gặp nhất là bánh mì hướng dương. Hạt hướng dương làm lớp phủ vỏ bánh hoặc trộn lẫn vào bột bánh.
Người ta cũng có thể thêm các loại hạt khác (mè, đậu phộng, óc chó, …). Bánh mì đen trộn hướng dương ăn chắc dạ, nhanh no và no lâu hơn bánh mì trắng. Nếu là bánh mì chua ăn cùng các món súp chua Ba Lan thì càng có lợi cho sức khỏe.
Ở Ba Lan, các đầu bếp hay trộn hạt hướng dương, hạt điều, hạt phỉ vào salad. Hướng dương rất giàu vitamin E, folate, phytosterol, magesium và selenium. Vì thế, loại hạt này tốt cho tim mạch, được khuyên dùng cho các món chay. Không chỉ giàu dinh dưỡng, hạt hướng dương cũng giúp tạo cảm giác no lâu. Điều này rất phù hợp cho những người đang ăn kiêng hoặc yêu thích món ăn chay.
Ngoài trộn rau củ, bạn có thể làm món ngũ cốc dinh dưỡng. Nếu không thích các loại ngũ cốc ăn liền nhiều bột sữa, bạn có thể thử cách sau đây. Hãy trộn hạt hướng dương, hạnh nhân, óc chó, điều Brazil, cacao, yến mạch chín cùng mật ong. Một mẹo nhỏ khi làm ngũ cốc hướng dương là hãy ngâm hạt qua đêm. Bằng cách này, các chất có hại sẽ được giải phóng bớt. Hạt cũng tăng thể tích và hương vị thơm ngon hơn rất nhiều.
Mời bạn đọc thêm!
- Những món ngọt nhất định phải thử khi đến Ba Lan (kỳ 1)
- Những món ngọt nhất định phải thử khi đến Ba Lan (kỳ 2)
- Hoa hướng dương – quốc hoa của Ukraine
- Những thức uống nên thử ở Ba Lan