Phần 6: Súp nội tạng
Ẩm thực châu Âu nhìn chung không thực sự chú trọng các nguyên liệu từ nội tạng động vật như nhiều nước Á Đông. Ba Lan có lẽ là một trường hợp đặc biệt trong gian bếp châu Âu khi có khá nhiều món ăn được chế biến từ thành phần này. Khi ghé thăm, bạn không khó để bắt gặp những món từ nội tạng rất đặc trưng của Ba Lan như kaszanka, salceson hay móżdżek smażony. Thậm chí, người Ba Lan còn tỏ ra cực kỳ khéo léo khi sử dụng loại nguyên liệu 'máu me' này để làm ra những tô súp vô cùng lạ miệng và hấp dẫn. Tại sao chúng ta (trừ những quý độc giả ăn chay trường) không thử tìm hiểu xem, rồi biết đâu lại 'ghiền' thì sao nhỉ?
Nguồn ảnh: Polki
Flaki (canh dạ dày bò)
Nếu ai đó khoe từng có thời gian sống ở Ba Lan mà lại chưa từng thấy món flaki thì nhiều khả năng là người đó nói dối hoặc không đi siêu thị hay nhà hàng bên này bao giờ! Thật vậy, flaki (hay flaczki) là món ăn cực kỳ phổ biến xuất hiện ở mọi nhà hàng và siêu thị tiện lợi trên đất nước Ba Lan. Món này cũng khá dễ bắt gặp ở các đám cưới truyền thống. Flaki có nhiều phiên bản với sự khác biệt về nguyên liệu như dạ dày bò, dạ dày heo, tinh hoàn heo, và nấm (cho người ăn chay).
Nguồn ảnh: Culture
Nếu bạn có thời gian và không thích mua flaki đóng hũ sẵn thì hãy thử tự tay chế biến, bắt đầu từ khâu sắm nguyên liệu:
- 1 kg dạ dày bò thái (dạ tổ ong, có thể dùng cả dạ lá sách nếu tìm được)
- 1 bó cần tây
- 3 củ cà rốt
- 1 củ hành tây
- 3 nhánh tỏi
- 1 thìa bột mì
- 3 lá nguyệt quế
- 5 quả allspice (hồ tiêu Jamaica)
- 10 quả tiêu đen
- 1 muỗng canh kinh giới
- 1 thìa dầu ăn
- 1/2 thìa cà phê nhục đậu khấu
- 1 thìa gừng nạo
- 1 thìa cà phê ớt ngọt
- 1/2 thìa ớt cay
- muối, tiêu xay
Nguồn ảnh: u Kuby
Bước sơ chế dạ dày bò là rất quan trọng. Trước hết, bạn cần rửa sạch vài lần với nước ấm, cho vào nồi đổ ngập nước, đun cho đến khi sôi và nấu trong 25 phút. Sau đó, dạ dày cần được xả bằng nước sạch, cho vào nồi đun lại một lần nữa cùng với lá nguyệt quế, hạt tiêu, muối và tỏi trong khoảng 90 phút. Khi dạ dày mềm, bạn có thể bắt tay sơ chế cà rốt và cần tây, đem bào hoặc cắt thật nhỏ, rồi cho vào nồi đun cùng dạ dày trong 30 phút nữa.
Nguồn ảnh: The Spruce Eats
Để hoàn thiện kết cấu cũng như hương vị cho món súp, bạn cho hành phi thơm cùng bột mì rồi đem trộn đều với nồi súp dạ dày. Bước cuối cùng, đừng quên nêm nhục đậu khấu, gừng, ớt bột và kinh giới cho đến khi hợp khẩu vị. Món súp flaki có thể ăn riêng hoặc chấm với bánh mỳ đều tuyệt ngon, chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng!
Czernina (tiết canh vịt kiểu Ba Lan)
Đừng vội ngạc nhiên khi biết rằng người Ba Lan cũng sử dụng máu động vật làm nguyên liệu nấu ăn. Ngoài món dồi kaszanka, người ta còn có món súp czernina (hay czarnina) rất độc đáo. Czernina dù có thành phần chính hơi đáng sợ là tiết vịt, nhưng lại có màu sắc cùng cách trang trí khá bắt mắt. Nhiều bà mẹ ở Ba Lan còn gọi món này là 'súp sô-cô-la' để trẻ con thích ăn hơn! Hãy cùng điểm qua những nguyên liệu cần để nấu ra được một tô czernina thơm ngon tròn vị nào!
Nguồn ảnh: Pinterest
- Vịt nguyên con
- 3 củ cà rốt
- 2 củ mùi tây
- 1/2 củ cần tây
- 1 cây tỏi tây
- 1 củ hành tây
- 5 lá nguyệt quế
- 5 quả allspice
- 3 quả tiêu đen
- 1 chén (250 ml) tiết vịt (tươi hoặc đông lạnh)
- 100 g quả khô: mận, lê, mơ
- 50g anh đào
- 2-3 muỗng canh kem chua
- 1 muỗng canh bột mì
- 1 muỗng canh giấm
- ½ muỗng cà phê đường
- ½ thìa cà phê kinh giới khô và kinh giới tươi
- Muối, tiêu xay
- mì pasta
Đầu tiên, bạn làm sạch vịt rồi cho tất cả vào đun chung trong một nồi lớn để lấy nước dùng. Khi nước sôi, cần vặn nhỏ lửa, chú ý hớt váng cho nước được trong. Kế đến, ta đem rau củ đi sơ chế, bóc vỏ hành tây, nướng cho cháy sém rồi cho tất cả vào nấu chung với vịt. Lúc này có thể thêm lá nguyệt quế, quả allspice, tiêu đen và 1 thìa muối vào, tiếp tục đun trong 1 giờ nữa. Thịt cùng rau củ khi chín mềm và ra hết chất nước ngọt cần vớt ra để riêng.
Nguồn ảnh: Polonist
Trước đó, bạn nên tranh thủ thời gian lúc chờ ninh nước dùng để xử lý tiết vịt. Ở Ba Lan, việc mua tiết vịt không hề dễ dàng. Bạn chỉ có thể tìm mua vịt sống hoặc dặn trước quầy thịt giữ lại tiết. Vì vậy, bạn nên mua nhiều tiết vịt một lần, trữ trong ngăn đá để dùng được lâu. Tiết rã đông phải đem sử dụng ngay. Ta thêm giấm, đường, bột mì, kem chua, dùng thìa trộn đều cho đến khi hỗn hợp hòa quyện và có kết cấu mịn.
Nguồn ảnh: Beszamel
Trái cây khô đem ngâm nở, nấu chung với quả anh đào cho mềm, vớt ra rồi bỏ vào nồi nước dùng vịt. Bạn lưu ý giữ lửa chỉ vừa đủ để hâm nóng nước dùng, từ từ đổ hỗn hợp máu vào, khuấy liên tục nhưng hãy đảm bảo rằng súp không bị sôi. Việc nêm nếm kinh giới khô, muối, tiêu xay ra sao là tùy khẩu vị người ăn. Bây giờ, món 'súp sô-cô-la' của bạn đã sẵn sàng để thưởng thức rồi! Đừng quên bày cùng tô súp một chút mì hoặc pierogi, trái cây nấu chín và lá kinh giới tươi để thêm ngon mắt ngon miệng nhé!
Wodzionka (súp bánh mì mỡ heo)
Trong ẩm thực phương Tây, cả mỡ và huyết đều được coi là nội tạng. Người Ba Lan cũng như cư dân Slavic nhìn chung ăn khá nhiều mỡ động vật. Ngoài món mỡ muối salo (phổ biến nhất ở Ukraine), thịt ba chỉ boczek hay tóp mỡ, người Ba Lan còn có món súp mỡ độc đáo – wodzionka.
Nguồn ảnh: Blogspot
Hẳn nhiều người đọc đến đây đã cảm thấy ngây ngấy! Nhưng đừng lo, món này không những siêu đơn giản mà thực sự rất ngon, nhất là khi ăn cùng bánh mì vào mùa rét. Trước tiên, ta cần những nguyên liệu gì nhỉ?
- Bánh mì
- mỡ heo
- tỏi tươi
- mùi tây
- muối, tiêu xay
- gia vị súp hoặc hạt nêm
* Lượng mỗi nguyên liệu tùy thuộc khẩu vị
Nguồn ảnh: Przyślij Przepis
Cách làm món súp wodzionka phải nói là siêu đơn giản. Đầu tiên, ta chỉ cần xắt nhỏ mỡ heo và tỏi tươi. Sau đó, cắt bánh mì thành những miếng vừa ăn. Bước tiếp theo là trút tất cả mỡ heo, bánh mì, tỏi xắt, hương liệu và gia vị vào tô, rót nước sôi cho xâm xấp và trộn đều là xong. Nếu muốn tăng hương vị cho món ăn, bạn hãy rắc thêm chút lá mùi tây tươi. Súp wodzionka thường được làm từ bánh mì cũ đã hơi cứng nên rất tiết kiệm, đặc biệt là vào lúc cuối tháng hoặc bị chậm lương!
Có thể bạn cần!