Nói ra hơi ngượng chút, dù là con ngoan trò giỏi nhiều năm liền, mình rất khoái mấy trò đánh bài. Tất nhiên là mình chỉ chơi cho vui, chứ không có dám đánh ăn tiền kẻo mấy chú công an 'bế' đi mất thì uổng công ba má dưỡng dục bấy lâu. Sang Ba Lan du học, mình có nhiều thứ thay đổi, duy chỉ có sở thích 'xòe quạt' là 'nguyễn y vân'. Ngoài dạy mấy đứa bạn bản xứ ăn mắm tôm và đánh Tá Lả thì mình cũng học được từ hội này một trò rất hay: bài Makao! Trò makao chơi cực 'cuốn' và rất phố biến ở Ba Lan. Nếu ai muốn có nhiều bạn bè bản xứ thì nên học lấy vài đường cơ bản nha!
Luật chơi Makao có đôi phần giống trò Uno. (Ảnh: Error Express)
Makao là trò gì?
Makao là một trò đánh bài 52 lá (bài Tây) thường có sự tham gia của 2 đến 4 người. Nếu có nhiều người hơn, ta có thể gộp thêm những bộ bài khác để chơi. Cách chơi makao có rất nhiều biến thể, nhưng nhìn chung, các quy tắc cơ bản vẫn được giữ nguyên. Makao là một trò chơi chiến thuật với độ khó nhất định, phải ghi nhớ kha khá điều luật. Vì vậy, để học và chơi thạo trò này cần chút thời gian và không tránh khỏi bị thua 'bầm dập' lúc đầu!
Sơ lược luật chơi
Quân bài khởi đầu là 9 rô. Ta có thể đánh 4 rô để khớp. Tuy nhiên, đối thủ sẽ đánh được liền một dây 4 tép – 4 rô – 3 cơ để đáp trả. (Ảnh: Tác giả)
Mục tiêu của trò makao là loại bỏ được hết tất cả các lá bài trên tay. Để bắt đầu một ván, ta chia 5 lá bài cho mỗi người. Người chơi không được để lộ bài cho đối thủ biết. Sau đó, một lá được chọn từ trên cùng hoặc dưới cùng của bộ bài dư và đặt ngửa lên. Lưu ý, lá ngửa đầu tiên không được là một lá bài quyền lực. Bài được đánh theo chiều kim đồng hồ. Mỗi lượt, người chơi ra bài để khớp với quân bài vừa được đánh ra bởi đối thủ. Nếu người chơi không có quân nào khớp được thì phải bốc thêm một quân trên cùng của bộ bài dư. Khi phải bốc bài mà bộ bài dư đã hết, hãy đặt lá bài trên cùng vừa đánh riêng sang một bên. Sau đó, bạn xáo trộn tất cả các quân bài đã đánh trên bàn và tái sử dụng như bộ bài dư mới. Người hết bài đầu tiên sẽ thắng, những người chơi khác lần lượt giành những vị trí tiếp theo. Trò chơi kết thúc khi tất cả mọi người (ngoại trừ người về 'bét') đã hết bài.
Quy tắc ra bài
Khi chơi, bạn có thể đánh mỗi lượt nhiều hơn một lá bài miễn sao khớp chất hoặc khớp số với quân bài mà đối thủ vừa ra. Quân bài tiếp theo trong 'dây' phải khớp chất hoặc khớp số (bằng số hoặc tăng/giảm dần) với quân bài ngay trước đó. Ví dụ: đối thủ vừa ra quân 6 pích, thì bạn có thể ra liền một 'dây' 6 tép-6 cơ–7 cơ, hoặc 7 pích-8 pích-9 pích-10 pích, hoặc 8 pích-9 pích -9 rô-8 rô-7 rô.
Lá khởi đầu là 8 cơ. Đối thủ đánh dây 8 rô – 7 rô để khớp. Ta đáp trả bằng dây 7 tép – 7 pích – 6 pích – 6 cơ, và hô "Makao!" vì sẽ chỉ còn một lá bài trên tay. Đối thủ không còn lá nào khớp, phải bốc 1 lá từ bộ bài úp. Ta đánh tiếp Q pích (Q có thể khớp bất kỳ quân bài thường nào), hô "Po makale!" và hết bài. (Ảnh: Tác giả)
Chú ý, khi vừa đánh một quân bài và chỉ còn lại một quân cuối cùng trên tay, bạn phải hô "Makao!" Nếu quên nói, để đối thủ bắt được và nói thay bạn thì bạn sẽ phải bốc 5 lá bài 'vạ' từ bộ bài chưa phát. Khi đánh lá bài cuối cùng, người Ba Lan thường hô "Po makale!". Trong trường hợp lá makao và lá po makale có thể tạo thành 1 'dây', bạn không được đánh cả 2 cùng lúc mà phải đặt từng quân một, rồi nói lần lượt theo mỗi quân là "Makao i po makale!" rồi kết thúc lượt chơi của mình.
Các lá bài bình thường không thể đem khớp với một lá bài đang mang chức năng đặc biệt. Trong hình, đối thủ đánh đôi 2. Rất may, ta còn quân 2 tép để khớp và có thể đánh kèm 2 cơ – 3 cơ luôn. Cả 2 và 3 đều là những quân bài mang chức năng đặc biệt. (Ảnh: Tác giả)
Một điều nữa cần nhớ, nếu lá vừa được đánh ra là một quân bài quyền lực, thì quân tiếp theo để khớp số hoặc khớp chất từ đối phương cũng phải là một quân bài quyền lực. Ví dụ: đối thủ vừa đánh 2 rô, thì bạn phải ra một quân 2 thuộc chất bất kỳ khác hoặc quân 3 rô. Lý do là vì quân 2 và 3 đều là các quân bài quyền lực và khớp được với nhau thành 'dây'. Quân 4 rô cũng có quyền lực nhưng không thể khớp với 2 rô mà cần có quân 3 rô để tạo thành dây đúng thứ tự, không được nhảy cóc.
Quy tắc bốc bài
Khi trong tay bạn không có quân nào khớp với quân đối thủ vừa đánh, bạn phải bốc một lá 'vạ' từ bộ bài dư. Nếu lá vừa bốc khớp được thì có thể đánh luôn, nếu không khớp thì bạn mất lượt đánh và phải để đối thủ đánh tiếp. Khi lượt chơi quay trở lại đối thủ mà đối thủ cũng không có lá nào khớp với quân mà mình đã đánh ra thì cũng phải bốc 1 quân bài 'vạ'. Một số quân bài quyền lực được đánh ra có thể khiến đối thủ phải bốc nhiều hơn 1 lá 'vạ' nếu không khớp. Trong trường hợp một quân bài quyền lực bị khớp bởi một hoặc nhiều quân quyền lực khác từ đối thủ thì số thẻ trong hình phạt sẽ bị cộng dồn. Ví dụ: bạn ra quân 3 cơ, đối thủ khớp bằng quân 2 cơ, bạn đánh tiếp 2 tép, đối thủ lại khớp tiếp 2 pích và bạn không còn quân nào phù hợp để khớp tiếp thì bạn sẽ phải bốc 3+2+2+2 = 9 lá bài 'vạ'.
Các quân bài quyền lực
28 lá bài quyền lực mang chức năng đặc biệt. Lưu ý, thứ tự giá trị lớn dần là 2-3-4 và J-Q-K-A (Ảnh: Tác giả)
Quân 2: nếu đối phương không khớp được thì phải bốc 2 lá bài 'vạ'. Có thể được khớp bằng một quân 2 khác hoặc một quân 3 cùng chất.
Quân 3: nếu đối phương không khớp được thì phải bốc 3 lá bài 'vạ'. Có thể được khớp bằng một quân 2 khác hoặc một quân 2 cùng chất hoặc một quân 4 cùng chất.
Quân 4: nếu đối phương không khớp được thì phải bỏ lượt và bạn được đánh tiếp. Có thể được khớp bằng một quân 4 khác hoặc một quân 3 cùng chất. Hình phạt cộng dồn cũng được áp dụng cho quân 4 để bạn có thể được đánh liên tiếp 2, 3, thậm chí 4 lượt không cần chờ đối thủ.
Quân Bồi (J): khi đánh lá này bạn được quyền yêu cầu đối thủ đánh ra một quân có số nhất định. Số yêu cầu không được thuộc nhóm quân bài quyền lực. Yêu cầu có giá trị cho toàn bộ hàng đợi. Sau khi đối thủ bốc 1 lá 'vạ' (vì không có số được yêu cầu), nếu người chơi cũng không có quân bài mà chính mình yêu cầu thì cũng phải bốc một lá 'vạ. Người chơi có thể chọn không yêu cầu số nào khi đánh quân Bồi, khi đó quân Bồi đó trở thành một lá bài bình thường. Lưu ý, luật đánh thành 'dây' không áp dụng cho lá bài được yêu cầu bởi quân Bồi!
Quân Đầm (Q) – có thể khớp với mọi lá bài bình thường và cũng có thể bị khớp bởi bất kỳ quân bài nào từ đối thủ. Do vậy, các quân Đầm hay được đánh ra cuối cùng.
Q và K là những quân bài lợi hại nhất trong trò makao. Q có khả năng khớp linh hoạt, thường được giữ lại cuối cùng để đánh lừa đối thủ. K có khả năng tấn công và phòng thủ mạnh nhất trong các lá bài. (Ảnh: Tác giả)
Quân Già (K): K cơ và K pích là hai quân rất mạnh. K cơ yêu cầu đối thủ tiếp theo (nếu chơi ba người trở lên), K pích yêu cầu đối thủ trước đó phải bốc 5 lá 'vạ'. K cơ và K pích không thể khớp với nhau mà chỉ có thể hóa giải bằng quân phòng thủ là K tép hoặc K rô. Tuy nhiên, ở một phiên bản khác, K pích và K cơ vẫn có thể được khớp với nhau khiến người chơi phải bốc đến 10 lá bài 'vạ'. Ngoài ra, một số phiên bản còn cho phép quân K vô hiệu hóa bất kỳ quân bài quyền năng nào khác.
Quân Ace (A): không yêu cầu số như quân Bồi mà yêu cầu đối thủ phải ra một chất nhất định. Nếu đối thủ cũng đáp trả bằng một quân Ace khác và yêu cầu một chất khác thì yêu cầu của bạn không còn tác dụng, trừ phi bạn vẫn còn 'thủ' sẵn một quân Ace nữa trong tay. Khác với quân Bồi, quân Ace cho phép đối thủ đánh thành 'dây' miễn sao lá bài dùng để khớp mang đúng chất yêu cầu là được.
Có thể bạn cần:
- Một số loại board games hay ho có thể bạn chưa biết
- Những loạt phim hoạt hình đình đám một thời của Ba Lan
- Những điểm tương đồng thú vị về văn hoá và đời sống giữa Việt Nam – Ba Lan (kỳ 1)
- Những điểm tương đồng thú vị về văn hoá và đời sống giữa Việt Nam – Ba Lan (kỳ 2)
- [Movie Review] Mortal Combat – Cuộc Chiến Tử Thần