Banksy là một trường hợp vô cùng đặc biệt của giới nghệ thuật đường phố. Các tác phẩm sơn tường (graffiti) và sơn dầu (oil on canvas) của họa sĩ này được biết đến rộng rãi, thu hút đông đảo người hâm mộ trên khắp thế giới. Tuy vậy, chưa ai từng được thấy mặt hoặc biết rõ danh tính tác giả của những họa phẩm đó, dù một số tay săn ảnh khẳng định đã chụp được hình người nghệ sĩ bí ẩn. Tranh của Banksy luôn có phong cách rất riêng, đả kích một cách sâu cay và táo bạo bản chất con người cũng như guồng quay chính trị-xã hội; đồng thời truyền tải những thông điệp đầy tính nhân văn về hòa bình, nhân quyền, trẻ em.
Áp-phích quảng cáo cho sự kiện nghệ thuật tâm điểm của mùa hè năm nay với hình minh họa là tác phẩm Girl and Balloon (2012) 'kinh điển' của Banksy. (Nguồn: Tác giả)
Không đứng ngoài cộng đồng fan của Banksy, người dân Warszawa đã thể hiện sự hâm mộ cuồng nhiệt dành cho chàng ẩn sĩ tài hoa. Lần triển lãm thứ nhất các tác phẩm của Banksy với chủ đề Không Giới Hạn (Without Limits) đã cháy vé từ rất sớm sau khi mở bán. Kể cả khi đã cầm chắc trên tay tấm vé, khách tham quan vẫn phải xếp thành hàng dài ở Centrum Praskie Koneser để chờ đến lượt vào xem. Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật quá lớn của người dân thủ đô, đơn vị tổ chức đã mở thêm triển lãm lần 2 kéo dài đến 5/9/2021.
Mời quý độc giả cùng OH! Ba Lan điểm qua một số trong tổng cộng khoảng 100 tác phẩm tại triển lãm Without Limits lần 1 của Bansky tại Warszawa.
Chiến tranh – Hòa bình – Trẻ em
Banksy là một nghệ sĩ luôn nêu cao tinh thần phản chiến. Thông điệp về hòa bình và quyền trẻ em thường được đưa vào tác phẩm của anh. Media Canvas (2006) khắc họa sự bất lực, vô cảm và thực dụng của nhiều người trước số phận của nhiều trẻ em trong các cuộc xung đột bạo lực. Bé gái dù bị thương vẫn chỉ nhận về cái nhìn bất lực của đội ngũ cứu hộ và những khuôn mặt lạnh lùng của cánh truyền thông.
Can't Beat That Feeling (2004) lấy cảm hứng từ em bé Napalm, một trong những khoảnh khắc gây ám ảnh nhất mọi thời đại về Chiến tranh Việt Nam. Dắt tay bé gái là nhân vật chuột Mickey và chú hề, những nhân vật vốn được coi là vui tươi và thân thiện với trẻ nhỏ, nhưng lại khiến người xem 'lạnh gáy' khi nhìn vào bức tranh này.
Hai người lính đang phải "vẽ trộm" biểu tượng của hòa bình trong tác phẩm CND Soldiers (2005). Qua biểu cảm khuôn mặt cùng tư thế, chúng ta hiểu rằng những người lính luôn phải ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, và màu đỏ như m.á.u cho thấy cái giá vô cùng đắt để đổi lấy hai tiếng "hòa bình".
Thông điệp cao đẹp và hết sức ý nghĩa mà Banksy truyền tải qua tác phẩm Game Changer (2020): Tạm gác lại những 'siêu anh hùng' viễn tưởng trên phim ảnh, các y bác sĩ và nhân viên y tế mới thực sự là những người hùng trong cuộc chiến chống Covid-19.
Châm biếm chính trị
Devolved Parliament (2009) là một trong những màn trưng bày ấn tượng nhất của cuộc triển lãm với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng đi kèm. Đây là họa phẩm sơn dầu rất đắt giá của Banksy với cú chốt giao dịch lên tới hơn 12 triệu đô-la Mỹ.
Phản ánh xã hội
Thông điệp táo bạo, 'trần trụi' và gây nhiều tranh cãi trong bức tranh True Love (2006): "Tôi muốn tìm được tình yêu đích thực…để s.e.x đỡ tốn kém" (!?)
Hiện thực đáng buồn được phản ánh qua tác phẩm Economic Equality (2015). Chúng ta vẫn ngày ngày rao giảng về bình đẳng kinh tế-xã hội, nhưng thực tế vẫn là "kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra". Bức họa treo xô lệch, méo mó, ám chỉ khoảng cách giàu nghèo là một điểm yếu, là 'cái răng lung lay' của kinh tế-xã hội.
Nhân hóa động vật
Một thủ pháp quen thuộc của Banksy là nhân hóa động vật để ám chỉ con người. Pregnant Monkey (2016) truyền tải một thông điệp sâu cay: hình ảnh phụ nữ mang thai mà hút thuốc thì xấu xí không khác gì một nhân vật nửa người nửa khỉ với khuôn mặt hết sức quái dị.
Ngoài những con khỉ kỳ quái, loài chuột cũng là nguồn cảm hứng lớn của Banksy. Tác phẩm Umbrella Rat (2003) mô tả cuộc sống lầm lũi, buồn tẻ của nhiều người lao động. Họ khao khát lý tưởng sống và tự do, nhưng đành bất lực vì cơm áo gạo tiền. Lâu dần, lý tưởng sống và tự do của họ chết dần như hình ảnh mặt trời đang héo mòn và "chảy rữa".
Tranh liên quan tôn giáo
Thêm một tác phẩm gây sốc của Banksy: Toxic Mary (2004). Thay vì bầu sữa tự nhiên, Mẹ Maria đút cho Chúa Hài Đồng một bình sữa nhân tạo. Điều đáng nói là trên bình có biểu tượng cảnh báo nguy hiểm rất rõ ràng, và cả hai nhân vật đều được vẽ nên từ những nét chảy dài u ám. Nhiều người phải chua chát thừa nhận rằng: Chúng ta, dù biết có rất nhiều sản phẩm mình tiêu thụ là vô cùng độc hại, nhưng vẫn phải mua, phải dùng vì không còn lựa chọn nào khác.
Một số tác phẩm nổi bật khác tại triển lãm Without Limits
Turf War (2003)
Pissing Soldier (2015)
Laugh Now (2006)
English Maid (2006)
Get Out While You Can (2004)
Có thể bạn cần!